Cải lão hoàn đồng, ước mơ trong tầm tay

Cải lão hoàn đồng, ước mơ trong tầm tay ảnh 1
Nghiên cứu tế bào gốc. Ảnh: AFP
Những tín hiệu khả quan

Phần lớn các nhà chuyên môn khi đề cập đến tương lai của ngành y đều khẳng định đó sẽ là công nghệ tế bào. Tại các cuộc hội thảo y tế quốc tế về tế bào, hàng trăm nhà khoa học tham dự tin tưởng rằng, trong khoảng 5 đến 10 năm nữa, việc tạo ra tế bào gốc theo đơn đặt hàng của người bệnh là chuyện hết sức bình thường. Các tế bào gốc được tạo ra từ công nghệ tế bào sẽ cho phép cải biến các cơ quan nội tạng, làm trẻ hóa chúng và có khả năng chiến thắng các căn bệnh gắn với tuổi già.   

Hai bác sĩ người Mỹ là Robert Goldman, Ronald Klatts, những người nghiên cứu chống lại quá trình lão hóa tuyên bố: Trong vòng 10 năm tới, cuộc sống của con người sẽ có chất lượng nhờ sự phát triển của ngành tế bào. Nhờ thế mà chúng ta có thể chống lại các bệnh tật như nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, ung thư, Parkinson…

Các nhà khoa học chia tế bào ra nhiều loại: Tế bào phôi (sản sinh trong quá trình thụ tinh, sau khi trứng rụng được 5 ngày); tế bào thai nhi, còn gọi là tế bào nhau thai (hình thành từ tuần thứ 9 đến tuần thứ 12 khi người phụ nữ mang bầu) và tế bào của người trưởng thành. Tế bào phôi và tế bào thai nhi do quan điểm về đạo đức học, còn nhiều tranh cãi nên ít được nghiên cứu, áp dụng. Tuy thế tại Mỹ hiện nay, có tới 1.500 ngân hàng thương mại tế bào nhau thai. Người ta khuyên khi cắt rốn đứa trẻ sơ sinh, nên lấy máu ở đó gửi vào các ngân hàng này, coi như nguồn dự trữ dùng cho cả gia đình trong trường hợp bất trắc.

Cải lão hoàn đồng, ước mơ trong tầm tay ảnh 2

Theo đánh giá của các nhà khảo cứu Anh, hiện thế giới có khoảng 700 bệnh viện (hầu hết là tư nhân) chữa trị bệnh bằng tế bào gốc. Trong có có những nước được gọi là thành công là Trung Quốc, Mexico, Nga, Thái Lan, Brazil, Đức…

Doanh thu của mỗi bệnh viện này trung bình vào khoảng 4 triệu USD/năm. Tại Mỹ và Anh luật không cho phép các bệnh viện như thế này hoạt động hợp pháp. Chính vì thế nhiều người bệnh ở 2 quốc gia này đã sang châu Âu, châu Á để chữa trị. Trên thế giới hằng năm có 360 nghìn cuộc phẫu thuật áp dụng tế bào gốc. Nhiều người sẵn sàng chi 30 nghìn USD đến các quốc gia khác chữa trị khi được hứa là bệnh sẽ thuyên giảm. Tuy thế không phải cuộc phẫu thuật nào cũng hiệu quả. Thành công chữa trị tại Đức cho kết quả là 30:30:30. Nghĩa là 1/3 không đem đến kết quả; 1/3 giúp bệnh tình đỡ hơn và 1/3 người bệnh sẽ khỏe mạnh hoàn toàn.

Riêng tế bào của người trưởng thành hiện được nhiều bệnh viện tiên tiến tại châu Âu, châu Á và Mỹ ứng dụng. Một trong những phương pháp được cho là hiệu quả nhất là sử dụng chính tế bào của người bệnh. Chỉ riêng tại Mỹ, hằng năm có đến 50 nghìn người bệnh đồng ý cho sử dụng tế bào của chính mình. Chẳng hạn, từ năm 1998, các bác sĩ tại Trung tâm Y học của Đại học Tổng hợp Bệnh viện Pittsburgh lần đầu tiên lấy tế bào gốc của người bệnh nhồi máu cơ tim để tái tạo các tế bào chữa bệnh. Phương pháp này khá an toàn.

Tại châu Âu, Bệnh viện XCell Center ở thành phố Cologne, Đức, cũng ứng dụng phương pháp chữa trị vừa nêu trên. Bệnh nhân tên là Russel ở Melbourne, Úc, kể cho phóng viên tuần báo Itogi (Nga) rằng, khi tới XCell Center chữa trị bệnh đa xơ cứng, các bác sĩ cảnh báo ngay: Đừng hy vọng chữa trị khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng kết quả sẽ khả quan.

Trước đó, trong vòng 9 năm, bệnh đa xơ cứng tăng dần và Russel phải nghỉ việc, đi lại bằng xe chuyên dụng. Đến với XCell Center, các bác sĩ đã xét nghiệm, lấy tế bào gốc của Russel, tái tạo chúng và tiêm vào phần não bộ phía sau. Tất cả các công đoạn này kéo dài chỉ hơn một ngày, sau đó Russel được ra về. Sau nửa năm Russel tự chống gậy đi lại. Cùng với việc tập luyện thể dục, hiện Russel đã quay trở lại làm việc. Bác sĩ Sanches Golding ở Orlando, Mỹ cho biết, sử dụng tế bào gốc của người bệnh là phương pháp tốt nhất để chữa trị nhiều loại bệnh như huyết áp, bệnh tiểu đường, Alzheimer, Parkinson… Chữa trị các loại bệnh này tại châu Âu chi phí hết trên 8 nghìn USD, còn tại Mỹ có khi lên đến 20 nghìn USD. 

Chờ đợi để… hồi sinh

Song song với hướng chữa trị nêu trên, tại châu Âu hiện còn phát triển phương pháp khác: Hồi sinh các cơ quan nội tạng bị lão hóa hay bị tổn thương. Phương pháp này sử dụng các trích xuất tế bào và nó được nhiều nhà khoa học ủng hộ - chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện La Prairie, Thụy Sĩ, cho biết: Sau khi nghiên cứu kỹ chế độ ăn uống, sức khỏe người bệnh, là bắt đầu có thể trích xuất. Adrian Haynie kể: “Khi chúng tôi trích xuất tế bào từ gan của một con cừu (bao gồm cả tế bào phôi và tế bào thai nhi), sau đó đưa lại vào cơ thể con người. Trong vòng từ 10 - 14 ngày đầu tiên dường như hệ miễn dịch bị suy yếu, nhưng rồi lại tăng lại, cao hơn cả mức sẵn có và kéo dài suốt hai năm. Điều này giống như tạo ra sự xung động được hình thành từ sự hồi sinh”. 

Tại Bệnh viện La Prairie, phóng viên Itogi gặp nữ diễn viên ballet người Nhật Bản là Toku Kitamura. Bà Kitamura hiện 73 tuổi và vẫn thường xuyên biểu diễn. Ít ai biết được cách nay gần 2 năm, Kitamura gặp vấn đề về khớp, nhưng khi đến La Prairie điều trị bà đã hoàn toàn khỏe mạnh. Giờ đây, cứ hai năm một lần bà lại đến Thụy Sĩ để chữa bệnh theo phương pháp hồi sinh.

Chữa trị theo phương pháp hồi sinh không chỉ có ở Thụy Sĩ mà còn có tại Bệnh viện Siegfried Block GmbH ở Munich, Đức. Bệnh viện này có 800 con cừu giống đặc biệt, được nuôi bằng cỏ trên các núi cao ở châu Âu. Các nhà khoa học sẽ trích xuất từ chúng các tế bào cần thiết để sau đó dùng cho việc chữa trị các cơ quan nội tạng của bệnh nhân. Hoặc, phục vụ nhu cầu trẻ hóa của con người. Tại phòng thí nghiệm của Siegfried Block GmbH có tế bào của 85 cơ quan cơ thể con người. Một khóa chữa trị chi phí giao động từ 8 - 9 nghìn USD và phải lặp lại 2 năm một lần. “Hồi sinh” tại Thụy Sĩ có giá đắt hơn. Chẳng hạn, 7 ngày có thể phải chi gần 20 nghìn USD.

Cải lão hoàn đồng, ước mơ trong tầm tay ảnh 3

Bệnh nhân chữa trị tại Đức. Ảnh: AFP

Các nhà chuyên môn cho rằng, bước nhảy vọt của ngành tế bào học sẽ diễn ra khi chúng ta trích xuất được tế bào gốc trong lớp da con người và sau đó nhân nó lên trong phòng thí nghiệm. Vào năm 2008, các nhà khoa học ở Đại học Tổng hợp Wisconsin - Madison, Mỹ đã trích xuất từ da tế bào dạng nhau thai. Robert Lanza, chuyên gia nổi tiếng ngành nhân bản nói: “Phát minh này giống như biến một con heo thành vàng”. Bác sĩ Adrian Haynie tiên đoán: “Trong một vài năm nữa rất có thể các nhà chuyên môn và các bệnh viện sẽ trích xuất thành công tế bào gốc từ da và sau đó giống như sản xuất mỹ phẩm dùng nó để làm làn da tươi trẻ. Không loại trừ các tế bào này còn trẻ hóa các cơ quan nội tạng khác”.

Trích xuất tế bào từ da cho phép tránh các quan điểm về đạo đức học và nếu thành công sẽ có thể sản xuất đại trà, ứng dụng vào chữa trị nhiều căn bệnh hay trẻ hóa các cơ quan nội tạng. Tuy nhiên bác sĩ Adrian Haynie cũng cảnh báo: Sẽ là thiếu trách nhiệm nếu hứa với người bệnh một kết quả kỳ diệu. Tất cả việc nghiên cứu chữa trị mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm. Vẫn có khả năng một số trường hợp còn cho kết quả tồi tệ và chưa thể nói trước điều gì. Theo nhiều chuyên gia, phải từ 15 năm đến 20 năm nữa mới xuất hiện phương pháp trị liệu bằng tế bào gốc an toàn, hiệu quả. Không nên liều lĩnh cuộc sống của mình một cách thái quá. Nên chờ đợi hay không đó mới là vấn đề.

Theo Ngữ Tử Yên (TNTS)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tại sao ăn đủ chất đạm lại quan trọng?

Tại sao ăn đủ chất đạm lại quan trọng?

(PLO)- Chất đạm có vai trò quan trọng từ việc hỗ trợ tiêu hóa đến điều chỉnh lượng đường trong máu trong cơ thể, đó là những lý do tại sao việc ăn protein lại quan trọng.

Đây là 5 lý do khiến bạn luôn thèm đường

Đây là 5 lý do khiến bạn luôn thèm đường

(PLO)- Từ sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, nồng độ Cortisol cao hay sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột đến thiếu ngủ... là một trong năm lý do khiến bạn thèm đường.