Bò Kobe… lậu theo nhau vào nhà hàng

Chiều 25-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI (Cục Thú y), khẳng định chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp ở TP.HCM nhập thịt bò từ Nhật Bản. Do vậy, nguồn thịt bò Kobe (xuất xứ từ Nhật Bản) có mặt ở thị trường chắc chắn là lậu, không qua kiểm dịch.

Không chứng nhận nguồn gốc

Sáng 25-12, chúng tôi đến nhà hàng Mặt Trời Đỏ (quận 1, TP.HCM) để tìm hiểu món thịt bò Kobe. Bà Hậu (tổ quản lý) cho biết một đĩa thịt bò Kobe 250 gr giá 40 USD (trên 800.000 đồng). Một phần bò (8-10 miếng) ăn tái cùng hành tây giá 30 USD (hơn 600.000 đồng). Một phần bò cuốn (3-4 cuốn) giá 28 USD (hơn 560.000 đồng)… “Đây là bò Kobe chính gốc Nhật Bản, thơm, ngon nên có nhiều khách dùng” - bà Hậu giới thiệu.

Lấy lý do vừa qua lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản bị nổ, nhiều thực phẩm bị nhiễm phóng xạ, chúng tôi yêu cầu được xem giấy chứng nhận nguồn gốc và giấy kiểm dịch thịt bò Kobe để an tâm khi dùng. Bà Hậu trấn an: “Anh yên tâm, thịt bò Kobe không bị nhiễm phóng xạ đâu. Tất cả khách vào nhà hàng không ai đòi xem giấy tờ gì cả. Nếu anh cần, nhà hàng sẽ yêu cầu Nhật Bản cung cấp những giấy tờ cần thiết”.

Bò Kobe… lậu theo nhau vào nhà hàng ảnh 1

Tại nhà hàng Coca Suki (quận 1, TP.HCM), gần 100 g thịt bò Kobe được bán với giá 868.000 đồng. Ảnh: TRẦN NGỌC. Thịt bò Kobe (ảnh nhỏ).

PV tiếp tục đến nhà hàng Chuồn Chuồn Đỏ (quận 1). Bà Thủy (tổ quản lý) cho biết đang kinh doanh hai loại thịt bò Kobe: Loại một giá 800.000 đồng/100 gr và loại hai giá 490.000 đồng/100 gr. “Loại một là bò Kobe được nuôi tại Nhật, còn loại hai là bò Kobe nhưng được nuôi ở… Úc. Thịt bò loại một được chủ nhà hàng trực tiếp mang từ Nhật Bản về Việt Nam, mỗi lần khoảng 2,5 kg. Còn bò loại hai được nhập từ một công ty có tên tuổi đàng hoàng, đông lạnh thành từng khối” - bà Thủy cho biết.

Nghe PV hỏi giấy tờ chứng minh nguồn gốc và kiểm dịch thịt bò Kobe, bà Thủy thừa nhận bò loại một là hàng xách tay nên không thể có giấy tờ. Còn thịt loại hai được nuôi từ Úc nên chắc chắn không bị… nhiễm xạ. “Nếu anh cần giấy tờ liên quan, tôi sẽ báo với chủ nhà hàng yêu cầu phía Nhật Bản cung cấp. Nhưng tôi không đảm bảo là được hay không ?!” - bà Thủy thoái thác.

Tại nhà hàng Coca Suki (quận 1), bà Trân (tổ quản lý) cho biết mỗi đĩa thịt bò Kobe (gần 100 gr) giá 868.000 đồng. “Cách đây hai năm, khách dùng thịt bò Kobe nhiều lắm. Gần đây có chiều hướng giảm vì giá quá cao” - bà Trân cho biết thêm.

Khi PV đề nghị được xem “mặt mũi” thịt bò Kobe, bà Trân cho rằng do thịt bảo quản lạnh, nếu xắt mỏng sẽ ảnh hưởng chất lượng. PV yêu cầu được xem giấy chứng nhận nguồn gốc và kiểm dịch thịt bò Kobe, bà Trân nói để báo cáo với sếp.

Chưa hề qua cửa kiểm dịch

Ông Nguyễn Xuân Bình khẳng định cho dù thịt bò thuộc dạng cao cấp như Kobe cũng phải kiểm dịch để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, do nhập lậu nên thịt bò Kobe thoát cửa kiểm dịch.

Theo ông Bình, nếu thịt Kobe vào Việt Nam theo dạng xách tay thì chỉ có phi hành đoàn làm được việc này bởi hành khách không được phép mang thịt lên máy bay. “Khi thịt bò Kobe đã lọt vào Việt Nam, cơ quan chức năng có quyền kiểm tra và xử phạt theo quy định nếu không có giấy tờ chứng minh” - ông Bình nhấn mạnh.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP.HCM cho biết sẽ kiểm tra thực trạng kinh doanh thịt bò trong hệ thống nhà hàng và xử phạt theo quy định.

Qua “cửa ải” bằng chứng thư giả!

Trao đổi với báo chí ngày 24-12, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết Cục Thú y chưa hề cấp phép cho đơn vị nào kiểm dịch thịt bò từ Nhật Bản về Việt Nam vì chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào ở Việt Nam nhập thịt bò từ Nhật Bản. Lý do là thiếu văn bản pháp lý giữa hai bên. Các thỏa thuận về điều kiện vệ sinh thú y với các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản và Việt Nam cũng chưa có, vì vậy vẫn chưa đủ điều kiện để tiến hành các thủ tục cấp phép nhập khẩu thịt bò từ nước này. “Trước thực tế thịt bò Kobe đã có mặt ở Việt Nam, trong buổi làm việc với Cục Thú y Nhật Bản, cơ quan này đã cung cấp một số chứng thư của phía Việt Nam gửi cho họ trên danh nghĩa các cơ quan công quyền của Việt Nam. Vì có giấy tờ này nên Cục Thú y Nhật Bản mới đồng ý xuất loại thực phẩm trên. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc của các chứng thư giả này xuất phát từ đâu và ai cấp” - ông Năm nói

Cũng theo ông Năm, do thịt bò Kobe không nhập đường chính ngạch nên có khả năng thịt bị giả mạo để đánh lừa người tiêu dùng. Mặt khác, không loại trừ tình trạng tạm nhập tái xuất để tuồn thịt bò Kobe lậu vào Việt Nam.

Bò Kobe được nuôi ở TP Kobe (Hyogo, Nhật Bản) với quy trình phức tạp. Ngoài được ăn thực phẩm bổ dưỡng như bắp non, lúa mạch, bò còn được uống bia, tắm nước nóng, nghe nhạc thư giãn, xoa bóp bằng rượu sake… Do mỗi năm Nhật Bản chỉ xuất khẩu rất ít thịt bò Kobe nên giá thành rất đắt, mỗi ký khoảng 500 USD (tương đương 10 triệu đồng Việt Nam).

Tại Việt Nam, thời gian qua dư luận từng rất xôn xao với suất bít tết từ thịt bò Kobe gần 2 triệu đồng và tô phở bò Kobe giá nửa triệu đồng. (Theo VNE)

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm