Năm 2010, triển khai thí điểm mạng lưới bác sĩ gia đình

Năm 2010, triển khai thí điểm mạng lưới bác sĩ gia đình ảnh 1
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

. Thưa ông, cơ sở nào để TP.HCM quyết liệt triển khai mô hình BSGĐ?

+ Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành từ 1-1-2010, quy định đưa BHYT áp dụng chi trả đến tận tuyến phường, xã là thuận lợi rất lớn, giúp giảm quá tải tuyến trên. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy không thể triển khai có hiệu quả quy định này trong thời gian ngắn. Vì thế, cần có một giải pháp khả thi để giải quyết vấn nạn quá tải và áp dụng hiệu quả Luật BHYT.

Mạng lưới BSGĐ đang được quan tâm với niềm tin sẽ mang lại hiệu quả giải quyết tình hình quá tải bệnh viện trước mắt và lâu dài. Các nghiên cứu đáng tin cậy của các nước Bỉ, Hoa Kỳ… cho thấy mô hình BSGĐ có thể giải quyết 70%-80% các vấn đề bệnh tật thông thường cho bệnh nhân và gia đình của họ.

. Việc triển khai BSGĐ tại TP.HCM sẽ bắt đầu như thế nào và khi nào sẽ áp dụng rộng rãi?

+ Trước mắt, năm 2010, dự án đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới thí điểm BSGĐ ở quận 1, 8 và huyện Củ Chi. Ngoài ra còn có thêm hai phòng khám BSGĐ đặt tại hai phòng khám tư nhân.

Các phòng khám BSGĐ sẽ được trang bị cơ sở vật chất theo đúng tiêu chuẩn, có bác sĩ chuyên khoa y học gia đình đảm trách và có cơ chế hoạt động thống nhất. Hỗ trợ chuyên môn cho năm phòng khám trên là Phòng khám BSGĐ của BV Đại học Y Dược TP.HCM, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định, BV Nguyễn Tri Phương, BV Củ Chi và quận 1, 8.

Đặc biệt, trong dự án thí điểm, nhờ hỗ trợ kỹ thuật từ Đại học Liège (Bỉ), Sở Y tế sẽ lồng ghép các công trình nghiên cứu khoa học để đánh giá khách quan tính hiệu quả của mô hình thí điểm. Tùy vào tính hiệu quả của dự án thí điểm, mô hình BSGĐ có thể được triển khai mở rộng trên các phường, xã khác.

Năm 2010, triển khai thí điểm mạng lưới bác sĩ gia đình ảnh 2
Có BSGĐ sẽ không còn cảnh một giường hai, ba bệnh nhân. Ảnh: DUY TÍNH

. BSGĐ có gì khác so với các bác sĩ khác?

+ BSGĐ là những bác sĩ được đào tạo đa khoa với định hướng tiếp cận bệnh nhân đa tuyến, nhận biết được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trong bối cảnh gia đình, môi trường và văn hóa, tâm lý của chính bệnh nhân. BSGĐ có thể xử trí vấn đề sức khỏe của người bệnh một cách rất riêng biệt, phù hợp cho từng người bệnh. Do vậy BSGĐ dễ tạo được sự tin tưởng, sự thân thiết của người bệnh. Đây là kỹ năng mà người bác sĩ thông thường không được đào tạo.

BSGĐ còn là nhịp cầu trung gian giữa người bệnh và bệnh viện chuyên khoa. Qua hệ thống BSGĐ, người bệnh sẽ được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa khi cần thiết. Mặt khác, những trường hợp cần theo dõi, chăm sóc lâu dài sau khi can thiệp chuyên khoa sâu, BSGĐ sẽ hỗ trợ cho các bệnh viện chuyên khoa.

Hiện nay đời sống khá lên, người dân đòi hỏi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Người dân chờ đợi một nền y học lấy bệnh nhân làm trọng tâm, y bác sĩ biết lắng nghe và tin cậy… BSGĐ sẽ đáp ứng được yêu cầu đó.

. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc triển khai không hề thuận lợi?

+ Đúng. Hiện nay, hành lang pháp lý cho việc phát triển mạng lưới BSGĐ vẫn chưa đầy đủ. Ngoài chủ trương chung, hiện chỉ có quy định rất hạn hẹp về BSGĐ trong Thông tư 07/2007/TT-BYT do bộ trưởng Bộ Y tế ký, áp dụng cho lĩnh vực hành nghề y, y học cổ truyền và trang thiết bị y tế tư nhân. Theo đó, BSGĐ hoạt động không khác gì bác sĩ đa khoa nội tổng quát hành nghề tư. Do vậy xây dựng mạng lưới BSGĐ ở nước ta hiện nay là vấn đề gần như rất mới, phải xây dựng từ đầu, từ hành lang pháp lý, quy chế hoạt động, thay đổi nhận thức của cộng đồng, đến từng hoạt động cụ thể của BSGĐ.

. Xin cảm ơn ông!

BSGĐ được đào tạo rất nghiêm ngặt

Tại Mỹ, mỗi bác sĩ phải trải qua 11 năm đào tạo, gồm bốn năm cử nhân và bảy năm y khoa lý thuyết và thực hành. Trong đó, nếu muốn làm BSGĐ phải trải qua chương trình đào tạo ba năm BSGĐ, bao gồm một số lĩnh vực y khoa về chăm sóc sức khỏe cộng đồng như: Chăm sóc sức khỏe cho tất cả lứa tuổi từ trẻ đến già; điều trị và chăm sóc những bệnh mạn tính (tiểu đường, hen suyễn và bệnh tim); điều trị bệnh tai, mũi, họng; điều trị cấp cứu; các thủ thuật tiểu phẫu; lập kế hoạch sức khỏe cho gia đình, tư vấn về sinh sản và tình dục cho phái nữ…

Đúng / Sai

. BSGĐ không bắt buộc phải đến tận nhà bệnh nhân để khám?

+ Đúng. Nếu bệnh tật thông thường, mạn tính thì bệnh nhân phải đến phòng khám của họ và có đăng ký ngày giờ trước. Tuy nhiên, khi bệnh nhân có yêu cầu cấp cứu thì BSGĐ phải đến nhà. Thí dụ, khi ca sĩ Michael Jackson bị suy hô hấp do lạm dụng thuốc giảm đau có chất gây nghiện là morphine thì bắt buộc bác sĩ Conrad Murrey phải có mặt để hồi sức cấp cứu nhưng thường ngày khi cần thì Michael Jackson phải đến phòng khám của ông ta để xin tư vấn sức khỏe và xin toa thuốc để mua mà dùng.

. Bình thường bệnh nhân không được tự đi điều trị vượt tuyến?

+ Đúng. Tuy nhiên, tất cả trường hợp cấp cứu, nếu vì bất kỳ một lý do nào đó mà người bệnh không thể trì hoãn hoặc chờ đợi BSGĐ thì người bệnh phải đến các khoa, hoặc trung tâm cấp cứu, ví dụ như tiêu chảy cấp.

. Mỗi bệnh nhân chỉ có một BSGĐ quản lý sức khỏe và không được đi BSGĐ khác?

+ Sai. Nếu bệnh nhân không còn tín nhiệm bác sĩ cũ của mình thì đem thẻ theo dõi y tế của mình chọn bác sĩ khác nhưng phải theo đúng thủ tục quy định.

Bác sĩ Hồ Hải

DUY TÍNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm