Miếng ăn là miếng tồi tàn!

Với địa hình được bọc kín bởi Thái Bình Dương, người Việt ta nếu để bệnh tim mạch chiếm thế thượng phong chẳng qua vì chưa nắm bắt thông tin về nguồn dược liệu bất tận trong lòng đại dương. Có vốn vẫn chưa đủ để sinh lợi. Khéo hơn nhiều nếu biết cách chế biến để thực khách thấm thía lời khuyên của Hippocrates “hãy biến món ăn thành thuốc, hãy dùng món ăn như dùng thuốc”.

Có vay có trả

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan-Kettering ở New York, tỉ lệ ung thư ở các nước châu Á sẽ tăng không dưới 60% vào năm 2020. Đây là con số đáng lo vì ung thư khi đó chỉ đứng sau bệnh tiểu đường. Lý do là vì:

• Dân da vàng sống thọ hơn nên có đủ thời giờ để sống chung với… bệnh!

• Càng lúc càng có nhiều người chọn lối sống đi ngược với quy luật thiên nhiên như ngủ quá ít, ăn quá nhanh, ngồi quá nhiều… khiến sức đề kháng bị bào mòn liên tục.

• Khuynh hướng lạm dụng thực phẩm công nghệ, thay vì trung thành với món ăn truyền thống.

Đáng nói là trong tốp 5 của chất sinh ung thư chính là phụ gia trong thực phẩm công nghệ. Ai chưa tin xin đọc các bản tin khủng khiếp về cách nuôi trồng, chế biến thực phẩm ở xứ mình, từ lối canh tác với chất kích thích khiến rau lớn như thổi qua đêm, bước qua thịt heo tuy siêu nạc nhưng tẩm đầy kháng sinh cho đến trái cây tươi rói do phun thuốc gọi là bảo vệ thực vật, bánh mứt bắt mắt nhờ được đánh bóng bằng hóa chất. Nếu hàm lượng độc chất sinh ung thư trong thực phẩm cao gấp cả ngàn lần mức cho phép, nếu miếng ăn tiếp tục là món hàng thả nổi theo siêu lợi nhuận thì ung thư sớm muộn cũng như hàng khuyến mãi, chưa xong bệnh này tặng thêm bệnh khác.

Chỉ cần mỗi tuần không hơn ba lần, mỗi lần không hơn 50 g cá biển đã thừa sức để cầm chân xơ vữa mạch máu, đòn bẩy của bệnh tim mạch.

Thuốc có sẵn không dám dùng

Đáng tiếc là hơn 2/3 thực phẩm được FDA công nhận như “thực phẩm phòng ngừa ung thư” là trái cây, gia vị, rau cải quanh năm có mặt ở xứ mình. Có khó lắm không nếu ngày nào cũng có trái cây chứa các loại men phòng bệnh như thơm, đu đủ… trên bàn ăn? Đáng tiếc nếu mỗi bữa ăn không còn là một lần dùng thuốc tăng cường sức đề kháng. Đáng buồn, thậm chí đáng trách nếu dân ta quên cùng nhau làm sạch nước ao để ta yên tâm về tắm ao ta vì ao nhà quả thật hơn xa ao người.

Mách phải có chứng

Lời khuyên từ buổi hội thảo mang tên Paracelsus, y sư nổi tiếng nhờ quan điểm “chất nào đưa vào cơ thể cũng là thuốc, thuốc tốt hay thuốc độc là do liều lượng” và “không có liệu pháp nào phù hợp với cơ thể con người cho bằng tuân thủ quy luật của thiên nhiên và vận dụng hoạt chất của thiên nhiên”. Càng hợp lý hơn nữa từ khi thầy thuốc ngày nay hiểu rõ hơn về công năng đa dạng của hợp chất Omega 3, 6 và 9 có nhiều trong cá biển. Hàng trăm công trình nghiên cứu về Omega cho thấy hoạt chất này:

• Điều chỉnh biến dưỡng chất béo bằng cách tăng chất mỡ loại hữu ích (HDL), thay vì chỉ rượt đuổi theo mỡ xấu (LDL, TGL) để chữa cháy cầm canh.

• Giữ máu có độ loãng lý tưởng, thay vì quá đậm đặc do quá thừa stress trong cuộc sống.

• Bảo vệ cấu trúc của thành mạch máu trước mũi dùi công kích không ngừng của chất ôxy hóa trong môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, rượu bia, hóa chất gia dụng, dược phẩm tổng hợp… để mạch máu nhờ đó vẫn dẻo dai, thay vì chai cứng quá sớm.

Chuyên gia ngành dinh dưỡng đã quả quyết là chỉ cần mỗi tuần không hơn ba lần, mỗi lần không hơn 50 g cá biển đã thừa sức để cầm chân xơ vữa mạch máu, đòn bẩy của bệnh tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến khích thói quen ngày nào cũng có chút cá biển trên bàn ăn vì có thể giảm nguy cơ thiếu máu cơ tim đến 40%, một tỉ lệ phòng bệnh hiện nay chưa hề khả thi với hóa chất tổng hợp!

Ta nào dám tắm ao ta!

Nếu nghĩ thuốc tốt phải đắt tiền, nếu tưởng Omega chỉ có trong cá biển cao giá như cá hồi, cá thu thì tuy đúng nhưng chưa chính xác. Omega không thiếu trong nhiều loại cá biển bình dân như cá mòi, cá nục, cá cơm… Cá nước ngọt thông thường chứa rất ít Omega nhưng thiên nhiên ưu đãi cho xứ mình đến độ chất này vừa có nhiều vừa có tỉ lệ hài hòa trong cá ba sa. Bờ biển hơn 2.000 km của xứ mình, mạng lưới sông ngòi chằng chịt ở nước ta chẳng khác nào kho thuốc nằm chờ. Đáng chê là càng lúc càng nhiều người có khuynh hướng chọn chế độ dinh dưỡng theo lối ăn nhanh với thực phẩm công nghiệp vì giờ nấu ăn, giờ dành cho bữa ăn tề tựu gia đình nay thành giờ dành cho… máy vi tính.

Dùng cá biển như món ăn phòng bệnh

Trong hội thảo quốc tế về y khoa sinh học tổ chức hằng năm ở Wiesbaden, CHLB Đức, ít ai ngờ là chuyên gia bệnh tim mạch đồng lòng khuyến khích dùng cá biển như món ăn phòng bệnh. Lời khuyên hoàn toàn hợp lý vì bệnh tim mạch vẫn trước sau chiếm hàng đầu về tỉ lệ tử vong, vì đột quỵ, nhồi máu cơ tim từ đầu thiên niên kỷ mới không còn là bệnh của người cao tuổi. Trong thập niên gần đây con số tử vong được ghi nhận đáng kể ở người thậm chí còn rất trẻ, bề ngoài coi còn rất khỏe nhưng bất ngờ đột quỵ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.