Bi hài chuyện rắn cắn

Cuối năm qua, ngay sát tết Quý Tỵ khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy vẫn còn đến 6-7 bệnh nhân bị rắn cắn nằm điều trị đa số là ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… Đây là khu vực trồng điều, cao su, nhiều cây cỏ nên có nhiều rắn sinh sống. Câu chuyện về nguyên nhân bị rắn cắn và cách chữa trị có nhiều chuyện bi hài.

Đi vệ sinh bị cắn vào… chỗ hiểm

Bệnh nhân VVH (Trảng Bom, Đồng Nai) bị rắn hổ mèo cắn vào bàn tay phải ngồi húp từng muỗng cháo trên giường bệnh và than thở vì đau nhức. Theo ông H., khoảng 10 giờ tối, ông đi tất niên về thì thấy một con rắn hổ mèo bò ngang qua đường. Ông ủi xe máy cán ngang người con rắn khiến nó bất động. Nghĩ rằng rắn đã chết, ông dừng xe và đến bắt, tuy nhiên khi ông vừa thò tay thì con rắn cắn vào bàn tay. Ông được gia đình đưa đến BV Chợ Rẫy cấp cứu trong đêm. “Tui tưởng ổng chết rồi, lúc mới bị cắn ông thở không nổi và nằm bất động. Còn bây giờ quạt chạy vù vù mà ông vẫn kêu nóng” - vợ ông H. tâm sự.

Bệnh nhân bên cạnh chỉ phóng viên qua phỏng vấn bệnh nhân LTV (Biên Hòa, Đồng Nai), nằm giường đối diện ông H. về hoàn cảnh bị cắn ly kỳ. Cả phòng cười ồ, ông V. phải mang ghế ra ngoài hành lang ngồi vì bị quê. Con trai ông V. cho biết khoảng 4 giờ sáng, ông ra vườn đi vệ sinh cho mát thì bị rắn cắn vào… chỗ hiểm. Ông được đưa đi cấp cứu, các bác sĩ xác định ông bị cắn vào bìu, rất may đây là loại rắn không độc. Bệnh nhân LTN từ Tây Ninh bị rắn lục cắn vào ngón tay cái và có nguy cơ phải tháo khớp. Theo lời trình bày của anh N. thì thấy mấy người hàng xóm bắt con rắn lục bằng tay bỏ vào bao anh đến cầm lên xem thử. Bất ngờ con rắn cắn vào tay…

Bi hài chuyện rắn cắn ảnh 1

Vết thương do rắn hổ mèo cắn vào ngón tay của ông VVH (Trảng Bom, Đồng Nai). Ảnh: TÙNG SƠN

Bốn lần không chết nhưng…

PGS-TS-BS Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, cho biết bình thường rắn không bao giờ cắn người nhưng nếu bị tấn công hoặc giẫm đạp lên thì rắn sẽ tấn công lại, rắn cắn không chừa một ai, từ người chuyên bắt rắn, người vô tình giẫm rắn,… đến nhân viên nhà hàng làm thịt rắn...

PGS Bính kể có một bệnh nhân chuyên mua bán rắn và đã bị cắn đến bốn lần nhập viện nhưng được điều trị khỏi. Người này vẫn chưa ngán và vẫn tự tin nên tiếp tục theo nghề. Đến lần thứ năm bị rắn hổ chúa cắn, nộc độc vào tim gây ngưng tim, ngưng thở và không cứu được.

Thận trọng với thuốc Nam

PGS Bính cho biết cho đến nay các nghiên cứu cho thấy các loại thuốc Nam không có kết quả trong điều trị rắn độc cắn. Đa số người bị rắn cắn điều trị bằng thuốc Nam, sau đó phải đến BV điều trị.

Vừa qua có một sản phụ bị rắn lục cắn, đã điều trị thuốc Nam, nhập viện trong tình trạng rối loạn đông máu. Người chồng không cho xài thuốc Tây, mặc dù các bác sĩ khuyến cáo sẽ không giữ được tính mạng vợ và con anh ta. “Tôi nói, nếu anh điều trị thuốc Nam thì lên bệnh viện làm gì? Nếu anh không đồng ý thì ký cam kết không điều trị và xin mời về. Cuối cùng anh ta đồng ý điều trị và do chậm trễ phải cắt bỏ một đốt ngón chân người vợ do hoại tử nhưng đứa con vẫn an toàn. Trường hợp này nếu không điều trị kịp thời sẽ bị bong nhau thai” - PGS Bính nói.

Một trường hợp khác, bệnh nhân bị rắn chàm quạp cắn gây chảy máu nhập viện. Bác sĩ trực gọi người nhà vào tư vấn hướng điều trị là phải truyền máu cho bệnh nhân nhưng người nhà nhất định không cho. “Nửa đêm đích thân tôi mời đến giải thích. Người nhà bắt tôi phải ký cam kết là cứu sống bệnh nhân thì mới cho truyền máu. Họ kéo một số thanh niên xếp hàng gây áp lực, tôi phải gọi bảo vệ mời ra. Cuối cùng người nhà đồng ý và đến sáng hôm sau bệnh nhân tỉnh lại” - PGS Bính kể tiếp.

55 lọ huyết thanh mới sống

Phương pháp điều trị phổ biến của Tây y là dùng huyết thanh. (Người ta lấy nọc rắn tiêm vào con ngựa, ngựa tạo ra những kháng thể trung hòa nọc rắn. Huyết thanh ngựa sau đó được tinh chế lại và tiêm cho người.) Do đó một số người khi tiêm huyết thanh vào bị sốc phản vệ, phải được hóa giải bằng thuốc.

Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, PGS Bính ấn tượng nhất một người bị rắn hổ đất cắn hôn mê. Bình thường một bệnh nhân thì chỉ xài 3-5 lọ huyết thanh kháng độc, cao lắm là 10 lọ thì tỉnh lại nhưng với bệnh nhân này, các bác sĩ xài đến 30 lọ mà vẫn còn hôn mê, tất cả phản xạ đều mất, phải thở máy. “Chúng tôi nghĩ bệnh nhân sẽ không qua khỏi nhưng làm bác sĩ phải cứu bệnh nhân bằng mọi giá nên chúng tôi tiếp tục truyền thêm 25 lọ huyết thanh nữa thì bệnh nhân hồi phục. Chúng tôi rút ra bài học là phải cứu bệnh nhân đến cùng” - PGS Bính cho biết.

Có hai loại rắn: độc và không có độc. Rắn độc đầu hình tam giác, có hai túi chứa nộc độc. Độc lực của rắn nhiều hay ít tùy thuộc vào con rắn to hay nhỏ, con càng to thì độc càng nhiều.

Rắn độc có hai nhóm. Nhóm gây nhiễm độc thần kinh: Hổ chúa, hổ đất, hổ mèo, hổ mang, cạp nong và rắn biển (đẻn). Nhóm làm rối loạn đông máu như rắn chàm quạp, sải cổ đỏ, rắn lục… nếu lượng độc vào cơ thể nhiều sẽ gây chảy máu tại nơi cắn, bướu, răng, dưới da, ở phụ nữ còn có thể bị rong kinh, nặng nữa thì có thể xuất huyết trong não.

Mỗi loại rắn cắn tạo ra vết thương ngoài da và hệ quả khác nhau: rắn lục vết thương nhỏ. Rắn chàm quạp làm cho sưng, nổi bóng nước, xuất huyết trong bóng nước và lở loét. Rắn hổ đất vết cắn chỉ hơi sưng nhẹ nhưng bệnh nhân nhanh chóng bị ức chế thần kinh, suy hô hấp. Rắn hổ mèo cắn bệnh nhân rất đau nhức và chỗ cắn bị hoại tử, nhiều khi phải ghép da.

Khi chưa có huyết thanh điều trị, mỗi ca rắn độc cắn tốn từ vài chục triệu đồng đến 100 triệu đồng. Điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn mỗi ca chỉ vài triệu đồng. Nếu bị rắn hổ mèo cắn, bị hoại tử phải cắt lọc, ghép da và nằm viện 3-4 tháng, chi phí có khi tốn cả trăm triệu đồng.

PGS-TS-BS TRẦN QUANG BÍNH

925 là số người bị rắn cắn điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy năm 2012 (năm 2011, con số này là 883 người). Nếu chữa đúng cách, tỉ lệ tử vong không cao, chỉ từ 1% đến 2%.

Để phòng ngừa, người đi làm ở các vùng có nhiều rắn nên đi ủng cao.

Khi bị rắn cắn, cần sơ cứu làm cho lượng nọc độc không đi nhanh vào cơ thể. Cần trấn an bệnh nhân, rửa vết thương bằng nước sạch, để bệnh nhân nằm bất động, hạn chế đi lại, băng ép nhẹ nhàng sau vết cắn bằng băng thun và nhanh chóng chuyển đến các cơ sở y tế. Lưu ý người không kinh nghiệm thường sơ cứu sai ở chỗ thắt garo quá chặt dẫn đến hoại tử phần thiếu máu. Không nên cắt lể, nặn máu làm cho nọc độc theo máu vào cơ thể nhanh hơn.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm