Bốn nguy cơ từ phẫu thuật từ thiện

Thế nhưng có những chương trình, những ca mổ để lại các di chứng, đẩy những đứa trẻ trở về tình trạng thảm hại hơn cả trước khi phẫu thuật.

1. Quản lý lỏng lẻo

Không nói đến các chương trình mổ nhân đạo lớn và nghiêm túc tại các bệnh viện (BV) trung ương hay BV chuyên khoa, phần lớn các chương trình nhân đạo là do một tổ chức trong hay ngoài nước thông qua người Việt thực hiện.

Các đoàn nước ngoài thường được thông qua dễ dàng vì tâm lý sính và sợ ngoại. Nhưng chất lượng và kỹ năng của các phẫu thuật viên này ít khi được kiểm chứng. Điều đó gây ra nguy cơ các ca mổ nhân đạo trở thành dịp để các bác sĩ trẻ thiếu kinh nghiệm thực tập trên cơ thể bệnh nhân.

Có những ca mổ mà không có một tổ chức quản lý nào của Bộ Y tế hay các sở y tế biết và cho phép ai trong số “phẫu thuật viên từ thiện” được phép mổ. Còn về phía một số đoàn trong nước, do sự xem nhẹ về tính chất chuyên môn nên khi được gọi là đoàn trung ương thì cũng cho qua và không biết được trong số đó có những người không có kinh nghiệm.

Nhiệt tình và tâm nguyện được mổ nhân đạo là tốt nhưng khi cơ quan quản lý về nghiệp vụ y không nắm rõ tay nghề của thành viên các đoàn phẫu thuật từ thiện thì ắt sẽ xảy ra những bất cập và nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Nhiều BV vì bệnh thành tích, đặc biệt là về chương trình nhân đạo, chấp nhận vô điều kiện các đoàn đến mổ tại BV mình. Nhiều khi vì sự quen biết mà bỏ qua các bước hành chính tối thiểu, vậy nên có nhiều nơi bác sĩ bị cấm hành nghề ở địa phương nhưng vẫn tiếp tục mổ ở các BV khác, hay các y tá, điều dưỡng cũng được làm các thủ tục của bác sĩ. Cấp phép mổ cho các đoàn cũng qua loa chiếu lệ. Việc xin mổ được một đợt là lần sau đương nhiên cứ làm, không cần xin phép. Những tiền lệ này sẽ trở thành mối nguy cho sức khỏe, tính mạng bệnh nhân.

Ngoài ra, thiếu một hội đồng chuyên môn đánh giá và cho phép các hoạt động chuyên môn của các đoàn phẫu thuật từ thiện theo từng chuyên ngành trên lãnh thổ Việt Nam.

Tóm lại lỏng lẻo về việc quản lý là lý do các đoàn làm nhân đạo mặc sức tung hoành.

Mẹ và cậu ruột cháu Nguyễn Ngọc Tuyết Vân đau buồn trước cái chết đột ngột của cháu sau cuộc phẫu thuật từ thiện. Ảnh: TẤN LỘC

2. “Từ thiện vì lợi nhuận”

Một số chương trình nhân đạo bị biến tướng để thành nơi kinh doanh và kiếm chác của một số người. Các “ông chủ hay “đầu nậu”” của chương trình này kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước. Họ định một mức chi phí cho mỗi ca phẫu thuật và thanh toán dựa trên số lượng bệnh nhân được phẫu thuật, bất chấp phẫu thuật có thành công hay không. Sức hấp dẫn của lợi nhuận khiến họ giành giật bệnh nhân từ các huyện, các tỉnh, lựa chọn cơ sở phẫu thuật thấp nhất, chi phí rẻ nhất, thuê các bác sĩ với giá rẻ nhất để phẫu thuật...

Hoạt động “từ thiện vì lợi nhuận” đã làm hoen ố bản chất của các đợt phẫu thuật nhân đạo là lấy tâm để cứu rỗi nỗi đau bệnh tật.

3. Chuyên môn thấp, cơ sở vật chất kém

Cho đến nay, một số bệnh lý và chuyên khoa chỉ được phép mổ tại các BV trung ương hay chuyên khoa sâu. Lý do là vì sự an toàn cho bệnh nhân, hơn nữa chi phí xã hội sẽ giảm đi nếu tỉ lệ biến chứng được giảm.

Các điều kiện gây mê và hồi sức cho trẻ tàn tật là cực kỳ quan trọng nhưng tại một số BV không chuyên khoa thiếu hẳn đội ngũ gây mê hồi sức có kỹ thuật cao và kinh nghiệm, thiếu điều kiện cho cuộc phẫu thuật, cộng thêm sự chuẩn bị không chu đáo của đoàn nhân đạo, phó mặc công tác này cho phía BV, không có bác sĩ gây mê giỏi trong đoàn đủ kỹ năng xử lý những bất thường xảy ra trong lúc phẫu thuật. Hơn nữa, thường các phẫu thuật viên trong đoàn ít có kinh nghiệm phẫu thuật, chưa nói đến việc biết cách hợp tác với bác sĩ gây mê để kịp xử lý những tình huống mà mình đang tiến hành.

Kỹ năng chuyên môn kém và thiếu kinh nghiệm xử lý những tình huống đặc biệt dẫn tới nguy cơ biến chứng cao. Đó chưa kể đến tử vong hay tình trạng sống thực vật sau mổ. Biến chứng xấu sau phẫu thuật đối với trẻ dị tật là gánh nặng cho xã hội sau này.

4. Thiếu hệ thống chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật

Dường như chỉ phẫu thuật là thứ họ quan tâm, còn sau đó những bệnh nhân không có cơ hội được chăm sóc nếu đoàn ra đi. Hậu quả chắc chắn sẽ để lại cho cơ sở địa phương, họ rũ trách nhiệm sau khi hoàn thành “sứ mạng” của họ.

TÙNG SƠN

Nhân đạo biến tướng!

Một giáo sư thuộc hàng đầu ngành về phẫu thuật tạo hình đã thốt lên: “Nhân đạo hay vô đạo?” khi đọc thông tin mổ nhân đạo, ba trẻ chết sau khi được gây mê xảy ra tại BV Quân y 87 (Khánh Hòa) do đoàn bác sĩ thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA, Hà Nội) thực hiện vào ngày 23-8 vừa qua.

Là người mang đến niềm vui, nụ cười cho nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vị giáo sư bức xúc: Không cần bàn đến chuyên môn, quy trình mà cần làm rõ tư cách chủ thể của những người làm từ thiện. Thật đau xót khi những người mang danh nghĩa mang “nụ cười” đến cho trẻ em sứt môi, hở hàm ếch lại làm cho những nụ cười ấy tắt lịm.

Và hiện nay, đâu đó ở các BV vẫn còn diễn ra nạn mổ “nhân đạo” chui. Đoàn A, đoàn B đến, thậm chí là đoàn nhân danh “từ thiện” ở nước ngoài vào các BV mổ nhưng chẳng xin phép với các cơ quan có thẩm quyền. Vậy người đi mổ và đơn vị cho mổ vì cái gì? Nghiên cứu khoa học hay tiêu xài tiền tài trợ hay mang lại sức khỏe cho người dân? Vì mục đích gì đi chăng nữa, họ cũng phải tôn trọng sức khỏe nhân dân.

Nhiều người cũng còn “lách” năm ba bảy đường để kiếm chác khi xưng danh mổ nhân đạo. Trước đây, chúng tôi cũng nhận được thông tin là một BV tuyến trung ương ở TP.HCM cũng “nhân danh” mổ từ thiện cho trẻ sứt môi, hở hàm ếch ở vùng sâu, vùng xa nhưng vị giám đốc đã lấy số tiền mà các mạnh thường quân tài trợ, song kéo những trẻ này ra BV tư nhân mổ. Chưa dừng lại ở đó, vị này còn thu thêm mỗi em 10 triệu đồng. Nụ cười của trẻ đâu chưa thấy mà chỉ thấy cha mẹ các em méo mặt chạy đôn chạy đáo kiếm tiền trả viện phí.

Nhân đạo, nếu biến tướng sẽ thành vô đạo!

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm