Rượu thuốc, khi nào nên thuốc?

Điểm khéo của rượu thuốc, bên cạnh chuyện ngon miệng, chính là công năng “nhiều trong một” nhờ khả năng:

- Bảo quản dược liệu không cần chất phụ gia bằng hóa chất tổng hợp.

- Ly trích tối đa hoạt chất trong dược liệu.

- Tối ưu hóa khả năng dung nạp thuốc nhờ rượu, đồng thời kích thích tiêu hóa.

- Gia tốc thời gian khởi động tác dụng của dược liệu nhờ độ cồn trong rượu.

Không lạ gì nếu từ Đông sang Tây vẫn có sự hiện diện của các hãng rượu thuốc với bề dày lịch sử hàng mấy trăm năm, nhất là ở các nhà dòng, các vùng nghỉ dưỡng, các trung tâm điều trị phục hồi…

Rượu thuốc ở các nơi đó tất nhiên không là hàng thị hiếu theo kiểu ăn xổi ở thì. Trái lại, chúng đã được thử lửa suốt nhiều thế kỷ để thu phục sự tin dùng của người dân. Bằng chứng là thầy thuốc ở Nhật, Trung Quốc, Hy Lạp, Đức… đã và đang tiếp tục biên toa cho rượu thuốc.

Nhưng đó là chuyện nước người. Ở xứ mình bao giờ cũng có nhiều điểm lạ hơn người!Nhiều người vẫn nghĩ hễ ngâm dược liệu vào rượu thì bỗng dưng nên thuốc.

Rượu thuốc là tiếng kép. Muốn có tác dụng như mong muốn phải hội đủ 2 tiêu chí: rượu tốt và thuốc quý. Thầy thuốc y học cổ truyền đều rõ là thang thuốc muốn công hiệu phải đúng thành phần và hàm lượng khi thiết kế bài thuốc. Với rượu thuốc cũng thế. Đừng tưởng cứ nhét hết vào vại là xong. Nếu không đúng bài bản khó lòng kiểm soát tình trạng tương tác bất lợi của dược liệu chen vai trong hũ rượu. Với dược liệu gốc động vật như rắn hổ mang, bìm bịp, dê hà nàm… càng phải kỹ hơn vì nếu không chế biến đúng cách thì trong rượu tuy vẫn có thuốc nhưng xét cho cùng chỉ là thuốc… độc! Không lạ gì nếu nhiều người uống rượu thuốc cho khỏe nhưng để rồi ngứa ngáy cầm canh vì dị ứng với tạp chất tích lũy trong xị rượu có mùi dường như là dược thảo.

Rượu thuốc bày bán trên lề đường thường có một điểm chung. Đó là ít khi bình rượu chỉ có vài vị thuốc. Trái lại, bên cạnh hình ảnh gây ấn tượng như rắn, khỉ, bò cạp… là đủ loại củ, rễ vì dễ làm hoa mắt người tiêu dùng hơn là bình rượu chỉ lơ thơ vài cây thuốc. Đáng tiếc là người tiêu dùng chưa biết tối thiểu 70% các loại rượu thuốc có uy tín trên thương trường quốc tế thường chỉ chứa một vài cây thuốc.

Kế đến, rất thường khi bị hiểu lầm là liều dùng của rượu thuốc.Nhiều người vẫn tưởng uống càng nhiều càng mau hiệu quả. Càng mau xỉn thì có! Trên thực tế, người dùng rượu thuốc không cần hơn 1 ly nhỏ ở mỗi bữa ăn, trước hay sau bữa ăn tùy loại rượu thuốc, nghĩa là tùy thuộc vào hướng dẫn của thầy thuốc, thay vì lời bàn ra vào của... hàng xóm. Trong nhiều trường hợp, thậm chí nên pha ly rượu thuốc với nước, nếu được nước khoáng càng tốt để vừa pha loãng độ cồn vừa mượn tính kiềm của nước khoáng để dẫn thuốc.

Thêm một điểm chỉ có ở xứ mình là phần lớn “fan của rượu thuốc” chọn rượu làm thuốc thường vì rượu nhiều hơn vì thuốc. Kẹt cho không ít khách hàng thân thiết của rượu thuốc là trong trường hợp viêm gan, bệnh gút, viêm thận mạn, cao huyết áp… thì rượu thuốc chưa nên thuốc thì “ẩm khách” đã ngã bệnh vì rượu!

Rượu thuốc, như tên gọi, phải được dùng với tri thức như dùng thuốc. Lạm dụng rượu thuốc mà không viêm gan, không loét bao tử mới là chuyện lạ!

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

Theo NLĐO

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm