Nguy cơ tử vong từ rượu thuốc

Hiện nay xu hướng sử dụng rượu ngày càng gia tăng, trong đó gồm các loại rượu mạnh (thường là rượu Tây), rượu vang, rượu bia và rượu thuốc (rượu bổ). Đa phần các loại rượu vang hay rượu bia đều được chế biến theo công nghệ tiên tiến, chỉ có rượu thuốc là thuộc dạng “đụng gì ngâm nấy” từ rết, bò cạp, mãng xà, hải mã, bìm bịp, trăn…, ai cũng tự chế được.

Tự ngâm rượu thuốc

Y học cổ truyền gọi rượu thuốc là tửu dược, bào chế theo phương pháp ngâm kiệt từ một hoặc nhiều vị thuốc với dung môi là rượu trắng. Ngâm 10-30 ngày là dùng được. Khi dùng có thể pha thêm đường hoặc mật ong cho dễ uống nhằm bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực hoặc chữa bệnh đau nhức gân cốt, tê thấp, liệt dương… Rượu có tác dụng phát tán, thăng đề, nghĩa là dẫn thuốc đi khắp cơ thể.

Đa phần người sử dụng rượu thuốc là nam giới, nhất là những người ngoài tuổi 40. Muốn bổ dương, cải thiện bản lĩnh đàn ông, họ thường sử dụng các loại rượu thuốc với các dược liệu như: dâm dương hoắc, phá cố chỉ, nhân sâm, ngũ gia bì, câu kỷ, đỗ trọng; các động vật như hải mã, tắc kè, sừng tê, tam xà, ngọc dương, bìm bịp, trăn, sử dụng nguyên con vật hoặc lấy máu tươi, mật tươi ngâm chung với rượu.

Nhưng rượu thuốc “hiền” như vậy sao lại có thể gây chết người?

Nguy cơ tử vong từ rượu thuốc ảnh 1

Khi rượu thuốc thành rượu độc

Nhầm dược liệu độc: Người hái có thể nhầm các loại rễ cây có độc như cây lá ngón, cây mã tiền, cây hoàng nàn, phụ tử, cà độc dược… đem về phơi khô rồi bán. Thuốc khô được băm nhỏ, khó ai nhận biết được đó là vị thuốc nào (kể cả các nhà chuyên môn), vì vậy người mua đem về ngâm rượu thuốc uống mà không biết liều lượng thì việc ngộ độc dẫn đến tử vong là không tránh khỏi.

Các chất bảo quản phun trên thuốc: Hiện nay để bảo quản thuốc phiến, người ta thường sử dụng một số chất độc như lưu huỳnh, chì, kẽm, thạch tín, nhôm, được phun hoặc bôi lên bề mặt của dược liệu. Nếu mua thuốc về mà ngâm vào rượu ngay thì chất độc sẽ khuếch tán rất nhanh, uống vào sẽ bị nhiễm độc. Rượu chính là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thần kinh nhanh nhất, từ đó gây nôn mửa, lơ mơ, mất tri giác và ý thức.

Nấm mốc phát triển trên dược liệu bảo quản không đúng quy cách. Chính các độc tố sản sinh ra từ nấm mốc (đứng đầu là chất aflatoxin) là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc trước mắt, còn về lâu dài thì sẽ bị ung thư gan.

Phản ứng hóa học trong rượu: Rượu là dung môi có thể hòa tan được rất nhiều chất có lợi cũng như có hại trong các vị thuốc. Trong đó đáng kể là nhóm ancaloit, chất này có hoạt tính dược lực rất mạnh dù dùng ở liều thấp. Ngoài ra còn có chất saponosid nếu ở liều cao sẽ gây phá huyết, chất tanoit gây kích ứng niêm mạc ruột… dễ dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh, tuần hoàn và tiêu hóa.

Bên cạnh đó, dưới tác dụng của ánh sáng, nhiệt độ… một vài chất còn bị phân hủy hoặc biến đổi thành các chất khác độc hại hơn. Ví dụ chất aconitin trong phụ tử sẽ bị biến thành aconin độc hơn hàng trăm lần (từng có một vị lương y đã chết sau khi dùng phụ tử do mình chế biến vì không biết hiện tượng này).

Cẩn trọng khi dùng rượu thuốc

Nếu cần phải uống rượu để có lợi cho sức khỏe thì nên cân nhắc kỹ, không tự ý mua nguyên liệu về rồi tự ngâm và tự sử dụng. Không nên mua các loại rượu thuốc trôi nổi trên thị trường hoặc chỉ nghe qua quảng cáo, vì những loại này rất có thể bào chế không đúng quy trình hoặc không đảm bảo chất lượng. Rượu thuốc nghĩa là thuốc để chữa bệnh ở dạng rượu, không phải để uống chơi cho vui nên cần phải uống đúng liều lượng.

Cũng cần lưu ý là không uống rượu lúc bụng đói vì nồng độ rượu sẽ lên cao trong máu dễ gây ngộ độc. Người huyết áp cao, viêm loét dạ dày, thần kinh suy nhược không nên uống rượu thuốc. Không uống rượu ngâm với thuốc không rõ nguồn gốc, tên tuổi. Cần cảnh giác với các loại rượu thuốc và nếu cần để điều trị bệnh thì nhất thiết phải nhờ đến sự giúp đỡ của các bác sĩ, dược sĩ chuyên môn để được hướng dẫn thật kỹ.

Một số vụ tử vong vì rượu thuốc

Tháng 2-2004, 11 nam công nhân ở Đắk Nông sau khi ăn cơm trưa đã mang bình rượu có ngâm rễ cây hà thủ ô và đỗ trọng ra uống. Sau chầu nhậu này đã có hai người chết và chín người khác phải đi cấp cứu. Theo kết luận ban đầu của cơ quan chức năng, rất có thể số người này bị ngộ độc do trong hũ rượu có một loại cây độc trong rừng.

Năm 2007, tại xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) đã xảy ra một vụ ngộ độc rượu thuốc làm sáu người thiệt mạng. Nhóm người này đã uống loại rượu do người đi hái bứt nhầm rễ cây lá ngón.

Năm 2009, ở huyện Hoài Ân (Bình Định) cũng từng xảy ra vụ ngộ độc rượu khiến một người chết và 20 người khác nhập viện. Số người này uống rượu được ngâm từ cây ba kích (loại cây được cho là kích ăn kích ngủ, cường dương bổ thận) nên bị ngộ độc.

DS LÊ KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm