Làm gì khi tài trợ phòng, chống HIV giảm?

. Phóng viên:Sau năm 2012 các nguồn hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam sẽ giảm dần. Theo ông, chính phủ Việt Nam phải làm gì để huy động nguồn lực phòng, chống HIV?

Làm gì khi tài trợ phòng, chống HIV giảm? ảnh 1
+ Ông Eamonn Murphy - Giám đốc Quốc gia của Chương trình phối hợp Liên Hiệp Quốc (LHQ) về HIV/AIDS (UNAIDS)(ảnh): Báo cáo mới công bố của UNAIDS cho thấy ngày càng có nhiều nước tăng đầu tư trong nước cho HIV. Trên toàn thế giới có 81 nước đã tăng hơn gấp đôi đầu tư trong nước cho phòng, chống AIDS trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2011.

Ở Việt Nam, các nguồn tài trợ quốc tế đã chiếm 72,5% trên tổng kinh phí của các năm 2008-2010. Một số nhà tài trợ chính cho HIV đang có kế hoạch rút khỏi Việt Nam. Chương trình Cứu trợ khẩn cấp về phòng, chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) - nhà tài trợ lớn nhất cho HIV ở Việt Nam - đã tuyên bố giảm tài trợ năm 2012 và dự kiến tiếp tục giảm ở mức 10%-15% hằng năm.

Để duy trì các thành tựu đã đạt được, Việt Nam cần tăng đều hằng năm với mức cao hơn nữa ngân sách Nhà nước dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam cũng cần huy động các nguồn lực khác trong nước. LHQ cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng các mô hình củng cố bảo hiểm y tế quốc gia, xây dựng các dịch vụ bảo trợ xã hội đối với các nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, những người lớn và trẻ em sống với HIV và gia đình của họ.

LHQ cũng sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực huy động tài trợ nước ngoài của Việt Nam trong quá trình tự chủ hơn về nguồn ngân sách ứng phó với HIV. Suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến tài trợ cho HIV trên toàn cầu, cạnh tranh để giành lấy các nguồn tài trợ quốc tế đã trở nên quyết liệt hơn. Điều tốt nhất Việt Nam có thể làm là sử dụng một cách khôn ngoan các nguồn tài trợ nước ngoài đã cam kết và chứng tỏ rằng các đề xuất xin tài trợ mới và các chương trình phòng, chống HIV là những hoạt động hiệu quả, nhằm vào các nhóm có nhu cầu cấp bách nhất.

Làm gì khi tài trợ phòng, chống HIV giảm? ảnh 2

Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2015 chỉ còn dưới 5% trẻ bất hạnh như thế này. Trong ảnh: Những trẻ em lây nhiễm HIV từ mẹ được nuôi dưỡng, điều trị tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Linh Xuân. Ảnh: T.MẬN

Việt Nam cũng cần ưu tiên kinh phí cho các tỉnh, thành có số người hiện nhiễm HIV cao; lồng ghép các dịch vụ về HIV vào hệ thống y tế công cộng để duy trì bền vững ứng phó với HIV. Kết hợp hài hòa các chương trình có đầu tư nước ngoài và chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tối ưu hóa nguồn lực.

Lường trước những khó khăn

. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới thí điểm phương pháp điều trị 2.0, xin ông cho đánh giá hiệu quả của chương trình và đưa ra những khuyến cáo cần thiết?

+ Điều trị 2.0 là một sáng kiến chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNAIDS, bao gồm phác đồ thuốc tối ưu cho những người sống với HIV, các công cụ chẩn đoán rẻ và dịch vụ với chi phí thấp.

Với 2.0, người nhiễm HIV sẽ được điều trị sớm hơn, sức khỏe của người bệnh sẽ được cải thiện, từ đó họ có thể lao động và chăm sóc gia đình, giảm bớt nguy cơ lây truyền HIV.

Để duy trì 2.0 và nhân rộng mô hình thí điểm này, Việt Nam sẽ phải lường trước nhiều khó khăn, đặc biệt là những khó khăn trong việc cung ứng thuốc kháng virus (thuốc điều trị HIV). Hiện các nguồn tài trợ quốc tế cung cấp hơn 50% chi phí. Từ nay đến 2015, các nguồn tài trợ giảm dần, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch để đảm bảo duy trì và tiếp tục mở rộng chương trình điều trị này.

Cần can thiệp sớm trên phụ nữ mang thai

. Ông đánh giá thế nào về chương trình phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở Việt Nam?

+ Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hướng tới thực hiện mục tiêu loại trừ ca nhiễm mới HIV ở trẻ em. Trong đó có mục tiêu đến năm 2015 giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5%. Tôi tin rằng Việt Nam rất có khả năng giảm thiểu các ca nhiễm HIV mới trong trẻ sơ sinh và bệnh giang mai bẩm sinh.

Tuy vậy, để đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2015, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em và các dịch vụ về HIV.

Các phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV cao và các phụ nữ sắp làm mẹ cần được tiếp cận các thông tin và các dịch vụ HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phải tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai càng sớm càng tốt trong thời kỳ mang thai để đảm bảo được hiệu quả của các biện pháp can thiệp.

. Xin cảm ơn ông.

Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 19 đang diễn ra tại Washington DC (Mỹ) quy tụ hơn 20.000 người trên toàn thế giới. Hội nghị sẽ kêu gọi tăng tốc độ điều trị và nguồn tài trợ cho cuộc chiến chống AIDS. Từ năm 1980 đến nay, AIDS đã cướp đi mạng sống của 30 triệu người. Dù thế giới đã rất nỗ lực nhưng hiện nay vẫn còn 34 triệu người nhiễm HIV.

Hội nghị là dịp để nhìn lại xem chúng ta đang ở đâu trong ứng phó với AIDS, đánh giá những tiến bộ khoa học trong thời gian gần đây, chia sẻ các bài học kinh nghiệm, thảo luận các vấn đề đang được quan tâm và cùng nhau xây dựng lộ trình Tiến tới thực hiện ba không (không còn người nhiễm mới HIV, không còn phân biệt đối xử, không còn người tử vong do AIDS) và loại trừ AIDS.

THANH MẬN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm