Kawasaki: Kẻ đội lốt nguy hiểm

Bé trai N.A.T (3 tuổi, quận 5, TP.HCM) bị sốt suốt một tuần liền, kèm theo nổi mẩn đỏ khắp người. Mẹ bé cứ tưởng con bị sốt phát ban thông thường nên để ở nhà chờ cho bệnh tự khỏi. Nhưng đến ngày thứ 10 bé vẫn sốt mặc dù mẹ đã cho bé uống thuốc hạ sốt. Khi bà nội phát hiện mắt bé đỏ bất thường, cả môi và lưỡi đỏ như trái dâu tây và lòng bàn tay, bàn chân sưng rộp, cả nhà mới tá hỏa đưa bé đi cấp cứu. Kết quả, bé bị viêm mạch máu cấp tính do bệnh Kawasaki gây ra.

Ngoài những triệu chứng trên, bé M. (Đồng Nai) còn bị bong tróc da ở đầu ngón tay, ngón chân và nổi hạch ở cổ. Do nhập viện trễ, bé M. đã chết ở tuần thứ tư của bệnh sau cơn nhồi máu cơ tim do giãn mạch vành (mạch máu nuôi tim).

Theo các bác sĩ, bệnh Kawasaki có thể gây ra nhiều biến chứng như suy thận, tắc ruột, sưng túi mật… Tuy nhiên, biến chứng viêm mạch vành gây suy tim là nguy hiểm nhất, dễ gây tử vong nhất.

Kawasaki: Kẻ đội lốt nguy hiểm ảnh 1

Mắt đỏ, khô, có thể xuất huyết.

TS-BS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch - BV Nhi đồng 1, cho biết cứ bốn trẻ thì có một trẻ bị biến chứng ở tim. Sốt cao, da xuất hiện nhiều vết đỏ là hai triệu chứng khiến nhiều phụ huynh hay nhầm giữa sốt phát ban và Kawasaki. Tuy nhiên cũng không quá khó để phân biệt. Thứ nhất, ở sốt phát ban, khi đã phát ban thì sẽ không còn sốt, còn với bệnh Kawasaki dù đã phát ban trẻ vẫn sốt. Thứ hai, thuốc hạ sốt có tác dụng với sốt phát ban, còn trẻ bị Kawasaki thì có uống cách gì cũng không hạ được sốt. Ngoài ra, trẻ còn bị môi đỏ, lưỡi đỏ như trái dâu và có hạch ở dưới cổ mà ở trẻ bị sốt phát ban không có.

Bệnh thường xảy ra vào mùa đông, thường gặp ở trẻ dưới năm tuổi và nhiều nhất ở trẻ 1-3 tuổi. Đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh nên chưa biết cách phòng ngừa và cũng chưa có thuốc đặc trị. Các bác sĩ chỉ có thể tiêm thuốc Gamma Globulin để ngăn chặn biến chứng giãn mạch vành. Song, thuốc cũng chỉ phát huy hiệu quả tối đa khi trẻ được phát hiện sớm và tiêm thuốc trước ngày thứ 10 kể từ ngày phát bệnh. Chính vì vậy, khi thấy trẻ sốt trên năm ngày kèm theo những dấu hiệu phân tích ở trên, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được điều trị và ngăn chặn kịp thời những biến chứng lên tim.

- Nếu đưa đến sau 10 ngày kể từ ngày phát bệnh thì điều trị sẽ không có hiệu quả?

- Chưa đúng. Tùy cơ địa mà trẻ đáp ứng tốt với thuốc hay không. Có trẻ đưa đến sau 15 ngày phát bệnh vẫn đáp ứng tốt với thuốc, hoặc có trẻ chẳng cần tiêm thuốc vẫn phục hồi tốt. Tuy nhiên, 10 ngày vẫn là thời gian vàng để ngăn chặn biến chứng lên tim.

- Bệnh này chỉ phổ biến ở Nhật?

- Sai. Kawasaki là một bệnh viêm mạch máu cấp tính, được bác sĩ Tomisaku Kawasaki phát hiện đầu tiên năm 1967, thường gặp ở các nước châu Á. Khoảng 10 năm trở lại đây, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Riêng BV Nhi đồng 1 TP.HCM mỗi năm tiếp nhận 80-100 ca.

Kawasaki: Kẻ đội lốt nguy hiểm ảnh 2

Môi đỏ, khô và nứt nẻ, có thể chảy máu.

. Nếu đã lỡ cho trẻ uống thuốc trị sốt trước đó thì tiêm Gamma Globulin không có tác dụng?

+ Sai. Không có tương tác gì giữa hai loại thuốc trên. Chỉ có điều là ở bệnh này, nếu có dùng thuốc hạ sốt thì cũng không cách nào hạ được sốt.

. Trẻ trên năm tuổi sẽ không mắc bệnh này?

+ Sai. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới năm tuổi, điều đó không có nghĩa là trẻ trên năm tuổi không mắc phải. Trong đó, người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh này nhưng ít gặp hơn.

YÊN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm