Chớ “nuôi” trẻ bằng màn hình

Chớ “nuôi” trẻ bằng màn hình ảnh 1
Thiết bị số cũng có tác động tích cực đến sự phát triển hành vi thuộc về xúc giác của trẻ, nếu sử dụng điều độ. Ảnh: Brad Lê


Công nghệ cao hại càng cao

BS Phạm Ngọc Thanh, cố vấn khoa tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết có khoảng 40% trẻ 3 – 5 tuổi được đưa đến khám vì lý do chậm nói, nguyên nhân chính là hầu hết trẻ tiếp xúc với truyền hình rất sớm và thời gian xem không giới hạn.

Hầu hết phụ huynh nghĩ rằng truyền hình là phương tiện giúp trẻ dễ ăn, giảm hiếu động và giữ chân trẻ một chỗ cho người lớn làm việc khác, họ không biết rằng tình trạng đó tạo ra “môi trường thiếu giao tiếp bằng lời nói khi trẻ ở giai đoạn bắt đầu thiết lập các kỹ năng, các mối quan hệ xã hội thông qua giao tiếp”, BS Thanh cho biết. Cũng theo BS Thanh, xem những bộ phim không phù hợp lứa tuổi có thể khiến trẻ mắc bệnh rối loạn ám ảnh, sợ hãi nếu gặp những hình ảnh kỳ lạ, ghê sợ. Một số trẻ khác sẽ có hành vi bạo lực như đánh đấm, cắn cha mẹ, anh chị em, bạn bè...

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa nhi bệnh viện Bạch Mai, không chỉ với tivi mà các thiết bị số như máy tính, laptop, iPad... cũng không nên cho trẻ tiếp xúc quá sớm bởi cơ bàn tay trẻ phát triển theo tuổi, tập quen dần với việc cầm nắm từ vật nhỏ đến vật lớn. Khi sử dụng chuột máy tính, các động tác ấn, di trên màn hình rất đơn điệu sẽ làm giảm vận động cơ của trẻ. Hơn nữa, hầu hết trẻ khi ngồi chơi các thiết bị số đều không ngồi thẳng, đúng tư thế mà vặn vẹo đủ kiểu nên nguy cơ cong vẹo cột sống, bị các bệnh tật khúc xạ là rất lớn, “Không chỉ hại mắt trẻ, ảnh hưởng thần kinh, dinh dưỡng như béo phì do ngồi quá nhiều mà còn gây ra những tác động tiêu cực như gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thần kinh…”, BS Dũng nói.

Không quá hai tiếng mỗi ngày

BS Dũng và BS Thanh đều cho rằng phụ huynh không nên cho trẻ xem tivi quá hai giờ đồng hồ/ngày, và không khuyến khích trẻ dưới hai tuổi xem.

Theo BS Thanh, nếu sử dụng đúng cách tivi có thể là một công cụ giúp trẻ phát triển, với điều kiện phụ huynh hiện diện bên cạnh trẻ và trao đổi, giải thích để trẻ hiểu. Tương tự, các thiết bị số cũng có những tác động tích cực đến sự phát triển hành vi thuộc về xúc giác của trẻ. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi nên hay không cho trẻ sử dụng các thiết bị số, nhưng các ý kiến đều đồng quan điểm rằng sự điều độ chính là chìa khoá của vấn đề. Theo đó, thời gian ngồi trước các loại màn hình của trẻ mỗi ngày không nên vượt quá hai tiếng.

 “Khi cho phép trẻ sử dụng các thiết bị số, cha mẹ nên xem trước các ứng dụng để đảm bảo nội dung phù hợp với độ tuổi của trẻ, cố gắng không để việc sử dụng những ứng dụng này thành một thói quen của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên làm gương cho trẻ bằng cách tự giới hạn thời gian xem tivi, sử dụng thiết bị số. Đừng dùng các phương tiện này như phần thưởng hay hình phạt cho trẻ: thưởng thì cho xem nhiều, còn phạt thì cấm không cho xem”, BS Thanh nói.

“Vì chủ quan đã vô tình hại con…”

Sau nhiều ngày điều trị tại khoa nhi bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) với chẩn đoán rối loạn tâm thần do tác động của phim ảnh kinh dị, sức khoẻ bé P.T.H., tám tuổi, ở Ninh Bình đã ổn định, hoạt bát như trước và vừa được xuất viện. Chia sẻ với bác sĩ điều trị, mẹ bệnh nhi cho biết bé H. học giỏi nên không mất nhiều thời gian làm bài tập về nhà. Lúc rảnh, H. được thoải mái xem phim trên truyền hình cáp. Bà rất ân hận vì chủ quan không kiểm soát việc xem tivi của con, thậm chí khi bé kể thấy trống ngực đập thình thịch, người mệt mỏi… bà cũng chủ quan cho rằng do bé đùa nghịch nhiều, mà không hỏi rõ căn nguyên để sớm biết bé đã từng khủng hoảng tinh thần ngay sau khi xem một bộ phim kinh dị.


Theo Minh Vũ – Duy Nhân (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm