Cẩn trọng với bệnh “mùa tựu trường”

Bệnh thường ít được phụ huynh chú ý vì không hiểu nguyên nhân thật sự của chúng.

1. Đau bụng do stress

Mùa tựu trường, một số trẻ hay đau bụng trước giờ đi học dù kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, X-quang và nội soi cho thấy các cơ quan đều bình thường. Bệnh thường gặp ở học sinh cấp một và hai, bị stress ở trường hoặc ở nhà. Trẻ có ít nhất ba cơn đau bụng trong hơn ba tháng, có thể kèm nhức đầu, mệt mỏi. Nguyên nhân của các cơn đau này chính là sự bất ổn tâm lý do “sợ trường lớp, sợ thi cử” mà nên.

Theo thống kê của khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2, vào mùa tựu trường, khoa thường tiếp nhận từ 10 đến 15 trẻ mắc chứng bệnh trên.

2. Rối loạn cảm xúc - lo âu

Bệnh thường xuất hiện ở trẻ bắt đầu vào lớp 1. Trẻ bám mẹ trước giờ đi học, nhõng nhẽo, đòi hỏi đủ thứ nhằm thu hút sự chú ý của cha mẹ và kéo dài thời gian đến trường. Do tâm lý lo lắng và sợ hãi khi phải xa cách người thân, trẻ trở nên cầu kỳ, đòi hỏi quá mức với những sinh hoạt bình thường như mẹ phải đưa đi học, phải uống sữa Vinamilk, phải đi dép màu xanh, phải cột tóc theo kiểu thắt bím (trẻ gái) v.v… Ngoài ra, trẻ có thể có thêm một số triệu chứng khác như nói cà lăm, trầm cảm, hiếu động quá mức, rối loạn cư xử…

Cẩn trọng với bệnh “mùa tựu trường” ảnh 1

Cần đảm bảo rằng trẻ có một thể chất khỏe mạnh và tâm lý ổn định trước khi trẻ nhập học. Ảnh: DUY TÍNH

3. Thiếu ngủ

Hậu quả của việc thiếu ngủ ở trẻ em nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Ngủ là thời gian phục hồi tự nhiên theo định kỳ của cơ thể. Từ tuổi đến trường cho đến lúc trưởng thành, trẻ cần ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày.

Ngày nay, với áp lực học tập căng thẳng, cha mẹ bận rộn phải tranh thủ làm việc đến khuya, giấc ngủ của trẻ ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Sự thiếu ngủ sẽ gây ra những rối loạn về hành vi, khả năng nhận thức, sáng tạo, sự tập trung trong lớp học bị giảm sút. Trẻ thiếu ngủ dù chỉ 1 tiếng mỗi đêm nhưng liên tục cũng ảnh hưởng đến việc học tập.

4. Rối loạn ăn uống

Trẻ ở độ tuổi đến trường rất dễ bị hụt hẫng khi phải xa cách người thân hơn 8 tiếng/ngày, một số trẻ còn phải học bán trú hoặc tiếp tục được gửi đến nhà cô giáo đến tận chiều tối mới được cha mẹ đón về. Trẻ cảm thấy thiếu vắng tình thương và có thể dẫn đến rối loạn ăn uống. Rối loạn này được biểu hiện bằng từ chối ăn, lười ăn, khó ngủ, thu mình lại, không nói chuyện, thụ động hoặc hiếu động quá mức và hung hăng.

Vì vậy, cha mẹ cần nhận biết sớm tình trạng rối loạn qua các dấu hiệu sau: Trẻ đói hay no, thời gian ăn thế nào, nhanh hay chậm, trẻ có biết nhận xét món ăn ngon, dở hoặc yêu cầu được ăn món gì không...

5. Kiểm tra thị lực

Các bậc phụ huynh không cần phải đợi đến khi trẻ nhìn kém hoặc đủ tuổi đến trường mới cho đi kiểm tra thị lực. Những bé dưới năm tuổi cũng cần được khám mắt để phát hiện sớm các biểu hiện cận thị, viễn thị, loạn thị hay tật lác mắt để có biện pháp điều trị kịp thời.

Một số nghiên cứu cho thấy nếu được kiểm tra thị lực từ sáu đến tám lần trong giai đoạn 8-37 tháng tuổi, trẻ sẽ ít bị mắc chứng suy giảm thị lực và có sức nhìn tốt hơn những em chỉ được khám một lần. Trẻ có thể được chụp đồng tử hoặc đo độ khúc xạ ánh sáng để kiểm tra.

Lời khuyên

Khi trẻ có biểu hiện rối loạn sức khỏe đúng vào mùa tựu trường, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để loại trừ các bệnh thể chất. Sau khi được bác sĩ giải thích, cha mẹ nên cương quyết cho trẻ đi học trở lại. Nếu trẻ bị áp lực học tập thì cha mẹ nên trao đổi với con và giúp trẻ học vừa đúng sức mình. Trong trường hợp cần thiết, nếu thấy trẻ cứ ì ạch, không theo kịp chương trình, phụ huynh nên cho trẻ đi kiểm tra chỉ số thông minh ở một cơ sở tâm lý để đánh giá năng lực học tập của trẻ. Phụ huynh cũng nên trao đổi với giáo viên để tránh dùng những biện pháp gây căng thẳng và lo sợ cho trẻ như hù dọa, đánh phạt khi trẻ không hoàn thành kế hoạch học tập ở lớp...

Cuối cùng, nếu tình hình gay go, có thể dẫn trẻ đến bệnh viện (khám lại thị lực, tai nghe…) và các trung tâm tư vấn giáo dục để có lời khuyên cụ thể.

KIỀU THANH HÀ, BV Nhi đồng 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm