Hiểm họa nhiễm khuẩn não mô cầu

Từ ngày 22 đến 31-12, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận hai bệnh nhân là ĐTCG (25 tuổi) và PVC (30 tuổi) đều là công nhân một công ty ở KCX Tân Thuận, quận 7 bị nhiễm trùng huyết do vi khuẩn não mô cầu nhóm C (Neisseria meningitidis). Hiện bệnh nhân G. đã xuất viện.

Năm ca bệnh cùng công ty

Ngày 9-1, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết trung tâm đã đến nơi làm việc và nơi ở của hai bệnh nhân trên kiểm tra, giám sát.

Tại nơi ở của hai bệnh nhân, ghi nhận sáu trường hợp đang có biểu hiện sốt hoặc đau họng, gồm em của bệnh nhân G., vợ của bệnh nhân C. và bốn người sống cùng nhà trọ với bệnh nhân G. Lấy mẫu xét nghiệm, kết quả ngày 5-1 cho thấy không bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu.

Tại nơi làm việc của hai bệnh nhân ghi nhận 14 trường hợp có biểu hiện sốt và đau họng. Kết quả xét nghiệm có 3/14 mẫu dương tính. Các trường hợp xét nghiệm dương tính lại không làm cùng bộ phận với hai bệnh nhân trên.

Hiểm họa nhiễm khuẩn não mô cầu ảnh 1

Hiện nay, người lớn và trẻ em có thể tiêm ngừa vi khuẩn não mô cầu. Ảnh: HTD

Theo TS Siêu, Trung tâm Y tế dự phòng đã cấp kháng sinh dự phòng cho 21 người có triệu chứng. Lập danh sách tất cả người sống trong khu nhà trọ có bệnh nhân và danh sách công nhân, nhân viên toàn công ty để tiến hành điều trị dự phòng.

Môi trường đông người rất dễ lây

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, bệnh lây qua đường hô hấp, ở thể nặng, vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể, đi vào trong máu gây nên tình trạng nhiễm trùng huyết dẫn đến sốc nhiễm trùng, tụt huyết áp và tử vong.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, cho biết thêm, ở thể nhẹ hơn, vi khuẩn não mô cầu đi vào máu (không gây nhiễm trùng), màng não gây viêm màng não (gọi là viêm não mô cầu). Bệnh phát rất nhanh, chỉ trong vòng một ngày. Triệu chứng sốt cao, nhức đầu, ói mửa. Sau đó da nổi những vết thâm tím - tử ban. Điều trị bệnh này không khó, chỉ sử dụng kháng sinh nhưng phải chống sốc tích cực. Trường hợp sốc nặng, không cấp cứu kịp thời, chỉ trong vòng 4-6 giờ, toàn thân bệnh nhân sẽ xuất hiện tử ban, gây suy tuyến thượng thận cấp tính và tử vong. Ở thể này, khả năng tử vong đến 50%-60%.

“Vi khuẩn ở trong cổ họng người bệnh nhẹ sẽ lây lan cho người khác qua đường hô hấp, đặc biệt trong môi trường đông người như khu công nghiệp, trường nội trú, hồ bơi. Bệnh xảy ra quanh năm. Bệnh có thể phòng ngừa bằng cách phát hiện sớm ca đầu tiên và cho người xung quanh uống một viên kháng sinh phòng ngừa, ngay cả nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân cũng phải uống thuốc này. Bệnh cũng có thể tiêm ngừa bằng vaccine” - BS Khanh nói.

Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 đã hướng dẫn công ty, chủ nhà trọ, người dân khu vực các bệnh nhân ở biện pháp vệ sinh cá nhân phòng bệnh, khử khuẩn Chloramin B 25% (được phát miễn phí). Yêu cầu công ty thông báo tình hình bệnh đang xảy ra cho công nhân biết, hướng dẫn vệ sinh cá nhân phòng các bệnh lây lan qua đường hô hấp.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng yêu cầu chủ nhà trọ theo dõi, nếu phát hiện người ở trọ có triệu chứng sốt hoặc đau họng thì hướng dẫn đến khám tại BV quận 7, đồng thời báo ngay cho khoa Kiểm soát dịch bệnh - Trung tâm Y tế dự phòng quận 7.

Các nhóm vi khuẩn não mô cầu thường gặp là A, B, C, Y, W-135, trong đó ở Việt Nam thường gặp A, B, C.

Hiện tại Việt Nam chỉ có vaccine ngừa vi khuẩn não mô cầu dành cho trẻ 2-3 tuổi trở lên, chỉ tiêm một mũi duy nhất. Người lớn cũng có thể tiêm loại vaccine này. Loại vaccine này không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

TÙNG SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm