Khẩu trang cũng không “xi nhê”

Chị Nguyễn Thanh Mận, một người đi đường hứng luồng khói đen trên, than thở.

Các kết quả khảo sát cho thấy ô nhiễm không khí ở các đô thị như TP.HCM chủ yếu do hoạt động giao thông vận tải gây ra chiếm đến 80%.

Xe xả thải mù mịt

Một buổi sáng đầu tháng 12, dòng xe chen chúc trên đường Lý Thường Kiệt (quận 11, TP.HCM) dồn lại trước đèn đỏ tại ngã tư giao cắt với đường Tô Hiến Thành. Cả trăm xe gắn máy, ôtô các loại chen chúc và... xả khói. Trong không gian ngột ngạt với khói bụi đó, một chiếc xe gắn máy “nổi trội” nhất khi phụt khói đen kịt. 

Khẩu trang cũng không “xi nhê” ảnh 1

Hiện chưa có quy định kiểm tra nên nhiều xe gắn máy vẫn vô tư nhả khói mù mịt. Ảnh: MP

Cảnh này dễ dàng bắt gặp ở hầu khắp các tuyến đường trên địa bàn thành phố, nhất là tại các ngã ba, ngã tư. Một CSGT điều tiết tại ngã tư Bạch Đằng-Đinh Bộ Lĩnh cũng phàn nàn trước lượng khói xe thải không thể chịu nổi. Nhưng do tính chất công việc, anh và các đồng nghiệp phải thường xuyên có mặt trên đường, túc trực ở những điểm nóng về giao thông (cũng đồng nghĩa với lượng khói càng cao) trong điều kiện không có khẩu trang bảo hộ.

Ô nhiễm toàn tập

Kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cho thấy có đến 90% giá trị quan trắc về không khí vượt mức cho phép nhiều lần, cá biệt như khu vực ngã tư An Sương: 100% giá trị quan trắc vượt mức cho phép đến 5,6 lần. Trên các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ, ngã sáu Gò Vấp luôn có chỉ số ô nhiễm cao nhất. Nồng độ chì và NO2 tăng 1-2,2 lần so với cùng kỳ năm 2008.

Điều này được giải thích là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên những tuyến đường này quá đông, chất lượng đường sá kém, kẹt xe lại liên tục xảy ra.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hàng đầu tại TP là từ hoạt động sản xuất công nghiệp và từ hoạt động của các loại phương tiện giao thông. Dù thải không nhiều bằng các nhà máy, xí nghiệp nhưng khí thải phát sinh từ bốn triệu chiếc xe gắn máy và 500 ngàn ôtô ở TP lại ở tầm thấp. Đây là tác nhân ảnh hưởng xấu nhất đến sức khỏe người dân.

Thả nổi nguồn gây ô nhiễm

Hiện nay nguồn thải từ xe gắn máy đang được thả nổi hoàn toàn. “Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy tham gia lưu thông tại các thành phố lớn chưa được thông qua nên những loại xe gắn máy “chở theo ống khói” vẫn tự do lưu thông. Hiện chưa có biện pháp kiểm tra và chế tài đối với các xe gắn máy xả khói” - một lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nói.

Khẩu trang cũng không “xi nhê” ảnh 2

Tất cả ôtô trên cả nước đều phải kiểm tra khí thải nhưng chưa có quy định bảo dưỡng giữa kỳ kiểm định. Ảnh: MP

Còn với ôtô, từ đầu tháng 7-2006 đã buộc kiểm tra khí thải đối với các xe mang biển số tại năm TP (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ). Từ đầu tháng 7-2008, tất cả ôtô trên cả nước đều phải kiểm tra khí thải. Tuy nhiên, hiện chưa buộc bảo dưỡng giữa kỳ kiểm định nên chủ xe chỉ quan tâm đến khói xe tại thời điểm kiểm định. Mặc dù cơ quan đăng kiểm có phối hợp với CSGT kiểm tra khí thải đối với một số xe nhưng chỉ làm theo chiến dịch nên hiệu quả rất hạn chế.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, việc vận chuyển vật liệu, hoạt động từ các công trình xây dựng, sửa chữa nhà cửa và hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ cũng góp phần làm ô nhiễm không khí gia tăng. “Ô nhiễm không khí tăng và số ca mắc bệnh về hô hấp ở TP.HCM có quan hệ khá rõ. Tuy vậy, các nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí chưa được kiểm soát chặt dẫn đến số lượng nguồn thải gây ô nhiễm không khí tăng lên không ngừng” - đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhận định.

Xăng pha chì vẫn đang “tung hoành”?

Theo số liệu quan trắc, nồng độ benzen (chất hữu cơ bay hơi, là một loại chất độc có khả năng gây ung thư) gần đây trong không khí tăng rất cao, có đến 77% mẫu quan trắc vượt mức cho phép.

Quy định cấm sử dụng xăng pha chì đã có từ nhiều năm nay. Nhưng trước chỉ số nồng độ benzen trong không khí tăng cao, Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cho rằng có khả năng xăng kém chất lượng, xăng pha chì vẫn đang được sử dụng. Cơ quan này đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng xăng trên thị trường, tránh hiện tượng bán xăng kém chất lượng, góp phần làm tăng ô nhiễm không khí.

Theo công bố của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhân ngày Khí tượng thế giới vào tháng 3-2009, mỗi năm trên thế giới có hai triệu người chết do ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng làm tuổi thọ có thể giảm 4-36 tháng.

KIỀU PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm