Cấp cứu 115 sẽ 'bay' đến hiện trường như thế nào?

Nhiều lần theo chân tổ cấp cứu ngoài bệnh viện (BV) của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, chúng tôi ghi nhận không ít trường hợp nhân viên cấp cứu đến hiện trường hoặc nhà bệnh nhân trễ hơn dự kiến. Cũng có trường hợp khi xe cấp cứu 115 tới nơi thì bệnh nhân đã được chuyển tới BV bằng phương tiện khác vì không thể đợi chờ. Lý do khiến nhân viên cấp cứu 115 tới trễ là kẹt xe quá lâu.

Bệnh nhân tự đến BV

Cách đây không lâu, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nhận được tin báo một phụ nữ độ 50 tuổi sống ở quận 8 đang thở hổn hển, ói ra máu liên tục. Ngay lập tức, tổ cấp cứu 115 gồm hai điều dưỡng và một bác sĩ (BS) lên xe tới nhà bệnh nhân.

Do rơi vào thời điểm tan giờ làm việc buổi chiều nên xe cộ lưu thông trên đường rất đông. Đến chân cầu Phạm Thế Hiển phía bên quận 5, xe cấp cứu 115 không thể lăn bánh vì xe kẹt cứng. Ngồi trên xe, nhân viên cấp cứu bụng dạ không yên vì càng tới trễ thì tính mạng bệnh nhân càng nguy kịch. Nhân viên cấp cứu liên tục gọi điện thoại cho gia đình bệnh nhân thông báo tình hình kẹt xe và bảo cố gắng chờ.

Hơn 10 phút sau, xe cấp cứu 115 mới thoát khỏi “rừng xe” và nhanh chóng tới nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, khi tới nơi, người bệnh đã được gia đình đưa tới BV bằng taxi vì không thể chờ lâu. Đã vậy, nhân viên cấp cứu 115 còn bị người nhà bệnh nhân càm ràm này nọ.

Tương tự, có lần Trung tâm Cấp cứu 115 TP nhận được cuộc gọi tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn quận Tân Bình khiến một nạn nhân bất tỉnh, máu đầu chảy khá nhiều. Thời điểm này hết giờ làm việc buổi chiều nên xe cộ lưu thông đông cứng.

Gần tới giao lộ Trường Chinh và Tân Kỳ-Tân Quý, xe cấp cứu 115 hầu như không thể nhúc nhích vì bị xe đủ loại vây kín, mặc dù còi xe hú liên hồi. Khi đến được hiện trường tai nạn, nhân viên cấp cứu 115 chỉ thấy xe máy nằm chỏng chơ, còn nạn nhân thì được người bạn đưa tới BV bằng taxi.

Trung tâm Điều hành thông minh đi vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian nhân viên cấp cứu 115 có mặt tại điểm xảy ra tai nạn. Ảnh: TRẦN NGỌC

Lòng vòng cấp cứu thủ công

BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết hiện nay trung tâm vẫn điều hành cấp cứu bằng phương thức thủ công.

“Khi điện thoại gọi đến trung tâm báo tai nạn hoặc có người bệnh nguy kịch, nhân viên trực tổng đài ghi lại thông tin liên quan bệnh nhân (tình hình bệnh tật, địa chỉ…) ra tờ giấy rồi giao cho tổ cấp cứu. Lúc này tổ cấp cứu vừa ngồi xe tới nhà bệnh nhân hoặc địa điểm xảy ra tai nạn vừa liên lạc với thân nhân. Điều đáng nói người nhà bệnh nhân không biết xe cấp cứu 115 đang ở vị trí nào, bao giờ tới nơi nên luôn nóng ruột” - BS Long nói.

BS Long cho biết thêm nếu kẹt xe, cách duy nhất là xe cấp cứu 115 phải… chờ hết kẹt rồi đi tiếp. Điều này khiến nhân viên cấp cứu 115 tới nhà bệnh nhân hoặc điểm xảy ra tai nạn chậm so với dự kiến.

“Chưa hết, hiện toàn TP có 24 trạm cấp cứu vệ tinh 115. Tai nạn xảy ra gần trạm cấp cứu vệ tinh nào thì Trung tâm Cấp cứu 115 TP sẽ liên lạc trạm cấp cứu vệ tinh đó yêu cầu hỗ trợ. Tuy nhiên, không ngoại trừ xe cấp cứu của trạm cấp cứu vệ tinh này đang hoạt động thì buộc trung tâm phải liên lạc với trạm cấp cứu vệ tinh khác. Điều này kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến việc cấp cứu bệnh nhân” - BS Long nói thêm.

Không còn ám ảnh kẹt xe

Đề cập đến Trung tâm Điều hành thông minh, BS Long cho biết hoạt động của trung tâm này sẽ “gỡ” được tình hình kẹt xe, nhân viên cấp cứu 115 tiếp cận bệnh nhân sớm hơn.

“Do sử dụng công nghệ thông tin nên khi điện thoại gọi tới tổng đài thì dữ liệu liên quan tới bệnh nhân sẽ được mã số hóa. Bên cạnh đó, địa chỉ nhà bệnh nhân hoặc điểm xảy ra tai nạn, kể cả vị trí của tất cả xe thuộc hệ thống cấp cứu 115 cũng được hiển thị trên màn hình. Lúc này, Trung tâm Điều hành thông minh sẽ điều xe gần nhất để tới hiện trường. Trong trường hợp xe này trên đường đi bị kẹt, Trung tâm Điều hành thông minh sẽ phát hiện ngay và nhanh chóng điều xe cấp cứu 115 khác gần nhất để tới chỗ bệnh nhân. Chưa hết, người nhà bệnh nhân cũng biết được vị trí xe cấp cứu 115 đang di chuyển, biết được thời gian nhân viên cấp cứu 115 sẽ có mặt” - BS Long cho biết.

“Dự kiến cuối năm 2018, Trung tâm Điều hành thông minh sẽ đưa vào hoạt động” - BS Long cho biết thêm.

TS-BS Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện là chủ tịch Hội Y tế công cộng TP, cho biết việc thành lập Trung tâm Điều hành thông minh là điều hết sức cần thiết.

“Hiện mỗi năm TP.HCM chỉ mới chuyển được 1% bệnh nhân cấp cứu ngoài BV phải nhập viện. Như vậy, 99% số ca cấp cứu nhập viện là do tự thân gia đình người bệnh lo liệu. Như vậy, nếu nhu cầu bệnh nhân cấp cứu ngoài BV phải chuyển viện tăng lên 10% thì Trung tâm Cấp cứu 115 TP không kham nổi nếu vẫn áp dụng phương thức thủ công. Con số trên chỉ có thể giải quyết khi Trung tâm Điều hành thông minh đi vào hoạt động” - ông Giang nêu quan điểm.

Số ca cấp cứu ngoài BV liên tục tăng cao

Nhu cầu cấp cứu ngoài BV của người dân TP.HCM ngày càng cao. Năm 2015, trung tâm ghi nhận trên 5.780 trường hợp cấp cứu ngoài BV. Qua năm 2016, con số đó tăng hơn 8.510 trường hợp. Đến năm 2017, hơn 12.170 trường hợp cấp cứu ngoài BV.

BS NGUYỄN DUY LONG
Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM

Sở Y tế sẽ hết lòng hỗ trợ

Sở Y tế TP.HCM đeo đuổi dự án thành lập Trung tâm Điều hành thông minh đã lâu và giao cho Trung tâm Cấp cứu 115 TP nhanh chóng xúc tiến thực hiện. Trong quá trình xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh, nếu gặp khó khăn thì Trung tâm Cấp cứu 115 TP báo cáo Sở Y tế TP để được hỗ trợ.

PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm