Bệnh “tâm thần lạ”?

Vừa qua, trên một số phương tiện truyền thông đưa thông tin về bệnh tâm thần lạ đang gia tăng. Theo bác sĩ Ngô Thanh Hồi, Giám đốc BV Tâm thần Mai Hương (Hà Nội), trung bình mỗi ngày có khoảng 250 bệnh nhân có dấu hiệu bất thường về thần kinh vào khám. Có nhiều bệnh nhân mắc những chứng thần kinh mà các bác sĩ thường gọi là bệnh tâm thần lạ.

Những “cơn nghiện” chết người

Bệnh nhân NVN (phố Trần Quý Cáp, Hà Nội) mê chơi đồ điện tử và công nghệ cao từ nhỏ. Lớn lên anh ứng dụng đam mê ấy bằng nghề kỹ sư tin học. Gần đây, N. liên tiếp bị công an gọi về hành vi ăn cắp. Tại cửa hiệu bán điện thoại trên đường Đại Cồ Việt, anh cầm điện thoại của chủ cửa hàng đang dùng đút túi trước sự chứng kiến của nhiều người. Mọi người hô hoán và giải anh đến công an phường. Lần khác, ở siêu thị điện thoại trên đường Thái Hà, anh vô tư cầm chiếc Nokia 95 bỏ vào túi. Gia đình anh N. giàu có, nhà chẳng thiếu thứ gì. Tất cả điện thoại mà anh N. đã lấy ở nhiều nơi được xếp gọn ở một góc nhà. Khi hỏi lý do tại sao lại ăn cắp, anh N. thủng thẳng nói: “Tự nhiên không thể tự chủ được”. Sau khi đo điện não đồ, bác sĩ kết luận: N. bị mắc chứng bệnh thích ăn cắp.

Anh H., chủ quán cà phê kiêm ăn nhanh, nhập viện trong tình trạng đang bị xung động mạnh vì thích đánh bạc. H. có thể ngồi đánh liên tục, thâu đêm suốt sáng. Toàn bộ tài sản lần lượt đội nón ra đi. Anh cầm từ sổ đỏ của gia đình đến chiếc xe mà mình đang đi để tìm được cảm giác thắng bạc. Bố mẹ hỏi, H. không thèm trả lời. Nhưng chỉ cần bạn bè gọi là H. bừng tỉnh và lao đi chơi. Rồi H. trở về nhà trong tâm trạng mệt rũ, người không một xu. H. vào bệnh viện chưa đầy một giờ mà chân tay luống cuống leo lên hàng rào của bệnh viện tìm cách trốn.

Bệnh “tâm thần lạ”? ảnh 1

Người bệnh rối loạn tâm trí tự nhổ tóc của mình (ảnh minh họa trước và sau khi nhổ).

Nguyễn Văn H. (trên phố Bạch Mai) thích… nhổ tóc và không tài nào cưỡng được sự thích thú đó. Việc nhổ tóc cứ tăng dần lên. Chưa đầy một tháng sau, anh phải nhổ cả nhúm tóc ra khỏi da đầu. Cứ thế, đầu anh dần trọc lóc và cứ có sợi tóc nào mọc lên là anh lại nhổ. Ở chỗ đông người, H. biết việc mình làm là kỳ cục nên phải kiềm chế sở thích bằng cách nắm chặt hai tay vào thành ghế để không đưa tay lên nhổ tóc. Rồi khi ra chỗ vắng, H. lại ngấu nghiến nhổ tóc như người nghiện ma túy đang lên cơn phê.

Chỉ là rối nhiễu hành vi

TS-BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - VUSTA), cho rằng không nên gọi là “bệnh tâm thần lạ”, dễ gây hoang mang trong cộng đồng. Qua những mô tả trên, có thể quy những đối tượng trên thuộc vào nhóm rối nhiễu hành vi, hậu quả của rối nhiễu tâm trí (mental disorders).

Rối nhiễu tâm trí để chỉ nhóm người không kiểm soát được suy nghĩ, không tỉnh thức trong hoàn cảnh, tình huống mà người tâm trí khỏe mạnh dễ dàng nhận ra, phân biệt ra để chọn cho mình hành vi phù hợp. Vì tâm trí rỗi nhiễu, không kiểm soát được bản thân dẫn đến mất tự chủ, xảy ra hành vi bất thường, lặp đi lặp lại trong hoàn cảnh tương tự dù đã được nhắc nhở, ngăn chặn.

Khi hành vi trên (ăn cắp, đánh bạc, hủy hoại cơ thể như nhổ tóc, gây đau…) lặp đi lặp lại một cách thường xuyên hơn, tạo nên thói quen xấu, từ đó dần hình thành tính cách xấu. Hậu quả chung là hủy hoại trực tiếp mối quan hệ xã hội của cá nhân đó cùng gia đình, người thân. Khi các mối quan hệ xã hội bị mất dần, tức “vốn xã hội” bị teo tóp, đây là nguyên nhân trực tiếp của nghèo khổ!

Cách phòng và điều trị

Để phòng và điều trị rối nhiễu hành vi/rối nhiễu tâm trí, cần nắm chắc một số nguyên tắc căn bản.

Thứ nhất, cần hiểu rằng rối nhiễu tâm trí/bệnh tâm thần xảy ra không phải chỉ do một căn nguyên duy nhất và cũng không phải chỉ xảy ra tức thời. Nó là hậu quả của sự mất cân bằng trong một thời gian dài giữa các yếu tố nguy cơ gây bệnh và các yếu tố tích cực ngăn bệnh, trị bệnh.

Có thể nhóm các yếu tố theo khu vực tạo nên “toàn nhà sức khỏe”; yếu tố nền, yếu tố thúc đẩy và yếu tố duy trì. Tòa nhà sức khỏe chỉ vững khi “yếu tố nền” chắc chắn (liên quan đến gien, trạng thái tâm tính bẩm sinh, nền văn hóa gia đình…). Người có “yếu tố nền” không vững chắc, khi gặp phải hoàn cảnh không thuận lợi, thúc đẩy xuất hiện bệnh (như mất việc, bất hòa trong quan hệ tình cảm, mất mát xảy ra với người thân…), dễ bị dẫn đến “khủng hoảng tâm lý” và trạng thái “rối nhiễu tâm trí”.

Nhưng trạng thái rối nhiễu đó chưa đủ để phát triển thành bệnh nếu không ở trong một môi trường có thêm các yếu tố duy trì cho tình trạng đó xuất hiện trong một thời gian đủ dài. Chẳng hạn đã ở một nền yếu lại gặp hỏng thi, bạn thân mất, ở trong một môi trường mới chưa có ai giúp đỡ, thêm công việc khó khăn… Từng ấy yếu tố gặp lại khiến “rối nhiễu hành vi/rối nhiễu tâm trí” tồn tại đủ dài để dẫn đến rối loạn thực sự về tinh thần, sức khỏe tâm thần sa sút, ảnh hưởng đến các chức năng sống khác của cơ thể.

Các phương pháp rèn luyện thể dục thể thao, dưỡng sinh, thói quen tốt trong lập kế hoạch, ăn uống, cân bằng vui chơi, giải trí và làm việc… chính là thúc đẩy các yếu tố tích cực trong nhóm nền.

Cần đối phó với stress bằng cách ngăn hậu quả có hại của “các yếu tố thúc đẩy”, hoặc can thiệp thay đổi môi trường sống, làm việc (chuyển chỗ ở, đi du lịch, chuyển môi trường làm việc, tạo mối quan hệ xã hội mới, bạn mới hiểu và thương yêu mình...).

Theo TS-BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và
Đào tạo phát triển cộng đồng

Bệnh đang gia tăng?

Theo bác sĩ Ngô Thanh Hồi, bệnh nhân mắc chứng bệnh lạ trên đang có xu hướng gia tăng. TS-BS Trần Tuấn cho rằng muốn kết luận có gia tăng hay không về tỉ lệ một bệnh nào đó cần có số liệu từ nghiên cứu theo dõi tỉ lệ mắc mới theo thời gian (chẳng hạn theo năm). Cho đến nay chúng ta chưa có số liệu này.

Còn gần đây xã hội và báo chí nói nhiều đến vấn đề này, một phần vì kiến thức của chúng ta đã được cải thiện khiến ta để ý đến nó và khả năng chẩn đoán sàng lọc, phát hiện sớm có tiến bộ hơn trước đây. Việc phổ biến rộng rãi các công cụ sàng lọc trên Internet đã khiến cho một bộ phận dân chúng thực sự có trong tay công cụ và tự sàng lọc phát hiện bệnh cho mình.

Nhưng cũng phải thấy rằng khi xã hội đi vào kinh tế thị trường, khi đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đời sống con người xa rời thiên nhiên thì về cơ bản, các yếu tố tích cực (từ cuộc sống hài hòa, yên bình gắn với thiên nhiên và mối quan hệ tắt lửa tối đèn xóm giềng…) chắc chắn bị giảm đi. Thay vào đó là những yếu tố không thuận lợi đến từ cuộc sống công nghiệp hối hả, cạnh tranh khốc liệt, nhiều yếu tố gây stress khiến cuộc sống trở nên gò bó, không tự nhiên, luôn gấp gáp, đầy bất trắc, lo lắng, không có thời gian dành cho nhau - một cuộc sống thiếu tình người, tình thương là mảnh đất thuận lợi cho rối nhiễu tâm trí xảy ra trên những cơ địa, nhân cách yếu.

TỐ NHƯ - DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm