Cảnh giác với bệnh tả từ sữa đậu nành bán rong

Theo Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), nắng nóng kết hợp với ăn uống, giải khát... không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân có thể làm bùng phát dịch tả. Trong khi đó, người dân vẫn vô tư ăn uống trên lòng đường, vỉa hè ngay trên các miệng cống hôi hám. Với thói quen sử dụng sữa đậu nành bán rong trên đường phố mỗi ngày, không ít người tiêu dùng đang… đùa với sức khỏe của chính mình.

Nguy cơ tả từ sữa đậu nành bán rong

Tại lề đường Lý Thái Tổ, quận 10, TP.HCM, những hàng bán rong sữa đậu nành đậu san sát. Những xe đậu nành bán rong rất sơ sài và mất vệ sinh với chai lọ để phơi dưới nắng. Sữa đậu nành được vận chuyển đến trong các can nhựa dơ bẩn và những thùng đựng sữa vốn dùng lại từ những thùng đựng sơn xây dựng cũ kỹ và trầy trụa. Nước đá được chặt ngay trên vỉa hè một cách vô tư. Nước rửa ly được dùng đi dùng lại rất dơ bẩn… Và đôi tay của người bán thì chẳng biết đến bao tay vô trùng là gì…

Tuy nhiên, người mua vẫn dừng xe lại trước những dãy hàng bán sữa này để mua và uống ngay trên vỉa hè. Chị Lan, một người tiêu dùng, nói: “Tôi cũng nghe loáng thoáng về dịch tả nhưng mà chắc gì mình đã mắc mà lo, nên cứ uống theo thói quen”.

Một kết quả đã từng được công bố của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm - Sở KHCN TP.HCM cho thấy các loại vi sinh gây bệnh tiêu chảy: Bacillus cereus, Clostrisdium perfringens, Coliforms, E. Coli, nấm men, mốc, TPC - sinh vật hiếm khí đều phát hiện thấy trong mẫu sữa đậu nành ngoài đường phố được kiểm nghiệm.

Số liệu cảnh báo của cơ quan ATVSTP cho thấy: hơn 85% các loại nước giải khát lề đường không đạt tiêu chuẩn, trong đó 90% mẫu sữa đậu nành không nhãn hiệu được khảo sát có chứa vi khuẩn tụ cầu vàng. Tình trạng vệ sinh không bảo đảm tại các nơi sản xuất và cung cấp sữa đậu nành đường phố cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tụ cầu vàng từ nguyên liệu, dụng cụ và tay người chế biến.

Ngoài ra, sữa đậu nành bán rong thường không đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng do được pha loãng và có chứa chất phụ gia gây ung thư. Dụng cụ chứa sữa là các chai nhựa lem luốc, cáu bẩn, không nắp đậy, sữa chưa được đun sôi kỹ có thể gây buồn nôn, đau bụng, đi ngoài...

Nguy hiểm là vậy nhưng mỗi ngày riêng tại TP.HCM vẫn có hàng vạn lít sữa đậu nành không nhãn hiệu được mang đi tiêu thụ tại các quán cơm, quán nước giải khát, các nhà trẻ và rải rác khắp các con đường, trước cổng trường học và vẫn được người tiêu dùng vô tư sử dụng.

Sữa đậu nành tiệt trùng hộp giấy, sự lựa chọn khôn ngoan

Theo PGS-TS-BS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), sữa đậu nành từ rất lâu đã được xem như một loại thức uống kỳ diệu bởi đậu nành giàu đạm và acid amin thiết yếu, nhiều vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6) và vitamin E, giàu các khoáng chất Ca, Fe, Mg, K, Na; và chứa hoạt chất isoflavone có tác dụng rất tốt với phụ nữ, giúp ổn định huyết áp, giảm các khó chịu của thời kỳ tiền mãn kinh và gia tăng hấp thu calcium, ngăn quá trình loãng xương làm giảm nguy cơ gãy xương.

Không chỉ làm giảm cholesterol xấu trong máu, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch mà đậu nành còn có rất ít bột đường nên cũng có lợi cho những bệnh nhân thừa cân, béo phì hay tiểu đường.

Nhiều người tiêu dùng đã sử dụng sữa đậu nành như là một loại thức uống giải khát bổ dưỡng và tốt cho tim mạch. Vào mùa dịch này và để an toàn, tốt nhất là người tiêu dùng sữa đậu nành nên lựa chọn các sản phẩm có ghi rõ nơi sản xuất, có giấy phép kinh doanh rõ ràng.

Sẽ an toàn hơn khi sử dụng các sản phẩm sữa đậu nành đóng trong hộp giấy vì có thương hiệu, được sản xuất theo quy trình khép kín hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Công nghệ tiệt trùng UHT và đóng gói bao bì bằng giấy cao cấp giúp sữa đậu nành tươi ngon trong một thời gian dài mà không cần ướp lạnh hay bất kỳ một chất bảo quản nào. Bản thân người tiêu dùng cũng đã rất quen sử dụng các sản phẩm sữa bò tươi đựng trong hộp giấy tiệt trùng UHT nên hoàn toàn không lạ lẫm gì.

Với sữa đậu nành tiệt trùng trong hộp giấy, người tiêu dùng giờ đây đã có thể an tâm uống sữa đậu nành mỗi ngày mà không phải bận tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hay sự bùng phát trở lại của dịch tả.

ĐÔNG NGHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm