Mất trí nhớ nghiêm trọng không thua HIV/AIDS

Tham gia gồm bộ trưởng Y tế các nước G8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các chuyên gia y tế, nhà khoa học, lãnh đạo các công ty dược.

Tại hội nghị, các chuyên gia y tế cảnh báo căn bệnh này là một quả bom hẹn giờ đe dọa toàn cầu khi dân số thế giới ngày càng già đi. Trong một báo cáo đầu tháng 12, Hiệp hội Quốc tế về bệnh Alzheimer (ADI) cho biết ba năm qua, đà tăng trung bình của số bệnh nhân mất trí trên toàn cầu là 22%. Dự đoán vào năm 2050, số người bị bệnh mất trí trên toàn cầu sẽ tăng gấp ba (135 triệu người) so với hiện tại (44 triệu người), trong đó hơn 70% bệnh nhân sống ở các nước nghèo.

Theo Tổng Thư ký WHO Margaret Chan, căn bệnh này làm thế giới tiêu tốn hơn 600 tỉ USD mỗi năm (1% GDP toàn cầu). Bà thừa nhận hiện thế giới chưa có cách điều trị hiệu quả, thậm chí chỉ là làm chậm diễn tiến căn bệnh mà chỉ có thể làm giảm triệu chứng. Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất dược phẩm Mỹ cho biết 15 năm qua đã có hơn 100 loại thuốc chữa trị Alzheimer - thể mất trí nhớ phổ biến nhất - được phát triển nhưng không thành công.

Hội nghị thống nhất xác định chiến đấu chống lại căn bệnh này như chống lại bệnh HIV/AIDS và sẽ tăng đầu tư nghiên cứu để đến năm 2025 sẽ tìm ra phương cách chữa trị hiệu quả.

Trước mắt, một nghiên cứu công bố đầu tháng 12 của ĐH Cardiff (Anh) cho thấy mọi người có thể giảm thiểu nguy cơ bị mất trí nhớ bằng cách tuân thủ năm nguyên tắc sống lành mạnh sau: tập thể dục thường xuyên (quan trọng nhất), không hút thuốc, ổn định cân nặng, ăn uống lành mạnh, hạn chế bia rượu. Chỉ cần tuân thủ nghiêm bốn trong năm nguyên tắc thôi nguy cơ bị mất trí nhớ và giảm nhận thức giảm đến 60%, chưa kể các rủi ro về tiểu đường, đau tim, đột quỵ giảm đến 70%.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm