Những nguyên nhân ảnh hưởng khả năng thụ thai

Những nguyên nhân ảnh hưởng khả năng thụ thai ảnh 1
Để tăng khả năng thụ thai, phụ nữ cần theo dõi kỹ những thayđổi trong cơ thể mình- Ảnh: Shutterstock

Theo thống kê đăng trên Knowmore, ngày nay có khoảng từ 10-15% các cặp vợ chồng gặp trục trặc trong việc thụ thai.

Tiến sĩ Alice Domar, Giám đốc điều hành của Trung tâm sức khỏe Domar tại Boston (Mỹ) khuyến cáo, cặp vợ chồng nào “dính” phải một trong 5 yếu tố sau, cần nhanh chóng tranh thủ tìm sự trợ giúp của các chuyên gia y tế.  

Tuổi tác

Theo Hiệp hội Y khoa Mỹ, nếu bạn đã cố gắng để thụ thai và điều đó kéo dài trong suốt 12 tháng hoặc hơn nhưng không có kết quả thì nên tìm gặp bác sĩ để được giúp đỡ.

Nếu bạn trên 35 tuổi, cần đợi thêm 6 tháng nữa trước khi nhận được sự giúp đỡ. Phụ nữ ở độ tuổi này khả năng rụng trứng hạn chế hơn và chất lượng trứng cũng không đạt tiêu chuẩn tối ưu.

Qua tuổi 40, khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm, trứng rụng thưa dần, mỗi năm có thể có vài chu kỳ kinh nguyệt không có trứng rụng.

Đến một lúc nào đó, thường vào khoảng từ 45 - 55 tuổi, khi không còn hành kinh nữa, thời điểm này gọi là mãn kinh cũng là thời điểm kết thúc tuổi sinh sản ở phụ nữ.

Trong khi đó, nam giới trên 35 tuổi cũng gặp một số trục trặc tương tự liên quan chất lượng, số lượng, và khả năng vận động của tinh trùng.

Bệnh tật

Bạn hoặc chồng trước đó đã từng mắc các loại bệnh liên quan đến khả năng sinh sản; chẳng hạn đối với nữ, đó có thể là: chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có, lượng máu ở mỗi chu kỳ quá nhiều và kéo dài (thông thường, kinh nguyệt chỉ kéo dài khoảng 3 - 7 ngày, kéo dài hơn được coi là bất thường và nếu hầu như chu kỳ nào cũng bị thế thì rất có thể đó là dấu hiệu sớm của vô sinh), đau khi giao hợp, nhiễm nấm men thường xuyên, có tiền sử nhiễm trùng vùng chậu, buồng trứng đa nang hay lạc nội mạc tử cung.

Trong khi đó, với nam giới đó có thể là một bệnh quai bị khi còn nhỏ hoặc có tiền sử chấn thương ở háng hay sử dụng một số loại thuốc có chứa steroid cũng góp phần gây vô sinh.  

Tiền sử

Nếu vợ hoặc chồng đã từng thất bại trong việc thụ thai ở một mối quan hệ trước đó, nên cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa bởi việc thay đổi đối tác không phải là đáp án cho vấn đề sinh sản.

Ngoài ra, nếu một trong hai đã từng chịu đựng cảm giác thất bại (sau khi cố gắng chữa chạy), thì rất cần thiết để tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh lặp lại sự thất vọng một lần nữa.

Thêm vào đó, cũng nên nhớ rằng căng thẳng có thể gây trục trặc khả năng sinh sản tạm thời. Căng thẳng quá mức có thể làm việc thụ thai trở nên khó khăn hơn do nó ức chế sự rụng trứng và làm giảm việc sản xuất các hormone progesterone. Hãy cố gắng giải quyết những cảm xúc thông qua sự giúp đỡ của một bác sĩ chuyên khoa.

Không theo dõi chu kỳ

Để tăng cơ hội thụ thai thành công, bạn cần hiểu rõ về quá trình rụng trứng của mình.

Nhận biết thời gian rụng trứng sẽ giúp các cặp vợ chồng tăng cơ hội thụ thai. Mỗi cặp vợ chồng nên biết rằng, trong khi tinh trùng có thể sống trong cơ thể người phụ nữ khoảng 3 ngày, thì trứng chỉ sống được khoảng 12- 24 giờ sau khi rụng. Đó là lý do tại sao việc theo dõi chu kỳ trứng rụng trở thành yếu tố quan trọng.

Lối sống

Uống quá nhiều cà phê, lười tập thể dục, dinh dưỡng kém và căng thẳng quá mức có thể là những nguyên nhân gây cản trở việc thụ thai.

Tập trung vào việc duy trì một lối sống lành mạnh và cân bằng, bằng cách hạn chế thói quen cà phê, hạn chế rượu bia, thuốc lá, đồng thời chú ý đến các thực phẩm dinh dưỡng chứa nhiều vitamin và folic acid nhằm làm tăng tần số rụng trứng và khả năng mang thai; và đặc biệt tăng cường vận động cơ thể.

Theo Ngọc Khuê (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm