Đẩy qua, đá lại con… ve chó!

Cuối tháng 4-2015, tại khu phố 1, phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TP.HCM) bỗng xuất hiện rất nhiều con ve chó. Từ bụi cỏ, bãi rác ven đường chúng lặng lẽ tiến vào nhà người dân trong khu vực. Khi bà con phát hiện thì có nhiều con đã chui tọt vào nhà, ẩn núp dưới gầm giường, chân tủ, góc nhà. Loài này thích cắn người, nhất là trẻ em, hút máu gây ngứa ngáy, ghẻ chóc rất khó chịu. Bà con dùng mọi phương tiện như quét ra khỏi nhà, xịt thuốc, gắp từng con đem đốt… nhưng cũng không ăn thua. Bí quá, bà con cấp báo lên phường.

Thú y “đẩy” qua, dự phòng “đá” lại

Nhận được tin báo, cán bộ phường Đông Hưng Thuận xuống khảo sát hiện trường, ghi nhận tại khu vực nói trên có một số con chó chết thải ra môi trường (thay vì bỏ bao đem chôn). Ve chó từ xác những con vật này đã bò vào nhà dân.

Do đây là trường hợp chưa từng xảy ra nên cán bộ phường lúng túng không biết báo cơ quan chức năng nào để xử lý. Cuối cùng cán bộ phường quyết định gọi “cầu cứu” cùng lúc Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 và Trạm Thú y quận.

Theo vị cán bộ phường, sau khi nhận được lời “cầu cứu” thì có một cuộc họp đột xuất giữa cơ quan y tế dự phòng và thú y để xác định cơ quan nào có trách nhiệm. Ngành y tế dự phòng thì cho rằng ve chó thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan thú y. Ngành thú y lại quả quyết nơi này chỉ xử lý ve sống bám trên con chó. Còn khi ve chó sống ngoài môi trường tự nhiên thì thuộc trách nhiệm xử lý của cơ quan y tế dự phòng.

Họp tới trưa mà vấn đề xác định trách nhiệm diệt con… ve chó chưa ngã ngũ. Cuối cùng hai bên tạm gác chuyện này lại, cùng “bắt tay” xuống hiện trường khảo sát. Nhưng người dân thì không thể đợi lâu, họ đã làm mọi cách diệt ve chó nên khi cán bộ xuống thì mật độ ve chó tại khu vực nói trên đã giảm nhiều.

Khảo sát xong, cán bộ hai ngành tiếp tục hội ý và qua ngày hôm sau mới phối hợp tiến hành phun thuốc. Tuy nhiên, vào thời điểm này lượng ve chó không còn bao nhiêu.

“Thấy ve chó bò lổn ngổn trong nhà nên suốt đêm tôi không ngủ được vì sợ chúng bò lên người, hút máu mấy đứa nhỏ. Nếu cơ quan chức năng xử lý ngay khi ve chó xuất hiện thì chúng tôi đỡ lo biết mấy. Chỉ có mấy con ve chó mà hai ngành y tế dự phòng và thú y đùn đẩy qua lại, chẳng biết nói sao!” - bà T., một người sống trong khu vực, lắc đầu ngao ngán.

Y tế dự phòng chịu trách nhiệm xử lý

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hưng Thuận, cho rằng: “Qua chuyện này, tôi nghĩ lãnh đạo ngành cấp trên cần xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm xử lý để bà con kịp thời liên hệ khi cần thiết”.

Trước đó, tại phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) cũng xảy ra việc tương tự: bọ xít hút máu. Tại đây, y tế dự phòng được xác định là cơ quan có trách nhiệm xử lý. Vậy nên khi biết được vụ việc xảy ra ở phường Đông Hưng Thuận, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, góp ý: “Theo tôi, xử lý ve chó ngoài môi trường tự nhiên thuộc trách nhiệm của y tế dự phòng”.

Sau khi nghe người dân phản ánh nỗi bức xúc cùng sự lúng túng của chính quyền địa phương, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ ngành thú y và y tế dự phòng cấp TP đặt câu hỏi: “Khi ve chó xuất hiện ngoài môi trường tự nhiên, ảnh hưởng sức khỏe người dân thì gọi cơ quan nào đến xử lý?”.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, trả lời: “Ve bám trên chó còn sống thì bà con liên hệ với cơ quan thú y để được hướng dẫn, xử lý. Tuy nhiên, khi chó chết, ve hết bám và sống ngoài môi trường tự nhiên, ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì bà con liên hệ với y tế dự phòng để nơi đây có biện pháp xử lý”.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cũng khẳng định: “Bà con nên gọi y tế dự phòng quận, huyện để xử lý”.

Xử lý chậm, ve chó tiếp tục hút máu

Chó sau khi chết máu sẽ lạnh, do vậy các loại côn trùng hút máu (ve, bọ chét, rận) không thể tiếp tục sống bám mà ký chủ tạm thời trên động vật khác như mèo, thỏ… Đến khi gặp ký chủ chính (chó), các loại côn trùng hút máu nói trên sẽ di chuyển qua. Bên cạnh đó, ve chó, bọ chét còn bò lên người để cắn, hút máu tạm thời gây ngứa ngáy khó chịu, nổi mẩn đỏ. Có thể dùng xà phòng, cồn sát khuẩn lên vết cắn.

Cần lưu ý, khi chó có ve thì trứng ve sẽ bám rải rác trong nhà, ngóc ngách, giường tủ... Trứng nở, ve tiếp tục bám trên chó. Do vậy muốn xử lý triệt để ve chó thì dùng hoạt chất alpha cypermethrine pha với nước (tỉ lệ 10 ml/lít nước) rồi phun những nơi nghi có trứng ve. Một tuần sau phun thêm lần nữa.

Để ngăn chặn hiện tượng ve và bọ chét thoát khỏi xác chó, tốt nhất khi chó vừa chết thì nên cho vào bao kín cột chặt, chôn sâu.

Ông LÊ ĐÌNH DŨNG, nguyên Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm