Đàn ông ăn nhiều đậu nành sẽ vô sinh?

Đàn ông ăn nhiều đậu nành sẽ vô sinh? ảnh 1
Trước hết cần xác định đậu nành là thực phẩm rất tốt, cung cấp nhiều chất bổ dưỡng và thuộc loại dễ tiêu. Đối với người ăn chay không dùng đạm động vật thì đậu nành là nguồn chủ yếu cung cấp đạm thực vật (chế biến thành đậu hũ, tương chao, nước tương và nhiều món ăn khác). Hiện nay, có một số lời đồn đại về tác dụng không tốt của đậu nành, có thể do người ta phát hiện trong đậu nành có hợp chất phytoestrogen (là chất có tác dụng như hormon sinh dục nữ estrogen, có nguồn gốc thực vật) nên nảy sinh mối lo ngại nam giới dùng nhiều đậu nành sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giới tính, cụ thể là bị giảm khả năng sinh lý. Không những thế, người ta còn đồn rằng bà mẹ đang mang thai nếu ăn đậu nành, khi đẻ con trai, lớn lên đứa bé ấy sẽ vô sinh; hoặc phụ nữ muốn có thai nhưng nếu ăn đậu nành sẽ bị cản trở quá trình thụ thai… Tất cả những lời đồn này chỉ là suy diễn, không có chứng cứ khoa học nào minh định. Thông thường nếu chúng ta ăn uống đa dạng, kiểm soát được các thực phẩm ăn vào thì không có gì để quá lo lắng. Nam giới nếu mỗi ngày uống thêm ly sữa đậu nành, ăn thêm thực phẩm chế biến từ đậu nành bên cạnh các thức ăn, thức uống khác thì lượng phytoestrogen chẳng có nhiều đến độ ảnh hưởng sâu sắc đến “bản lĩnh của đàn ông”. Cũng cần biết rằng, theo quan điểm của đông y: “trong âm có dương, trong dương có âm”, chính trong cơ thể người nam vẫn có hormon sinh dục nữ (ít thôi, cũng như trong người nữ vẫn có một ít hormon sinh dục nam). Hormon sinh dục nữ muốn phát huy tác dụng phải gắn vào thụ thể của hormon này, trong khi đó người nam thì lại có quá ít thụ thể hormon nữ. Tóm lại, nam giới hàng ngày nên ăn uống với các bữa ăn đa dạng và cân bằng dưỡng chất gồm có đạm, đường bột, chất béo, rau cải, trái cây. Riêng chất đạm, nên có cả đạm động vật và đạm thực vật (gồm có nhiều loại đậu, nổi bật là đậu nành), và trong nhiều trường hợp vẫn có thể dùng đạm thực vật nhiều hơn, nhất là những người đã bước vào tuổi trung niên. Theo bảng nhu cầu trung bình được tổ chức FAO đưa ra năm 2005 thì người từ 12 tuổi trở lên, nhu cầu chất đạm là 1g/1kg trọng lượng cơ thể. Theo tính toán của chuyên gia dinh dưỡng, trong 150g đậu nành sẽ cho khoảng 15g chất đạm (protein).

Thành phần dinh dưỡng của đậu nành

Đậu nành còn được gọi là đậu tương hay đỗ tương. Trong hạt đậu nành có các thành phần: protein (40%), lipid (từ 12 – 25%), glucid (từ 10 – 15%), các muối khoáng như canxi, sắt, kali, natri, magiê, sunfat…; các vitamin A, B1, B2, D, E, F…; các enzyme, sáp, nhựa, cellulose…; các acid amin cơ bản như isoleucin, leucin, lysin, valin… Ngoài ra, đậu nành còn được coi là một nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh vì chứa một lượng đáng kể các amino acid không thay thế cần thiết cho cơ thể.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (đại học Y dược TP.HCM)
Theo SGTT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm