Dân văn phòng chớ chủ quan khi đau vai gáy

Chị Thanh, kế toán trưởng một công ty tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, chị bị cơn đau vai gáy cấp lần đầu 2 năm trước. Khi đó chị đau mỏi hết vùng vai gáy, cổ cứng đơ, không thể quay đi quay lại bình thường. Chị Thanh phải nghỉ làm vài ngày và đến một cơ sở khám chữa bệnh gần nhà trị liệu bằng cách dùng dụng cụ kéo giãn vùng cơ cổ. Từ đó đến nay, triệu chứng này tái phát vài lần nữa, nhưng chị Thanh phần bị bận việc, phần vì thấy bệnh dần tự thuyên giảm, nên không đi khám chữa gì.


Gần đây, chị Thanh lại bị đau vai gáy. Công việc cuối năm bận rộn, chị Thanh tặc lưỡi vẫn đi làm bình thường. Nhưng sáng đầu tuần ngủ dậy, chị thấy cổ cứng đơ, vai đau nhức, hai cánh tay cũng bị ảnh hưởng, không thể giơ lên cao hay ngoặt ra sau. "Mình như người máy, cứ đơ đơ, thậm chí không thể tự mặc đồ hay đưa tay ra sau lưng cài nút chiếc áo nhỏ", chị Thanh kể lại. Đi khám, bác sĩ cho biết, chứng đau vai gáy không chữa triệt để, dẫn đến biến chứng khiến chị bị dính khớp ổ bả vai, phải điều trị lâu dài mới hiệu quả.
dauvaigay-5366-1386304745.jpg

Dân văn phòng chớ chủ quan khi đau vai gáy ảnh 1
Bệnh nhân đau vai gáy được xoa bóp bấm huyệt tại cơ sở của lương y Phó Hữu Đức. Ảnh: MT.

Cũng như chị Thanh, anh Dũng, nhân viên kỹ thuật máy tính một công ty dịch vụ trực tuyến ở Cầu Giấy (Hà Nội) phải nghỉ làm mấy ngày nay vì chứng đau vai gáy. Mấy hôm trước, buổi sáng ngủ dậy anh thấy vùng gáy đau mỏi, tới trưa thì cổ đau, cứng đơ khiến anh không thể quay đầu sang bên nữa.

Theo lương y Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch Hội đông y Cầu Giấy (Hà Nội), thời gian gần đây, ông tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị đau cổ, vai gáy, trong đó không ít người vì chủ quan, không chữa dẫn tới bệnh diễn biến nặng, thậm chí dính khớp. Phần lớn bệnh nhân là người thuộc giới văn phòng và thường làm các công việc phải ngồi lâu.

Theo ông Đức, bệnh đau vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ gây ra bởi sự co cứng cục bộ, đột ngột. Đây là nhóm bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai và gáy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau vai gáy, có thể là ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài, nhất là làm việc liên tục với máy tính, sai tư thế khi lái xe, gối đầu, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem TV...

Bệnh cũng có thể do nhiễm lạnh đột ngột, làm khí huyết bị ứ trệ, giảm sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến đau. "Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh như gần đây khiến người mắc bệnh này nhiều hơn. Tuy nhiên, ngay cả vào mùa hè cũng có nhiều người nhiễm lạnh, do thay đổi nhiệt độ đột ngột khi ra, vào phòng có điều hòa", lương y Phó Hữu Đức cho biết.

Theo ông, những người hay nằm nghiêng, co quắp, khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm cũng sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy. Đôi khi có trường hợp chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt. Nhưng đa số bệnh nhân là những người ít vận động, các cơ không được dẻo dai, dễ bị co cứng.

Các biểu hiện của bệnh đau vai gáy thường là đau mỏi vùng cổ gáy khi ngủ dậy, khó quay cổ. Khi bị đau quá mức, các động tác đi lại nhẹ nhàng cũng ảnh hưởng và cũng gây đau. Thông thường thì bệnh tự khỏi, tuy nhiên nếu bị lặp đi lặp lại nhiều lần bạn không nên chủ quan vì có thể bị viêm khớp ổ bả vai, dính khớp. Lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn, gây đau và mất nhiều thời gian hơn.

Lương y Phó Hữu Đức cho biết, với bệnh đau vai gáy, phương pháp châm cứu, bấm huyệt rất hữu hiệu. Tùy mức độ đau của bệnh nhân, thầy thuốc có thể chỉ cần áp dụng cách xoa bóp hay bấm huyệt, châm cứu, cho dùng thuốc hoặc kết hợp các cách này, đồng thời hướng dẫn bài tập để về nhà người bệnh tự tập.

Để tránh mắc bệnh, lương y khuyến cáo, bạn cần chú ý tới việc giữ ấm cơ thể, tránh để bị lạnh đột ngột, nhất là sáng sớm và đêm như điều kiện thời tiết gần đây. Người làm việc văn phòng nên cố gắng dành thời gian đi lại, vận động, tránh ngồi quá lâu. Ngoài ra, cần rèn cho mình thói quen luyện tập thể dục đều đặn bằng các bài tập phù hợp với thể lực và tuổi tác. Khi thấy các dấu hiệu đau vai gáy, đau cứng cổ... cần tìm tới cơ sở y tế có uy tín để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng lâu dài.

Theo Vương Linh (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm