“Bác sĩ nụ cười” trong bệnh viện

Đều đặn cứ mỗi tuần ba buổi, các bệnh nhi khoa Phỏng của BV Nhi đồng 1 lại trông ngóng các anh chị sinh viên. Các anh chị ấy sẽ mặc áo trắng giống như bác sĩ, đeo khẩu trang và đến từng giường của những bé phỏng nặng để kể chuyện, cùng vẽ tranh, chơi ghép hình với bé. Họ còn ngồi hàng giờ nói chuyện với cha mẹ các bé để động viên, tiếp thêm động lực cho cả nhà. Nhiều người nghĩ đấy là một nhóm thiện nguyện, thật ra đó là sinh viên ngành công tác xã hội (CTXH), khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM - khóa đầu tiên đang đi thực tập.

Bệnh viện: Nơi rất cần CTXH

Tại khoa Phỏng của BV Nhi đồng 1, bé Q. (bốn tuổi, Lâm Đồng) bị bỏng nặng ở mặt luôn miệng hỏi sinh viên Lê Thị Hằng Thu trong cơn khóc nấc: “Tại sao bố lại lấy lửa đốt con? Cô ơi, tại sao bố lấy lửa đốt con?”. Trước đó, bố Q. nhóm lửa nấu ăn thì lửa bén qua can dầu hỏa, ông vội vàng ném can dầu ra xa, không may làm phỏng con gái. Hằng Thu đã bày trò chơi nấu ăn với bé Q. rồi dịu dàng kể chuyện: “Có một ông bố rất thương con. Đến ngày sinh nhật con, bố biết con rất thích ăn tôm nướng nên đã đi chợ, mua tôm về nướng cho con ăn. Trong lúc bố nhóm lửa, chẳng may can dầu bị bắt lửa. Bố sợ quá, chỉ muốn vứt can dầu ra xa. Bố không muốn vứt can dầu vào ai cả, chẳng may, bố vứt trúng con. Do đó, người bố rất buồn và thương con”. Nhờ những đồ chơi trực quan và câu chuyện của Hằng Thu, bé Q. đã dần tươi tỉnh và hiểu rằng bố không muốn đốt em.

“Bác sĩ nụ cười” trong bệnh viện ảnh 1

Sinh viên thực tập ngành CTXH đang làm việc tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: CTV

Ngoài tham vấn tâm lý, các sinh viên thực tập còn tổ chức cho các phụ huynh, bệnh nhi sinh hoạt, chia sẻ cùng nhau. Qua đó, các bé đã làm quen, thân nhau, động viên nhau mỗi khi thay băng, chích thuốc…

CTXH lần đầu tiên được đưa vào bệnh viện năm 1905, tại Boston (Mỹ). Đến nay, hầu hết các bệnh viện của Mỹ đều có phòng CTXH và đây là một trong những điều kiện để các bệnh viện được công nhận là hội viên của Hội Các bệnh viện Mỹ.

Với các bệnh lý khác, bệnh nhân và thân nhân cũng rất cần dịch vụ CTXH. Bà Nguyễn Thị Ngọc, nhóm CTXH Sunday, cho rằng với những bệnh lý về sức khỏe tâm thần, bệnh nhân sau điều trị và người nhà rất cần được nhân viên xã hội chăm sóc. “Bệnh nhân chưa ổn định về tâm lý để đón nhận cuộc sống bình thường. Nếu người nhà kỳ thị, thúc ép hòa nhập hoặc bỏ mặc sẽ làm tổn thương người bệnh. Lúc này, nhân viên xã hội sẽ giúp người bệnh nhận ra những giá trị của bản thân, gắn kết người bệnh với người thân để có sự đồng cảm… ” - bà Ngọc phân tích.

Khởi đầu gian nan

Mặc dù có ý nghĩa quan trọng nhưng hoạt động CTXH trong các bệnh viện còn khá mới mẻ, chưa được hợp thức hóa bằng nghề nghiệp cụ thể, chưa được Bộ Y tế công nhận. Năm 2009, khoa Xã hội học của Trường ĐH Mở TP.HCM bắt đầu giới thiệu mô hình CTXH trong bệnh viện bằng cách đưa sinh viên vào thực tập tại BV Nhi đồng 1. Tuy nhiên do mới hình thành, hoạt động CTXH trong bệnh viện còn thiếu tính chuyên nghiệp. Một trong những khó khăn của sinh viên khi thực tập là thiếu kiến thức và kỹ năng, phần lớn phải vừa học vừa hỏi.

Phát biểu tại tọa đàmThực hành CTXH chuyên nghiệp trong trường học và bệnh viện do Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức mới đây, bà Lê Thị Bích Sơn - Tổ CTXH, BV Đa khoa Long An đề nghị Bộ Y tế công nhận hoạt động CTXH trong bệnh viện. Các sinh viên CTXH cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục thực hiện vai trò của nhân viên xã hội trong bệnh viện như một nghề nghiệp sau kỳ thực tập.

Tại một hội thảo trước đó, Tiến sĩ Đàm Viết Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, cho biết: “Các bệnh viện thường bị quá tải nên nhân viên y tế không đủ thời gian để giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như: cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm của các loại dịch vụ, tư vấn về phác đồ điều trị, tư vấn cách phòng ngừa, trấn an tinh thần, an ủi người bệnh… Do vậy, trong các bệnh viện đã nảy sinh nạn “cò” bệnh viện, sự căng thẳng giữa người bệnh và thầy thuốc, mâu thuẫn giữa người bệnh và cơ sở y tế… Tất cả vấn đề này có thể chấm dứt nếu có sự tham gia của nhân viên CTXH”.

Tháng 3-2002, tổ y xã hội lần đầu tiên được thành lập tại BV Đa khoa Long An và có biên chế chính thức cho nhân viên xã hội. Tổ này thuộc phòng Kế hoạch Tổng hợp nhằm giúp đỡ bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân nghèo, neo đơn, gặp khó khăn trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện.

Tháng 8-2010, bộ phận y xã hội chính thức tách riêng dưới sự điều hành trực tiếp của ban giám đốc với tên gọi tổ CTXH. Hiện nay, tổ CTXH của BV Long An có bốn thành viên và có nhiều hoạt động hơn như bếp ăn từ thiện; tương trợ; gây quỹ hoạt động; liên hệ địa phương, báo, đài tìm thân nhân người bệnh; tiếp nhận, phân phối nguồn vốn, quà tặng, phương tiện hỗ trợ từ mạnh thường quân; hướng dẫn, giải thích các thắc mắc của bệnh nhân…

Bà Lê Thị Bích Sơn, tổ CTXH, BV Đa khoa Long An

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm