Điều trị tiểu đường: Liệu pháp hiện hành không sai

PGS-Ts Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM: Bài viết này cường điệu hóa và gây hiểu lầm cho bệnh nhân. Đọc bài báo này, mọi người có cảm nhận rằng hiện nay điều trị tiểu đường không cần giảm huyết áp, cholesterol, kiểm soát đường huyết, thậm chí điều đó còn hại. Thật ra các biện pháp này từ trước đến nay người ta vẫn làm, cho đến nay vẫn chứng minh là tốt. Chỉ có một số chiến lược làm thế nào để giảm huyết áp tốt hơn một chút thôi.

(Cùng quan điểm này, bác sĩ Hồ Hải đã có bài viết trên báo Pháp Luật TP.HCM phản biện, cho rằng kinh điển hướng dẫn điều trị tiểu đường xưa nay chỉ định hạ huyết áp xuống dưới 140 mmHg, sau đó có ý kiến điều trị tích cực hạ huyết áp xuống thấp hơn. Kết quả nghiên cứu của ACCORD Study Group chỉ khẳng định hạ huyết áp thấp dưới 120 mmHg không tốt hơn 140 mmHg chứ không phủ định việc cần thiết hạ huyết áp.

Bàn thêm về chuẩn huyết áp, TS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng theo kết quả của nghiên cứu thì điều trị hạ huyết áp dưới 120 mmHg không có ích. Nhưng điều đó không có nghĩa là phương án hạ huyết áp dưới 140 mmHg là có ích. Tuy nhiên, nếu tạm thời chấp nhận giảm huyết áp dưới 140 mmHg thì kết quả của ACCORD gợi ý định hướng đó.

Điều trị tiểu đường: Liệu pháp hiện hành không sai ảnh 1

Chú trọng chế độ ăn uống và luyện tập thể dục là một trong những liệu pháp kiểm soát tiểu đường. Ảnh minh họa: HTD

Về kết quả nghiên cứu thứ hai của ACCORD Study Group, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng kết quả trên một lần nữa chất vấn giả thuyết về mối liên hệ giữa mỡ LDL và bệnh tim mạch hay tử vong. Như nói trên, nếu mối liên hệ giữa mỡ LDL và tim mạch là mối liên hệ nhân quả (causal relationship) thì nhóm bệnh nhân giảm mỡ LDL càng thấp phải có nguy cơ tử vong thấp hơn nhóm giảm mỡ LDL trung bình. Nhưng trong thực tế thì ngược lại: Giảm mỡ LDL có khi còn làm tăng nguy cơ tử vong!  Bác sĩ Hồ Hải cho rằng kết quả này cũng chỉ khẳng định việc đa trị liệu chuyển hóa nhiễm mỡ không hiệu quả cao hơn đơn trị liệu chứ không hề phủ nhận việc giảm hàm luợng mỡ xấu của người bị tiểu đường).

PGS-TS  Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam:

Cho đến năm 2010, các hiệp hội đái tháo đường trên thế giới đều chọn mục tiêu điều trị cho bệnh đái tháo đường là HBA1c < 6,5%-7%, huyết áp dưới 130/80 mmHg, bộ mỡ gồm LDL cholesterol <70-100 mg dL (tùy tình trạng tim mạch của bệnh nhân), HDL cholesterol trên 40-45 mg/dL đối với nam và 50 mg/dL đối với nữ, triglyceride <150 mg/dL.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng ở bệnh nhân đái tháo đường loại 2 đã có nguy cơ tim mạch, đưa đường huyết, huyết áp, mỡ máu về bình thường thì có thể có lợi hơn cho bệnh nhân. Vì vậy, nghiên cứu ACCORD được thực hiện để trả lời câu hỏi: Trên bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ tim mạch cao, nếu đưa HBA1c xuống dưới 6% so với điều trị kinh điển 7%-7,9%, đưa huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg so với huyết áp tâm thu dưới 140 mmHg, ở bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị bằng statin nếu thêm fenofibrate thì có giảm biến cố về tim mạch và các tử vong liên quan đến tim mạch hay không?

Kết quả cho thấy trên bệnh nhân đái tháo đường loại 2 có nguy cơ cao về tim mạch và bị đái tháo đường đã lâu ngày mà điều trị quá tích cực sẽ không có lợi mà đôi khi còn có hại. Do đó, hiện nay người ta vẫn duy trì các mục tiêu điều trị đã được trình bày ở phần đầu.

PGS-TS Nguyễn Đỗ Dũng:

Những nghiên cứu của ACCORD cho thấy việc hạ huyết áp dưới 120 mmHg không hại, tuy nhiên cũng không có lợi như mong muốn, không có lợi hơn so với giảm huyết áp xuống dưới 140 mmHg. Dùng đa trị liệu không có lợi hơn so với đơn trị liệu. Vì vậy, không thể nói các liệu pháp điều trị hiện hành là có hại như bài báo đã nêu. Phương pháp điều trị hiện nay vẫn là giảm đường huyết, hạ huyết áp, giảm lipid máu, tăng cường vận động đều không thay đổi.

Do bản chất đa dạng của bệnh đái tháo đường loại 2, việc lựa chọn kế hoạch điều trị sẽ thay đổi tùy từng bệnh nhân và giai đoạn bệnh, bác sĩ cần hỏi và khám kỹ bệnh nhân để có quyết định phù hợp nhất. Nếu bệnh nhân trẻ mới phát hiện bệnh và chưa có biến chứng thì nên điều trị tích cực, giảm sự xuất hiện của các biến chứng về sau. Ở bệnh nhân đã bị bệnh lâu ngày và có nhiều nguy cơ về tim mạch thì nên chọn mục tiêu điều trị tùy theo tình trạng bệnh của bệnh nhân. Điều quan trọng là luôn luôn phải chú trọng đến chế dộ ăn uống và luyện tập thể dục, tầm soát các biến chứng và điều trị nhắm vào đầy đủ các mục tiêu có liên quan đến bệnh đái tháo đường (ổn định đường huyết, ổn định huyết áp và ổn định mỡ máu, giảm cân nếu béo phì).

DUY TÍNH ghi

Chỉ có thể nói: Điều trị tích cực không có lợi

Vừa qua, một bài báo tựa đề Điều trị tiểu đường: Thất bại của ba liệu pháp hiện hành đưa nội dung rất sốc: “Một loạt nghiên cứu mới công bố hôm 14-3 cho thấy chiến lược điều trị bệnh tiểu đường phổ biến ở Mỹ hiện nay có thể gây tác hại cho bệnh nhân. Đó là ba chiến lược điều trị để giảm nguy cơ đột quỵ và tử vong, gồm: giảm huyết áp, giảm hàm lượng LDL (loại cholesterol xấu) và kiểm soát hàm lượng đường trong máu sau bữa ăn”...

Các nghiên cứu được dẫn trong bài viết gồm: nghiên cứu của ACCORD Study Group so sánh việc kiểm soát huyết áp mạnh, hạ huyết áp xuống 120 mmHg và chỉ hạ huyết áp tâm thu xuống dưới 135-140 mmHg ở những bệnh nhân tiểu đường loại 2 có nguy cơ bệnh tim mạch để xem tỉ lệ biến chứng tim mạch của hai nhóm như thế nào. Một nghiên cứu khác cũng của ACCORD Study Group so sánh giữa đa trị lịêu (uống phối hợp hai loại thuốc) chuyển hóa nhiễm mỡ với đơn trị liệu chuyển hóa nhiễm mỡ với những người tiểu đường loại 2.

Sau khi báo đăng, giới chuyên môn có nhiều ý kiến băn khoăn, nhiều người bệnh tiểu đường hoang mang phải chăng trước nay đã tiền mất tật mang. Báo Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu hai bài viết về vấn đề này. Sau đây chúng tôi chốt lại các vấn đề chính và ý kiến của những chuyên gia đầu ngành nội tiết Việt Nam về vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm