Bệnh vì ánh sáng màn hình

Nhiều bệnh nhân trố mắt ngạc nhiên, thậm chí phần nào bực tức vì thầy thuốc khuyến cáo nên khám mắt trong khi bệnh nhân gõ cửa nhà thầy do đau mỏi sau gáy! Thầy thuốc giỏi là người tuy bệnh nhân than đau ngờ ngờ chỗ này nhưng lại thấy bệnh nguyên núp kín ở chỗ khác.

Minh thương coi vậy mà dễ tránh

Nếu tưởng mờ mắt vì ánh sáng chói lòa thì lầm! Đáy mắt, còn có tên y học là võng mạc, vùng giữ nhiệm vụ tiếp nhận kích ứng thị giác để diễn dịch thành hình ảnh trung thực, rất dễ bị tổn hại vì ánh sáng nhấp nháy từ màn ảnh máy truyền hình, từ màn hình máy vi tính, từ mặt kính máy tính bảng. Đó là lý do tại sao y sĩ đoàn ở châu Âu đã từ lâu cảnh báo về mối nguy của “hội chứng màn hình thị giác do ánh sáng xanh” ở người phải điều tiết thị lực quá thường nhiều.

Đó cũng là lời lý giải vì sao thầy thuốc Đông y có lý khi trong nhiều trường hợp chữa đau đầu mạn tính bằng thuốc hoạt huyết chống tăng nhãn áp, bằng châm cứu để cải thiện thị lực, bằng dưỡng sinh để thư giãn thần kinh, thay vì chỉ cho thuốc giảm đau để chữa cháy cầm canh chờ ngày… cháy sạch!

Đừng dụi mắt khi có cảm giác khô rát. Thay vào đó, nhắm chặt mắt ít giây đồng hồ.

Món nào không phơi cũng khô?!

Chỉ vì ánh sáng xanh đã đủ ưu phiền. Nhưng cuộc đời xưa nay vẫn thường hai đầu nỗi khổ. Mắt không vướng bụi nhưng đau rát xốn xang, lại thêm nhìn đâu cũng mờ mờ qua màn sương dù đang giữa trưa hè! Ai sống ở chốn thành thị đông người, chật khói, thừa rác… chưa từng nếm qua nỗi khổ này? Theo thống kê của các hãng bảo hiểm ở châu Âu, hơn phân nửa số người dân trên 30 tuổi bên đó đang là nạn nhân của bệnh khô mắt. Tỉ lệ này tăng đến 70% ở nhóm cư dân trong các thành phố kỹ nghệ. Nếu dựa vào mức độ ô nhiễm môi trường để so sánh thì con số mắc bệnh ở nước ta, nơi sông ngòi là bể trữ nước thải miễn phí, nơi cây xanh là món xa xỉ trong thành phố ngợp khói xe, dễ gì chịu kém!

Nỡ lòng nào đem mắt bỏ chợ?!

Ánh mắt sở dĩ ướt át trữ tình là nhờ tuyến lệ len lén tráng đều giác mạc một lớp mỏng chất nhờn. Đôi mắt thời nay dễ bị khô vì tuyến lệ khó còn đủ khả năng bù trừ trước áp lực liên tục của khói xe không tắt máy khi kẹt xe, khói kỹ nghệ thải vô tội vạ, khói thuốc lá nơi công cộng bất kể sức khỏe người khác, tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt… Tình trạng này càng dễ bội tăng nếu nạn nhân phải sinh hoạt dưới trời nắng gắt, hay ngược lại trong phòng quá lạnh, lại thêm quá khô do dùng máy điều hòa không khí chạy liên tục hết ga. Thêm vào đó, tuyến nước mắt dù có cố gắng bao nhiêu cũng đành chịu thua vì “kẹt vốn” nếu gia chủ uống không đủ nước. Ngay cả trong trường hợp “còn nước” thì tuyến lệ cũng “khó tát” nếu chủ nhân trợn trừng đôi mắt do mải mê theo dõi phim truyện truyền hình, trò chơi vi tính gây nghiện, truy cập Internet bất kể bản tin bạt mạng… Lớp màng nước che chở giác mạc khi đó bốc hơi liên tục trong khi tuyến lệ càng lúc càng khô dòng nước mắt.

Người ơi thương lấy mắt cùng

Còn lâu mới tắt được tia tử ngoại. Cách tốt nhất là chủ động tiếp sức để mắt đừng khô, để mắt đừng mỏi vì điều tiết, để đáy mắt đừng chết yểu. Không quá khó nếu đừng quên:

• Chú trọng chế độ dinh dưỡng vừa đủ nước vừa cung cấp hoạt chất có công năng bảo vệ thị giác như tiền sinh tố A, sinh tố E, khoáng tố kẽm, đồng, mangan, crôm, selen…

• Giúp mắt hồi phục bằng nhiều hiệp giải lao trong giờ làm việc. Chỉ cần mỗi lần vài phút xoa bóp nhãn cầu bằng cách áp nhẹ hai lòng bàn tay trên đôi mắt rồi vừa xoa theo chiều hướng vào sống mũi, vừa ấn nhè nhẹ lên xuống nhịp nhàng.

• Dù gai mắt thế nào cũng đừng quên thỉnh thoảng chớp chớp vận động mi mắt thật chậm cứ như đá lông nheo với người lân cận.

• Đừng tưởng chỉ nên khóc khi buồn hay quá vui. Ít người biết được kỹ xảo hưng phấn chức năng bài tiết của tuyến nước mắt thông qua động tác… ngáp! Dù chưa buồn ngủ, nên tìm cách ngáp thật dài nhiều lần trong ngày, ngáp đúng nghĩa chảy nước mắt nhưng nhớ che miệng!

• Đừng dụi mắt khi có cảm giác khô rát. Thay vào đó, nhắm chặt mắt ít giây đồng hồ đồng thời với động tác nuốt nước bọt bằng cách nghỉ đến trái xoài tượng còn sống nhăn.

Xem đôi mắt đơn thuần như giác quan là thiếu sót lớn. Mắt còn dùng để… khóc! Có vui bao nhiêu cũng nên thỉnh thoảng đừng quên sụt sùi cho đúng nghĩa âm dương. Đã có quá nhiều thầy thuốc khuyên dùng tiếng cười như thang thuốc bổ. Đúng nhưng chưa hay! Khéo hơn nhiều là khóc mà nên… thuốc! Có khó gì đâu trong cuộc đời bạc trắng hơn vôi, vừa chua vừa chát nhưng được tiếng văn minh! Kẹt chỉ ở chỗ thường khi dở khóc dở cười nên khó sướt mướt cho trôi niềm uất hận!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.