Bé gái mắc dị vật vùng kín ‘làm khó’ bác sĩ chẩn đoán

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi NTTT (bảy tuổi, Phú Quốc, Kiên Giang) đến BV do xuất huyết âm đạo và dịch nhầy có màu hồng (từ tháng 2-2015). Gia đình đã đưa bé đi khám sản khoa nhiều nơi. Các bác sĩ (BS) chẩn đoán bé bị xuất huyết âm đạo, viêm âm đạo nên cho kháng sinh uống. Sau một thời gian bệnh khỏi nhưng tiếp tục xuất huyết dịch tiết hôi bất thường, bé phải mang băng vệ sinh.

Bé đến BV Nhi đồng 1, sau khi tầm soát bằng các xét nghiệm để xem có phải dậy thì sớm hay không như khám ngực, xét nghiệm nội tiết tố, chụp tuổi  xương... Tuy nhiên tất cả đều không phải. Các BS nghĩ bệnh nhi bị tổn thương vùng âm đạo chưa rõ nguyên nhân.

"Tôi siêu âm qua ngã tầng sinh môn và thấy một vật cản bất thường. Qua khai thác nhiều lần thì người nhà cho biết bé bị lạm dụng nhưng thời điểm đó thấy cơ quan sinh dục không tổn thương. Tôi kết luận dị vật trong âm đạo là tăm bông hoặc một loại gạc nhưng chưa có cơ sở kết luận" - BS Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh siêu âm, BV Nhi đồng 1, cho biết. 

BS Chí đề nghị tiếp tục đưa bé đi khám sản khoa nhưng kết quả trả về lại bình thường.  BV mời BS sản khoa về BV phối hợp khám nhưng BS cũng nói chưa phát hiện bất thường. Các BS đề nghị chụp MRI và kết quả chỉ cho thấy một chút dịch âm đạo. 

 Dị vật được lấy ra khỏi người bệnh nhi. Ảnh: Tùng Sơn

Theo BS Chí, tất cả kỹ thuật và kết luận trước đó đều chống lại phán đoán của ông. Tuy nhiên, khi ông nhờ BS nội soi can thiệp thì kết quả như phán đoán. Kết quả nội soi đã lấy được từ âm đạo bệnh nhi ra dị vật là một cuộn lưới. Cuộn lưới này đã dính vào thành âm đạo, bóc tách rất khó khăn. Các bác sĩ phải mất 45 phút mới hoàn tất quá trình nội soi.

Ca thứ hai là bệnh nhi PKN (ba tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) đến BV trong tình trạng dịch tiết âm đạo hôi. Qua một thời gian dài điều trị bé vẫn tái đi tái lại chưa rõ nguyên nhân. Theo BS Chí, kết quả siêu âm thấy cái kẹp mắc kẹt trong âm đạo, trên kẹp đang hình thành những viên sỏi.

Chiếc kẹp được lấy ra từ người bé N. Ảnh: Tùng Sơn

"Trẻ dưới năm tuổi cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện, dễ viêm nhiễm. Việc điều trị kháng sinh là cái bẫy đánh lừa thầy thuốc vì có lúc tưởng bệnh nhi đã khỏi bệnh. Tuần qua, tại BV cũng có bé bị dị vật vào âm đạo gây chứng thủng âm đạo và niệu đạo" - BS Lê Thanh Hùng, Phó khoa Ngoại Tổng hợp, BV Nhi đồng 1, nói. 

BS Hùng khuyến cáo các bậc huynh lo chăm sóc vùng kín cho trẻ, dặn dò trẻ không đưa dị vật vào các lỗ tự nhiên trên cơ thể như âm đạo, mũi, miệng... Việc phẫu thuật lấy dị vật cho các em bé nhỏ là rất phức tạp và khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm