Để bệnh nhân không sốc với tin xấu

Thông báo tin xấu là một trong những lĩnh vực cơ bản thuộc chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ mà bất kỳ thầy thuốc nào cũng cần hiểu rõ. Thực tế tại Việt Nam, rất ít có công trình nghiên cứu hay hướng dẫn về vấn đề này.

Tin xấu được định nghĩa là bất kỳ thông tin nào làm ảnh hưởng nghiêm trọng và bất lợi đến tương lai bệnh nhân.

Thông báo kiểu phán chết

Một doanh nhân ở Bình Phước được chuyển đến BV Chợ Rẫy lúc 12 giờ đêm do tai nạn giao thông. Bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu nặng của khoa Cấp cứu. Hai bác sĩ (BS) thay phiên nhau ép tim ngực và sốc điện nhưng bệnh nhân vẫn không có dấu hiệu sinh tồn. Một BS buông lời nhẹ nhàng: Không kịp nữa rồi! Người vợ trẻ được mời vào để nghe giải thích tình trạng chấn thương sọ não, chấn thương đa cơ quan của chồng không cứu vãn được, bệnh nhân đã mất não, ngừng tim. Chị ngồi trên ghế khóc ngất không nói nên lời.

“Anh còn sống không quá năm tháng nữa, về ăn được gì ăn. Nhưng không xạ trị thì khối u di căn dữ lắm đó!” - KTS Nguyễn Hoài Nhân (39 tuổi) như rụng rời tay chân bởi tin sét đánh này từ BS chẩn đoán u gan cho mình. Ông bảo thà BS trấn an tâm lý, chia sẻ về căn bệnh và hướng bệnh nhân sống an nhàn, thoải mái trước khi ra đi thanh thản, đằng này BS hù dọa. Ông Nhân quyết bỏ điều trị và uống thuốc Bắc: “Có xạ trị cũng chết, thôi không để gánh nặng cho vợ con”.

Nhiều bệnh nhân ung thư nói hầu hết họ được BS “thông báo” trước thời gian sống chết. Có người mất phương hướng, từ đó suy sụp và chết nhanh hơn thời gian BS tiên lượng. Nhưng cũng có người sống bất cần, sống đến đâu hay đến đó và không tuân thủ điều trị. Một bệnh nhân ung thư đại tràng (quận Thủ Đức) điều trị tại một BV quốc tế, đã làm hậu môn tạm. Sau khi BS nói chỉ còn sống sáu tháng nữa, ông bỏ ngay điều trị . Cứ bạn bè đến ông đều rủ đi nhậu, mà nhậu rất khỏe. Ông đã sống được hơn một năm rồi mới ra đi. Có người nói nếu nghe lời BS mà lo lắng thì sống không quá ba tháng chứ đừng nói là một năm!

BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu - Ngoại Tổng quát, BV quận Thủ Đức, cho rằng thông báo tin xấu không có quy định hay luật. Tùy theo tình trạng bệnh, tuổi tác, kiến thức và địa vị xã hội mà BS có cách nói khác nhau. Thông báo tin xấu có thể xem là một nghệ thuật. Nói gần, nói xa để người bệnh tự hiểu hơn là thông báo thẳng thừng dễ bị sốc. “Có người đón nhận tin xấu rất bình tĩnh nhưng có người đổ thừa cho BS làm cho tình trạng bệnh xấu thêm. Người ở quê nói ung thư không được mổ, mổ ra ác tính thì họ phản ứng quá khích. Do vậy cần giải thích đơn giản chứ không sẽ rối” - BS Vũ cho biết.


Bệnh nhân rất cần sự chia sẻ, động viên của BS. Trong ảnh: BS CKII Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Phẫu thuật - Hồi sức tim, BV Chợ Rẫy, thăm hỏi một bệnh nhân. Ảnh: TÙNG SƠN

Nên nói thật với bệnh nhân

“Nên nói thật tình trạng xấu với bệnh nhân một cách nghiêm túc nếu họ đủ tri thức tiếp nhận. Vì khi đối diện trước sự thật tàn khốc, tinh thần chiến đấu với bệnh của một số bệnh nhân sẽ trỗi dậy, họ kiên trì đấu tranh với bệnh, thậm chí tạo nên kỳ tích trong hiệu quả điều trị. Những ca bệnh như vậy về lâm sàng không phải hiếm gặp”, ThS-BS Kiều Thanh Hà, khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2, chia sẻ.

Theo bà Hà, các BS nên báo với bệnh nhân các phương pháp điều trị. Trong khi thảo luận về bệnh thì bệnh nhân, vợ hoặc chồng và các thành viên trong gia đình đều nên có mặt. “Điều này rất quan trọng, nếu bạn nói với bệnh nhân kết quả chẩn đoán như thế này, mà lại nói với người thân của họ một kết quả chẩn đoán khác thì sớm hay muộn gì cũng sẽ dẫn đến mất lòng tin đối với BS về phương pháp điều trị cũng như thuốc men. Như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị” - BS Hà nói.

Với bệnh ung thư, theo các BS, cần điều chỉnh quan niệm sai lầm “ung thư đồng nghĩa với cái chết”. Đó chính là quan niệm tạo ra phản ứng tiêu cực ở bệnh nhân. Trong y học hiện đại không ít bệnh ung thư có thể được điều trị hiệu quả hoặc kéo dài sự sống rất nhiều năm. Nếu làm cho người bệnh có thể giảm đi tâm lý tiêu cực sẽ giúp ích rất nhiều đến hiệu quả điều trị.

Theo BS Triệu Vũ, BV quận Thủ Đức đã áp dụng mô hình tư vấn giữa các bệnh nhân ung thư rất hiệu quả. Các bệnh nhân ung thư gặp nhau theo định kỳ, người mắc bệnh trước chia sẻ cho người mới bị. Từ đó họ cảm thấy sự đồng cảm và thái độ đón nhận tin xấu dễ dàng hơn.

Nghiên cứu Xác định nhu cầu, thời điểm và phương thức phù hợp thông báo tin xấu đến bệnh nhân trên 190 bệnh nhân tại Viện Quân y 103 và BV Xanh Pôn (Hà Nội) cho thấy có đến hơn 97% bệnh nhân muốn biết tình trạng bệnh của mình (trong đó hơn 78% muốn biết tin khi tâm lý ổn định), gần 77% bệnh nhân muốn biết tiến triển của mình dù tốt hay xấu; 93% bệnh nhân muốn thông báo tin này cho người thân.

Cũng theo nghiên cứu này, gần 82% bệnh nhân mong muốn nhận được sự đồng cảm và chia sẻ từ phía nhân viên y tế, 60% bệnh nhân cho rằng cách truyền đạt của nhân viên y tế có ảnh hưởng đến tâm lý sau khi tiếp nhận chẩn đoán; hơn 73% bệnh nhân muốn nhân viên y tế sử dụng từ ngữ đơn giản trong quá trình thông báo tin xấu.

Đừng gây dồn nén cảm xúc cho bệnh nhân

Lời chia sẻ có giá trị quan trọng với sức khỏe thể chất và cả sức khỏe tinh thần của người bệnh. Vì vậy, cần lưu ý đến kỹ thuật động viên cũng như truyền thông. Đối với việc thông báo tin xấu hay tin buồn, cần thật sự lưu tâm đến phản ứng tâm lý, phản ứng tự vệ và hàng loạt những phản ứng khác… Thông báo tin buồn cần lưu ý đến những thông tin mang tính chính xác, tiên lượng tình hình và những phân tích sau hội chẩn…

PGS-TS tâm lý HUỲNH VĂN SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm