Stress, bạn hay thù?!

Muốn đừng quá đậm đặc, chỉ còn nước pha loãng. Ai nắm được nguyên tắc này, người đó có cơ may đồng hành với stress cho hết... 99 năm!

Kẹt chỉ ở chỗ sống chung với stress nói nghe tưởng dễ nhưng khó làm. Dù vậy, vẫn phải nói vì như lời thơ của Nguyễn Tất Nhiên “Thà như giọt mưa đến ôm tượng đá... Có còn hơn không, có còn hơn không”.

Thiếu stress, chết cho rồi!

Sai cả cây số nếu chê ngay stress. Chính nhờ thừa kế “gen” trong tình huống dầu sôi lửa bỏng từ khi mới tập đứng thẳng trong hang động thời tiền sử mà con người sinh tồn đến hôm nay. Stress chẳng qua là một phản ứng tự vệ của cơ thể khi ghi nhận có gì đó nguy hiểm cho bản thân. Khi đó tim đập mạnh, đập nhanh để đẩy máu mang dưỡng khí đến mọi ngõ ngách của cơ thể. Thêm vào đó, dòng máu tăng độ nhớt vì tập trung sợi đông huyết, tăng tiểu cầu để dự phòng trường hợp xuất huyết. Cơ thể đồng thời huy động trục thần kinh-nội tiết biến dưỡng để tăng lượng đường trong máu như biện pháp dự trữ năng lượng sẵn sàng ứng phó. Mạch máu từ ngoài da cho đến não bộ co chặt từng hồi để giữ máu phòng hờ phải cấp cứu cho nơi nào đó trong cơ thể. Nếu xét về cơ chế, toàn bộ phản ứng vừa kể hoàn toàn hữu ích để bảo vệ chính mình. Trục trặc chỉ xảy ra nếu lực lượng phản ứng nhanh được huy động quá thường vì gia chủ “không xì trết không về”, vì gia chủ - thay vì nghe lời Trịnh Công Sơn để mỗi ngày chọn một niềm vui - lại sống theo kiểu cuốn theo chiều gió để “mỗi ngày tôi chọn cả chục chuyện… bực mình!”.

Để tút lại bộ não căng thẳng thì thiền định, châm cứu, dưỡng sinh… kiểu nào cũng nên, miễn là sau thời gian ngắn áp dụng thấy khỏe, thấy vui.

Thừa stress, chết sướng hơn!

Cơ thể có điểm yếu là rất dốt chuyện cân đo. Trái với tiền lương, lượng nội tiết tố sản sinh trong tình huống stress bao giờ cũng cao hơn nhu cầu trên thực tế, nghĩa là dùng xong vẫn còn thừa. Lượng nội tiết tố không dùng bị tích lũy theo kiểu gửi tiết kiệm không có hạn rút ra. Hậu quả là càng nhiều stress càng tích lũy nội tiết tố tham sân si của tuyến giáp, tuyến thượng thận. Huyết áp khi đó nhích dần lên trên sau mỗi lần “bốc hỏa”, bắt chước giá tiền điện, tiền nước lên rồi còn lâu mới chịu xuống. Bệnh cao huyết áp khi đó chực chờ từng cơ hội cho dù gia chủ còn trẻ, bề ngoài tưởng còn khỏe. Dòng máu càng lúc càng đậm đặc khiến cục máu đông trong mạch máu nhỏ dễ tấp vào chỗ khúc khuỷu, gây ùn tắc trên thành tim, vỏ não, cầu thận, đáy mắt. Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, thoái hóa võng mạc, suy thận vào nhà hồi nào không hay. Đường huyết trồi sụt bất thường vì tụy tạng phản ứng khi quá nhanh, lúc quá chậm trong tình huống bấn loạn vì stress. Bệnh tiểu đường nếu trước đây là bệnh của người cao tuổi nay đã thành vấn nạn của người còn trẻ, thậm chí không hề hảo ngọt nhưng dòng máu lại ngọt mật chết… người!

Chưa hết, vì tế bào trong khắp cơ thể thường xuyên sống phập phồng trong cảnh thiếu dưỡng khí nên tế bào đến lúc nào đó biến thể thành một loại tế bào dị dạng có tên nghe thấy ghét: Tế bào ung thư.

Cớ sao đổi bạn thành thù?

Tác hại của nội tiết tố vừa tham vừa si từa tựa chiến thuật du kích, hễ địch tiến ta lùi, hễ địch lùi ta tiến, địch đứng yên ta không ngừng đánh phá. Stress càng mạnh, stress càng thường thì thời gian và cường độ hoành hành của nội tiết tố tuyến giáp trạng (thyroxin), tuyến thượng thận (adreanlin, dopamin) càng tăng. Khi đó các nội tiết tố giúp thư giãn, giúp lạc quan, tạo giấc ngủ yên bình như serotonin, endorphin của tuyến yên trước lùi về thế thủ, sau bó tay chịu trận. Khi đó gia chủ còn lâu mới có giấc ngủ đúng nghĩa yên bình, gia chủ còn lâu mới thức dậy với cảm giác ngủ đủ, ngủ ngon. Nội tiết tố stress càng mạnh gia chủ càng sớm là ứng viên hàng đầu của hội chứng sa sút trí tuệ, của bệnh trầm uất, của liệt dương, lãnh cảm. Khỏi nói thêm cũng thừa hiểu chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình, hứng thú nghề nghiệp của nạn nhân khi đó ra sao. Không lạ gì nếu y sĩ đoàn ở châu Âu đã từ lâu báo động đỏ về “hội chứng mệt mỏi kinh niên” ở người đang thành đạt, ở đối tượng quá cầu toàn như thầy thuốc, thầy giáo, nghệ sĩ, vận động viên…

Thêm bạn bao giờ cũng bớt thù

Chuyên gia về bệnh do stress ở ĐH Munich, CHLB Đức đã khẳng định để tút lại bộ não trong tình trạng “em rất thèm nhớ nhưng em cứ quên”, cách tốt nhất là ưu tiên áp dụng các phương pháp không dùng thuốc. Thiền định, châm cứu, dưỡng sinh… kiểu nào cũng nên, miễn là sau thời gian ngắn áp dụng thấy khỏe, thấy vui. Quan lang samurai ở Nhật dựa trên cơ chế điều chỉnh theo ngõ từ tâm qua thể đã từ lâu cổ động cho biện pháp kiếm chỗ nào kín đáo để đừng ai thấy rồi khóc một trận đã đời cho trôi niềm uất hận. Thầy thuốc ở Ấn Độ, nơi nhiều người không ngồi ghế mà chọn bàn đinh, ngược lại khuyên nên cười cho thường, dù vô cớ cũng được nhưng cười hả hê để xóa tan nỗi u sầu. Chọn phương pháp nào tùy thích, xen kẽ càng hay, miễn là đừng chọn kiểu phổ biến ở xứ mình là dở khóc dở cười!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.