Bỏ kiểm dịch, lo ngại thịt bẩn tung hoành

“Dự thảo Luật Thú y quy định chỉ thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật khi vận chuyển ra khỏi tỉnh và bãi bỏ việc kiểm dịch khi vận chuyển trong tỉnh là không phù hợp với thực tế hoạt động chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm động vật hiện nay” - ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, nói.

Theo ông Phát, hiện nay chăn nuôi nhỏ lẻ ở nước ta vẫn là chủ yếu, chiếm 65%-70% tổng đàn. Dù đã có quy định kiểm dịch từ nơi xuất phát (như hiện nay) nhưng tình trạng thịt gia súc, gia cầm mang mầm bệnh được vận chuyển, bày bán còn khá phổ biến. Lực lượng thú y đã tiến hành kiểm tra liên tục, từ các lò giết mổ ra các chợ và cả trên các phương tiện vận chuyển khác nhưng tình hình thịt bẩn vẫn không giảm. Người bán dùng đủ mọi cách, mọi phương tiện vận chuyển để trốn tránh kiểm tra của cơ quan chức năng. Đây là nguyên nhân chính làm dịch bệnh có nguy cơ lan rộng.

Nếu bỏ kiểm dịch nội tỉnh thì heo bệnh, heo chết sẽ vô tư được giết mổ và tiêu thụ ở TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nếu sau này bỏ kiểm dịch trong phạm vi TP.HCM thì thịt bẩn “ung dung” lưu thông trên thị trường TP. Lực lượng thú y có nghi ngờ nhưng cũng không thể kiểm tra vì trái luật. Lúc đó không loại trừ có những cơ sở sẽ “phù phép” thịt bẩn thành thịt tươi ngon và đưa vào các quán ăn, nhà hàng, tiệc cưới, thậm chí vào bữa ăn gia đình. Người tiêu dùng cuối cùng sẽ lãnh đủ.

Cũng theo ông Phát, hiện TP.HCM có khoảng 500 cơ sở chế biến thực phẩm và 1.800 nhà hàng, quán ăn quy mô lớn. Nếu sắp tới bỏ quy định kiểm dịch nội tỉnh thì Chi cục Thú y sẽ không thực hiện kiểm tra nguồn gốc thịt tại các điểm nói trên. Do đó, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là khó tránh khỏi.

Có thể nói huyện Bình Chánh (TP.HCM) là điểm “nóng” về hoạt động vận chuyển và kinh doanh thịt không nguồn gốc hiện nay. Ông Nguyễn Hồng Triệu, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Bình Chánh, cho rằng thịt bẩn từ các tỉnh lân cận một khi đã luồn lách vào TP.HCM thì cơ quan chức năng bó tay.

“Lúc đã lọt vào TP.HCM thì làm sao phân biệt đâu là thịt từ tỉnh với thịt trong TP. Từ đó khuyến khích tình trạng lách luật, trốn kiểm dịch. Và đây là nguồn gốc gây ra ngộ độc thực phẩm” - ông Triều lo ngại.

“Từ đó cho thấy việc duy trì kiểm dịch nội tỉnh là cần thiết. Việc bãi bỏ quy định này cần có lộ trình và chỉ phù hợp khi trình độ chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ… khép kín, phát triển như các nước tiên tiến” - ông Phát nói.

Khoản 1 Điều 26 của Pháp lệnh Thú y: “Chủ động vật, sản phẩm động vật trước khi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phải khai báo với cơ quan thú y có thẩm quyền. Cơ quan thú y có trách nhiệm thực hiện việc kiểm dịch theo quy định và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch”. Theo quy định trên, tất cả động vật, sản phẩm động vật vận chuyển, kinh doanh trong nội tỉnh đều buộc kiểm dịch.

Khoản 1 Điều 37 của dự thảo Luật Thú y: “Động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch trước khi vận chuyển ra khỏi tỉnh phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát”. Điều này có nghĩa động vật, sản phẩm động vật vận chuyển và kinh doanh trong nội tỉnh không thuộc diện phải kiểm dịch.

Điều 11 Luật An toàn thực phẩm quy định: “Bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Có chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan thú y có thẩm quyền đối với thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật”. Nếu bãi bỏ việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trong tỉnh sẽ dẫn đến thực trạng không thể truy xuất nguồn gốc thịt… khi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì vô hình trung mâu thuẫn với Luật An toàn thực phẩm.

Ông HUỲNH TẤN PHÁT, Phó Chi cục trưởng
Chi cục Thú y TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm