Bệnh loãng xương đang gia tăng nhanh

Loãng xương, căn bệnh thầm lặng

Việc mắc bệnh loãng xương dẫn đến việc gia tăng nguy cơ bị gãy xương như gãy lún đốt sống (hậu quả là đau lưng mạn tính, giảm chiều cao, ảnh hưởng tới các tạng trong ngực và bụng), gãy xương cổ tay và đặc biệt nặng nề là gãy cổ xương đùi. 20% trường hợp gãy cổ xương đùi do loãng xương có thể tử vong trong vòng một năm sau đó, 30% bị tàn phế hoàn toàn, 40% phụ thuộc vào người khác và 80% không thể tái hòa nhập với cộng đồng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh, tới người thân họ, ngân sách mỗi gia đình và ngân sách toàn xã hội. Cộng đồng hiện vẫn chưa nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của căn bệnh thầm lặng này, vì vậy chưa có những biện pháp tích cực và hữu hiệu để phòng ngừa.

Nhiều nghiên cứu được tiến hành gần đây trên thế giới cho thấy bệnh loãng xương có liên quan tỉ lệ thuận với tuổi, tình trạng mãn kinh, cân nặng thấp, khẩu phần ăn thiếu canxi và thiếu vitamin D, ít hoạt động thể lực, dùng thuốc tránh thai và corticoid kéo dài. Yếu tố di truyền và gien cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Ngoài ra, hoạt động thể lực và sự tiếp xúc trực tiếp của da với ánh nắng mặt trời ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời cũng ảnh hưởng lớn đến tỉ trọng của xương, tốc độ mất xương và các tiến triển của chấn thương, gãy xương. Trong đó, hoạt động thể lực, hormone sinh dục và dinh dưỡng được coi là những yếu tố chính. Yếu tố dinh dưỡng chính để cân nhắc trong dự phòng và góp phần xử trí loãng xương là mức canxi ăn vào trong cuộc đời.

Bệnh loãng xương đang gia tăng nhanh ảnh 1

Sữa, trứng là nguồn cung cấp canxi và vitamin D. Ảnh: INTERNET

Chế độ ăn phòng bệnh

Protein, vitamin (D, C, K); các chất khoáng (canxi, phosphor, đồng, mangan và kẽm) là dưỡng chất cần thiết để tạo xương, duy trì và phục hồi xương trong suốt cuộc đời. Thế nhưng trong khẩu phần của người trưởng thành, canxi và vitamin D thường không được cung cấp đầy đủ. Theo PGS-TS-BS Lê Bạch Mai, kết quả cuộc tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010 khẩu phần canxi của người Việt trung bình đạt 506,2 mg/người/ngày, chỉ đáp ứng được khoảng 59% nhu cầu hằng ngày của cơ thể. Ngoài ra, một số thói quen ăn uống ảnh hưởng đến giá trị khẩu phần canxi như lượng protein tăng không đồng hành với tăng canxi, xu hướng tăng sử dụng nước ngọt có gas, thói quen ăn mặn, ít yếu tố gây kiềm làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu. Do đó, cần duy trì mức protein thích hợp trong khẩu phần (12%-14% năng lượng khẩu phần được cung cấp từ protein). Mặt khác, nguồn canxi giá trị cao như sữa và chế phẩm lại rất hạn chế, đặc biệt đối với các đối tượng có nhu cầu canxi cao như phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú.

Nguồn vitamin D từ thức ăn thường thấp trong khi sự tiếp xúc trực tiếp của da với ánh nắng mặt trời bị hạn chế nhiều, nhất là đối với phụ nữ, người cao tuổi. Khi lượng canxi trong máu quá thấp, cơ thể lấy canxi từ xương. Canxi được mượn từ xương này thường không thể bù đắp lại được dù sau đó được cung cấp đầy đủ canxi từ thức ăn. Vì vậy, bổ sung vitamin D và canxi được coi là biện pháp cần thiết trong dự phòng, góp phần điều trị loãng xương hiệu quả.

Nguồn cung cấp canxi cho cơ thể gồm canxi từ thức ăn (thực phẩm tự nhiên và thực phẩm được tăng cường canxi) và từ uống canxi bổ sung. Thực phẩm giàu canxi: sữa bò, pho mát, sữa chua, cua đồng, tôm nhỏ, cá dầu, rạm tươi, tép khô, ốc đá, sò, ốc, cá trạch, đậu nành, đậu khô. Các loại rau xanh: rau dền cơm, cần tây, rau răm, cần ta, dền đỏ-trắng, lá lốt, kinh giới, húng, thì là, tía tô, rau đay, rau rút, rau ngót, rau muống…). Các loại trái cây, đặc biệt loại có múi như bưởi, cam, tuy không nhiều canxi như rau nhưng là nguồn vitamin C quý giúp sử dụng canxi trong khẩu phần hiệu quả.

Trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ thời kỳ có thai và cho con bú, người già nhu cầu canxi cao hơn nên cần bổ sung nhiều hơn. Người mẹ nuôi con bú sáu tháng có thể mất 4%-6% lượng canxi của xương nếu không được bổ sung thích hợp. Thịt chứa nhiều protein nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, cách bổ sung canxi tốt nhất là từ sữa và các chế phẩm từ sữa chứ không phải là thịt. Song song đó, cần duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và có thời gian hoạt động ngoài trời hợp lý, hạn chế rượu bia, nước có gas, không thuốc lá và duy trì cân nặng ở mức hợp lý.

Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin D là sữa, lòng đỏ trứng, cá hồi, dầu gan cá, nấm, cá mòi, pho mát, cá ngừ, cá trích, gan. Cá thu, cá bơn, cá da trơn, tôm, sò, sữa chua cũng chứa vitamin D. Khuyến nghị về vitamin D của Bộ Y tế là 5 mcg/ngày cho người dưới 50 tuổi, phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú. 10 mcg/ngày cho nhóm tuổi 51-60 và 15 mcg/ngày với người trên 60 tuổi.

VŨ YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm