Để tết không phải nằm viện

Mọi người vẫn có thói quen mua trữ nhiều thực phẩm để dùng dần trong suốt mấy ngày tết. Thói quen này có hại cho sức khỏe.

Thịt tươi vẫn ngon hơn

Theo BS Nguyễn Xuân Mai (nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM), các bà nội trợ không nên mua nhiều thịt bỏ vào ngăn đá rồi sử dụng dần trong ba ngày tết. Vì một số vi khuẩn đã nhiễm vào thịt trong quá trình giết mổ. Ở nhiệt độ thấp, những vi khuẩn này không hoạt động nhưng vẫn tồn tại và sẽ chuyển hóa khi có điều kiện thích hợp. Ngoài ra, quá trình đông lạnh và rã đông còn làm 1/3 hàm lượng chất béo bị mất, một số chất gần như biến mất. Tổng các chất có trong thịt giảm 20% cứ sau mỗi lần cấp đông, rã đông.

Cách tốt nhất là chúng ta chỉ nên mua thức ăn đủ dùng trong 1-2 ngày. Thực phẩm ngày tết thường giàu chất dinh dưỡng, dễ phát triển mầm bệnh nếu để lâu. Thêm vào đó, những ngày này ai cũng đi chơi nhiều nên cơ thể giảm sức đề kháng, rất dễ bị vi khuẩn tấn công nếu ăn phải thực phẩm không được chế biến, bảo quản đúng cách.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM), khuyên: “Thức ăn đã nấu chín bảo quản trong điều kiện bình thường chỉ nên dùng trong ngày và mỗi lần ăn phải hâm nóng để diệt khuẩn. Không nên bảo quản thức ăn dài ngày trong tủ lạnh, nếu để trong tủ lạnh phải được đậy kín để tránh nhiễm khuẩn chéo”.

Để tết không phải nằm viện ảnh 1

Lạp xưởng sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dễ gây ngộ độc. Ảnh: TRẦN NGỌC

An tâm... cắn hạt dưa

Tin tức về chuyện hạt dưa có chứa hàm lượng Rhodamine B (chất cấm sử dụng trong thực phẩm vì có nguy cơ gây ung thư) khiến người tiêu dùng lo lắng bởi đây là món không thể thiếu trong mấy ngày xuân. Nhưng theo BS Mai, thời gian qua cơ quan chức năng phát hiện một vài cơ sở có sử dụng Rhodamine B nhưng sản lượng không nhiều. Vả lại, nếu chú ý một chút, người tiêu dùng vẫn có thể hoàn toàn an tâm để… cắn hạt dưa. Màu thực phẩm vốn không có độ tươi, bền màu và bắt mắt như màu công nghiệp. Khi mua, người mua có thể thử bằng cách bỏ hạt dưa vào nước, nếu hạt dưa phai màu thì chắc chắn không có màu công nghiệp.

Đã cẩn thận đủ thứ nhưng lỡ vẫn ngộ độc thì sao? Sau bữa ăn, nếu có dấu hiệu nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… thì nên nghĩ ngay đến ngộ độc thực phẩm, nhất là khi những người cùng ăn cũng có triệu chứng tương tự như bạn. Tuy nhiên, “Không được dùng thuốc chống ói hoặc thuốc cầm tiêu chảy mà nên cố nôn hết thức ăn ra ngoài để tránh bị độc tố phá hủy niêm mạc đường tiêu hóa. Nên giữ mẫu thức ăn nghi gây ngộ độc, giữ mẫu nôn ói hoặc phân tiêu chảy để làm xét nghiệm. Chuyển ngay bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời” - TS Trần Phủ Mạnh Siêu, Trưởng khoa Xét nghiệm, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, nhắc nhở.

Ngộ độc rượu cũng rất dễ gặp trong dịp tết. Người ngộ độc sẽ hôn mê sau bữa nhậu, hơi thở toàn mùi rượu, mạch nhanh, thở nhanh, huyết áp tụt… Bệnh nhân cần được truyền dung dịch đường (glucose) 10%, dung dịch nước muối sinh lý natriclorid 0,9%, hỗ trợ hô hấp…

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, nếu xảy ra ngộ độc tập thể phải báo ngay Sở Y tế hoặc phòng y tế và bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm ở thể nhẹ chỉ cần bồi hoàn nước điện giải là sớm tự phục hồi. Những trường hợp chuyển sang tiêu chảy nhiễm trùng thì phải dùng kháng sinh.

Chưa tết đã bị ngộ độc thực phẩm!

Mới đây, từ ngày 18 đến 21-1, gần 200 người ở huyện Bắc Bình (Bình Thuận) phải vào bệnh viện cấp cứu với các triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu, sốt cao… do ăn bánh mì patê. Đây được xem là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đầu tiên trên cả nước xảy ra trong những ngày cận tết Nguyên đán 2010. Nguyên nhân ngộ độc sau đó được xác định bánh mì, patê bị nhiễm độc tố Staphylococcol Enterotoxin và Bacillus Diarrhoeal Enterotoxin.

Cách đây một năm, TP.HCM cũng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể dịp cận tết ở quận 7. Sau khi ăn gỏi bồn bồn trộn tôm, thịt… tại một nhà hàng, cả 25 người đều có biểu hiện đau bụng, chóng mặt, nôn mửa. Kết quả xét nghiệm cho thấy gỏi bồn bồn bị nhiễm E. Coli.

Tiến sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Trưởng khoa Xét nghiệm, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết hầu hết thức ăn ngày tết gồm bánh, mứt, kẹo, thịt kho, bánh chưng, patê, đồ hộp… đều ẩn chứa nguy cơ gây ngộ độc nếu chế biến và bảo quản không đúng cách.

Những loại bánh, mứt… không rõ nguồn gốc thường chứa các chất bảo quản, chất tạo ngọt, chất tăng độ dai, giòn, chất tạo màu độc hại. Các món ăn từ thịt, thực phẩm chế biến sẵn như lạp xưởng, thịt hun khói chứa nhiều chất hữu cơ gốc nitrate gây ung thư. Thức ăn từ đồ hộp nếu quá hạn sử dụng sẽ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum, tiết ra độc tố gây liệt thần kinh cơ. Những món ăn nấu nướng không hợp vệ sinh hoặc bảo quản không đúng cách sau khi chế biến cũng sẽ gây ngộ độc do nhiễm khuẩn.

TRẦN NGỌC

. Ngày tết không nên sử dụng đồ hộp, nhất là được chế biến từ thịt?

+ Sai. Đồ hộp cũng là thực phẩm, sử dụng bình thường. Tuy nhiên, đồ hộp chỉ có mùi vị tổng quát, ngon ở mức trung bình. Tết là dịp đoàn tụ gia đình, nên dùng thực phẩm vừa tươi ngon, vừa đầy đủ chất dinh dưỡng.

. Không nên sử dụng trái cây ở mâm ngũ quả vì bị hư hoặc héo?

+ Đúng. Trái cây ở mâm ngũ quả đều là quả xanh. Do để lâu trái cây bị mất nước, bị xâm nhiễm nấm mốc, ít nhiều ảnh hưởng sức khỏe khi ăn vào.

. Bị đau bụng, sình hơi do ăn nhiều thì chỉ nên mua thuốc về uống?

+ Sai. Tất cả trường hợp ảnh hưởng sức khỏe đều nên đến bác sĩ để được tư vấn thích hợp.

. Cấp cứu ngộ độc thực phẩm bằng cách uống sữa tươi rồi nôn hết thức ăn?

+ Sai. Xử lý ngộ độc bằng sữa rồi nôn hết thức ăn chỉ có tác dụng trong vài trường hợp.

TRẦN NGỌC - YÊN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm