‘Vỗ béo’ trước ngày thi: Lợi bất cập hại!

“Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc bồi dưỡng và nâng cao sức khỏe nằm trong hai chữ “cân bằng”. Đó cũng chính là nguyên lý căn bản của học thuyết Âm dương tương sinh tương khắc trong văn hóa phương Đông: Cân bằng giữa lao động trí óc (học tập, tư duy) và lao động tay chân (vận động, thể thao); cân bằng giữa việc học hành, ôn luyện và nghỉ ngơi, giải trí; cân bằng trong việc cung cấp và sử dụng các dưỡng chất…”. ThS-BS Nguyễn Mạnh Trí, Phó Chủ nhiệm bộ môn Y học cổ truyền Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nói như trên khi trao đổi về chủ đề: Thí sinh học thế nào, ăn ra sao cho tốt để kỳ thi đạt kết quả cao.

Đừng quên giải trí trong mùa thi

. Phóng viên: Theo bác sĩ (BS), các thí sinh nên làm gì để có sức khỏe tốt nhất về thể chất lẫn tinh thần trong mùa thi cử?

+ ThS-BS Nguyễn Mạnh Trí (ảnh): Sẽ khó lòng có được kết quả tốt nếu chỉ tuyệt đối hóa việc học: “Học - học mãi - học ngày học đêm”. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy những người hay hoạt động, vận động thể dục thể thao trong ngày sẽ cải thiện trí nhớ tốt hơn người thích ngồi yên tư lự. Không nhất thiết phải vận động thật nhiều, thật mạnh mà quan trọng là đều đặn, dù là lúc cao điểm mùa thi hay khi nhàn rỗi ngày hè. Nên có các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, chạy xe, khí công… đều đặn mỗi ngày. Cũng đừng cắt hết mọi khoản vui chơi, giải trí trong mùa thi. Một tinh thần sảng khoái, vui vẻ, hân hoan chính là thang thuốc bổ não vô cùng quý giá! Cần tránh những bộ phim tình cảm, gay cấn, lê thê nhiều tập, những bản nhạc éo le sầu não, những hoạt động cảm giác mạnh nhiều nguy hiểm hay nhiều giờ liên tục lướt Net chơi game…

. Nhiều bạn trẻ học quên luôn cả ngủ, BS có ý kiến gì không?

+ Rất sai lầm nếu có ý định cắt bớt thời gian ngủ để có thêm thời gian cho việc dung nạp kiến thức. Giấc ngủ vô cùng quan trọng cho khả năng tư duy và học tập. Chất lượng của trí nhớ gắn mật thiết với độ sâu của giấc ngủ. Giấc ngủ là khoảng thời gian cơ thể chủ động tổng hợp kháng thể, gia tốc tiến trình hồi phục, điều chỉnh thần kinh giao cảm, hưng phấn chức năng tư duy… Tất cả tín hiệu thần kinh trong ngày được bộ não tập trung nhưng để đó. Chính trong lúc ngủ là lúc não sàng lọc để đưa vào bộ nhớ. Giấc ngủ vì thế, theo hiểu biết mới nhất của ngành y, là giai đoạn tốt nhất để học tập và sáng tạo. Cần phải đảm bảo có được giấc ngủ sâu và kéo dài đủ bảy tiếng mỗi đêm. Tốt hơn nữa là làm sao để có được giấc ngủ trưa. Chỉ cần 15-20 phút ngủ trưa đã đủ hỗ trợ đắc lực cho việc học hành.

. Theo BS, các thí sinh cần lưu ý điều gì?

+ Việc sắp xếp một kế hoạch học tập hợp lý và cân bằng là vô cùng quan trọng. Lạm dụng các loại chất kích thích hay an thần để chống chọi stress trong mùa thi đều không đạt được kết quả như mong muốn. Cảm giác ban đầu có thể sẽ có thêm chút hưng phấn nhất thời nhưng cơ thể sẽ hoàn toàn suy kiệt và trống rỗng!

Sắp xếp ôn thi hợp lý và cân bằng sẽ thu được kết quả tốt trong kỳ thi. Ảnh: HTD

Ăn ngon chưa phải đã tốt

. Nhiều ông bố bà mẹ tẩm bổ cho con để mong con sáng suốt trong học hành và thi cử, điều này có đúng hoàn toàn không, thưa BS?

+ Việc quá lạm dụng các chất bổ dưỡng cũng nguy hại không kém. Việc bồi bổ thêm các món “sơn hào hải vị” một cách hợp lý, vừa đủ cho các sĩ tử trong mùa thi là không sai. Nhưng nếu quá lạm dụng các món cao lương mỹ vị lại là điều không hợp lý! Bởi không thể có một cơ thể khỏe mạnh hay bộ não nhạy bén nào mà chỉ dựa vào một, hai dưỡng chất là đủ. Và thuốc bổ cũng có nhiều đường lợi hại.

Các chất bổ nếu dư thừa một mặt có thể khiến cơ thể phải mệt nhoài trong việc đào thải ra ngoài, một mặt có thể lắng đọng hoặc chuyển hóa thành các chất có hại. Đôi khi việc bồi bổ cho não lại đến từ những thực phẩm rất đơn giản và rẻ tiền như quả trứng luộc là nhờ lecithin trong lòng đỏ với cấu trúc đạm-béo thích hợp để cơ thể từ đó tổng hợp acetylcholin, chất dẫn truyền thần kinh với vai trò vô cùng quan trọng. Người có đủ acetylcholin nhờ đó có thể phản ứng nhanh nhẹn, suy nghĩ chín chắn và quyết định hợp lý. Các bậc phụ huynh có thể thay trứng bằng đậu nành, vừa rẻ tiền hơn mà hàm lượng lecithin cao gấp tám lần trong trứng gà.

. Theo BS, có nên dùng các bài thuốc Đông y kích thích sự sáng tạo?

+ Nếu biết sử dụng một số thảo dược Đông y có công năng thì không chỉ bồi dưỡng nâng cao tổng trạng mà còn cải thiện chức năng tư duy như óc phán đoán, trí suy luận, khả năng học tập và nhất là trí nhớ như nhân sâm, linh chi, sữa ong chúa, đinh lăng, bạch quả… vừa hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. Đó là sự phối hợp hài hòa các vị thuốc vừa có tính hoạt huyết, vừa có công năng dưỡng não. Muốn “dưỡng não” mà không “hoạt huyết” thì cũng bằng không vì tế bào não lấy gì phục hồi nếu thiếu dưỡng khí. Dùng thuốc Đông y thuộc nhóm “hoạt huyết dưỡng não” theo đúng chỉ định và có sự hướng dẫn, theo dõi của thầy thuốc là chuyện rất nên làm.

. Xin cám ơn BS.

Bốn nguyên nhân thi rớt

Các thí sinh căng thẳng tâm lý thường vì những nguyên nhân sau đây:

1. Đặt mục tiêu quá cao.

2. Dễ có cảm xúc sợ hãi, căng thẳng kéo dài.

3. Sức ép từ phía người thân, thầy cô.

4. Hạn chế về những kỹ năng vượt khó.

Chín biện pháp khắc phục

Các biện pháp có thể quan tâm để khống chế cảm xúc, vượt qua nỗi sợ:

1. Quản lý mục tiêu cá nhân mình sao cho vừa sức, phù hợp.

2. Tập và quản lý thời gian làm bài để thích nghi với thời gian thi.

3. Tập thi thử với chính mình để làm quen với không khí và cảm xúc thi cử.

4. Cần có một hình ảnh, biểu trưng hay một câu “thần chú” cho chính mình để làm quen với áp lực.

5. Tập thói quen nghĩ về một điểm tựa để có sự tự tin và vượt qua áp lực.

6. Không tự gây áp lực khi so sánh mình với người khác hay quan tâm quá mức về việc bạn bè thể hiện khi thi.

7. Tự điều chỉnh mục tiêu và thực hiện từng phần sao cho hiệu quả.

8. Đề ra cơ chế tự thưởng bản thân.

9. Nghĩ đến viễn cảnh tích cực của kỳ thi để tạo ra cảm xúc tích cực.

PGS-TS HUỲNH VĂN SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm