Để không phải ăn tết trong bệnh viện

Theo các bác sĩ, mùa này không nên cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới hai tuổi tiếp xúc gần gũi người bị cảm ho thông thường. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất không chỉ để trẻ lướt qua mùa lạnh mà còn có đủ sức đề kháng chống bệnh tật, đặc biệt là bệnh hô hấp.

Ba loại bệnh dễ tấn công trẻ

TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết hiện ảnh hưởng không khí lạnh với phía Nam là không nhiều. Mặc dù đây không phải là mùa cao điểm của bệnh hô hấp nhưng số trẻ đi khám và nhập viện có nhích lên một chút (10%) khi trời trở lạnh (khoa thường xuyên 200 bệnh nhi bị mắc các bệnh đường hô hấp).

Theo BS Tuấn, gắn liền với mùa lạnh là sự phát triển của các loại virus đường hô hấp như virus gây cảm lạnh, viêm mũi họng thoáng qua tự khỏi đến những loại virus có khả năng gây cúm mùa. Có một số loại virus gây bệnh chuyên biệt ở trẻ em, cụ thể là virus hợp bào hô hấp (RSV) và nó lây lan như virus cúm.

“Nếu loại virus này tấn công người lớn, trẻ lớn thì chỉ gây cảm ho thông thường nhưng với trẻ dưới ba tháng tuổi, cứ hai trẻ bị viêm tiểu phế quản thì một trẻ có khả năng nhập viện để thở oxy. Những trẻ có bệnh nền như suy dinh dưỡng, tim bẩm sinh, bệnh não, suy giảm miễn dịch… dính viêm tiểu phế quản mùa này cũng sẽ tăng nặng 10 lần so với bình thường” - TS-BS Tuấn nói.

Cũng theo TS-BS Tuấn, hiện nay loại bệnh này chưa có vaccine phòng bệnh nhưng người ta chứng minh được bằng cách phòng ngừa đơn giản mà hiệu quả nhất đó là rửa tay. Tuy là virus gây bệnh hô hấp nhưng con đường chủ đạo lây lan là bằng tay nhiễm bẩn của người chăm sóc em bé, ngay cả trong nhân viên y tế cũng vậy.

Căn bệnh tiếp theo cần chú ý mùa này là bệnh suyễn. Phụ huynh cần lưu ý chặt chẽ, bởi trẻ rất dễ bị lên cơn suyễn. Nguyên nhân thứ nhất trực tiếp gây cơn suyễn là do thời tiết thay đổi đột ngột đã kích thích đường thở. Thứ hai là bé bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, cảm thông thường cũng sẽ bị lên cơn.

“Trước khi vào mùa lạnh, chúng tôi khuyến cáo là chủng ngừa cúm cho trẻ, vaccine chống vi khuẩn phế cầu. Thứ hai, dù em bé có đang điều trị tốt nhưng dứt khoát không giảm liều thuốc, không ngưng thuốc trong mùa này, đặc biệt là trẻ có dự dịnh đi xa với gia đình” - TS-BS Tuấn nói.

Hàng loạt trẻ nhập viện khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 để thở khí dung. Ảnh: TÙNG SƠN

Bên cạnh đó, bệnh viêm phổi mặc dù đã có nhiều loại thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả nhưng đến nay viêm phổi vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới năm tuổi ở những nước đang phát triển. Thực tế theo số liệu mới nhất của WHO, cứ 35 giây có một trẻ dưới năm tuổi tử vong do viêm phổi và 90% rơi vào các nước đang phát triển. “Việc quan tâm sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng… là cần thiết nhưng gánh nặng tử vong của viêm phổi vẫn là hàng đầu phải quan tâm” - TS-BS Tuấn nói.

Để phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ, TS-BS Tuấn cho rằng nên cho em bé bú sữa mẹ hoàn toàn, ít nhất là bốn tháng đầu, tốt nhất là sáu tháng đầu sau sinh. Như vậy sẽ giảm 1/4 nguy cơ viêm phổi cho trẻ. Nên thay thế các bếp nấu bằng than, than củi bằng các loại nhiên liệu sạch khác cũng sẽ làm giảm 50% nguy cơ viêm phổi. Thứ ba là tiêm ngừa, nếu tiêm phế cầu và Hib cũng giảm 50% nguy cơ viêm phổi và thế giới coi chủng ngừa là cứu cánh hiệu quả giảm nguy cơ viêm phổi cho trẻ. Lưu ý là rửa tay cũng hiệu quả” - TS-BS Tuấn khuyến cáo.

Đề phòng tai nạn sinh hoạt, hóc dị vật

Gần một tháng trước, một bệnh nhi ở Tây Ninh dùng cây sắt nhỏ mài nhọn một đầu, đầu còn lại bé buộc lông gà xung quanh đề làm phi tiêu dài khoảng nửa mét. Sau khi xong vũ khí, bé mang ra cây mít chơi phóng phi tiêu vào quả mít. Nhưng cây phi tiêu không găm vô quả mít mà dội ngược ra găm vào… cổ bệnh nhi. Gia đình phát hiện đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu cố định cây phi tiêu vào tay phải, sau đó chuyển đến BV Nhi đồng 2 để phẫu thuật lấy phi tiêu ra. BS Nguyễn Thị Ngọc Ngà, khoa Bỏng - Chỉnh hình BV Nhi đồng 2, cho biết rất may cây phi tiêu không găm vào mạch máu hay thần kinh, nếu không sẽ khó lường trước hậu quả thế nào.

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết tết là dịp để trẻ được vui chơi nhưng đồng thời trẻ sẽ dễ bị các tai nạn sinh hoạt té ngã, mắc hóc các dị vật như hạt dưa, hạt bí… Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi 16 tháng tuổi (ngụ Trà Vinh) nhập viện trong tình trạng tím tái, khó thở. Người nhà cho biết bé đã nuốt phải hạt sơ ri. Các bác sĩ tiến hành soi đường thở, gắp dị vật ra cho bé.

BS Tiến khuyến cáo để có cái tết gia đình sum họp, êm ấm, phụ huynh phải lưu ý: Trông trẻ cẩn thận là điều kiện tiên quyết để tránh xảy ra các tai nạn. Để những dị vật có nguy cơ tránh xa tầm tay trẻ. Trong trường hợp nghi ngờ trẻ mắc hóc dị vật (có biểu hiện tím tái, khó thở…), tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ em vì như thế sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn. Sau đó đưa trẻ đến các cơ sở gần nhất để tiếp tục được cấp cứu. Đối với các trường hợp té sông hồ, ao, cách sơ cứu là hà hơi thổi ngạt, ấn tim và đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Tuyệt đối không được sốc nước, lăn lu nóng hay giẫm đạp…

Người già cần đề phòng

TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV 115: Ngày tết nguồn dinh dưỡng thường tập trung cao nhiều chất đạm, chất béo và thường kèm theo các nước có nồng độ cồn: bia, rượu... Các bệnh lý thường gặp mùa tết khiến người cao tuổi dễ nhập viện như cao huyết áp do uống nhiều bia rượu, rối loạn tiêu hóa do quá tải thức ăn hoặc ngộ độc thức ăn, tiểu đường nặng lên do tăng đường huyết. Thậm chí là xuất huyết tiêu hóa do uống nhiều rượu, bia... Khuyến cáo: Uống thuốc đều đặn, duy trì chế độ sinh hoạt bình thường, chú ý chế độ ăn hợp lý phù hợp với bệnh lý đã có.

Tại BV Nhi đồng 2, bắt đầu từ 26 tết các năm trước, khoa Bỏng - Chỉnh hình trực tiếp nhận 6-7 ca bị tai nạn sinh hoạt, giao thông như bỏng, gãy tay chân... tăng 30% so với ngày thường trẻ đi học. Tại BV Nhi đồng 1, trong các ngày tết, khoa Cấp cứu cũng tiếp nhận 5-10 trẻ bị tai nạn sinh hoạt, tai nạn thương tích nặng được tuyến dưới chuyển vào, đó là chưa kể các trẻ bị bỏng, gãy tay chân phải điều trị ở các khoa khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm