Nơi cứu những đứa trẻ sơ sinh bệnh nặng

Chúng tôi đến Khu chuyên sâu sơ sinh và ngẫu nhiên gặp cùng lúc hai em bé mang bệnh na ná nhau, vừa sinh ra đã không thể bú mớm được bởi hệ tiêu hóa có vấn đề.

Nơi cứu những đứa trẻ sơ sinh bệnh nặng ảnh 1

Nhiều trẻ bệnh nặng đang được hồi sức ở Khu chuyên sâu sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: DUY TÍNH

Chị Hà (quận 12) kể: Ngày 9-9, chị đến BV quận 12 để sinh con. Sau sinh, bác sĩ cho bé bú nhưng bé cứ ọc sữa ra ngoài, không tài nào bú được. Tại BV Nhi đồng 1, qua hai lần siêu âm, chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện bé bị thủng ruột.

Con của chị Hà từ 3,9 kg, sau hơn 10 ngày nhập viện phẫu thuật giờ còn 3,7 kg. Bé chỉ sống bằng nước biển chứ bác sĩ chưa dám cho uống sữa vì sợ đoạn ruột vừa khâu sẽ bị vỡ, nhiễm trùng.

Ngồi cạnh đó, một bà mẹ khác là chị Phượng tâm sự: Ngày 5-11, chị sinh được bé trai 3,3 kg tại BV đa khoa tỉnh Long An. Nhưng cứ mỗi lần cho bú thì bé ọc sữa ra và khóc. Bệnh viện tỉnh nghi bị xoắn ruột nên bốn ngày sau chuyển bé lên BV Nhi đồng 1. Tại Khu chuyên sâu sơ sinh, ngoài nhiễm trùng sơ sinh, các bác sĩ còn phát hiện bé bị teo ruột già nên phải phẫu thuật nong ra. “Mỗi lần vào thăm, thấy con chép miệng như thèm sữa lắm. Nhưng bác sĩ chỉ chuyền nước biển chứ bé không thể ăn uống được gì. Bác sĩ bảo theo dõi thêm chứ chưa thể mổ được” - chị Phượng nói thêm.

Mỗi ngày các chị chỉ được vào gặp con hai lần vào sáng sớm và chiều tối. Thời gian còn lại các bà mẹ chỉ biết ngồi, nằm không yên ở phòng chờ. Chốc chốc để bầu vú tức sữa bớt đau nhức, một bà mẹ lại cầm ly nặn sữa ra để dành cho con; bà mẹ kia thì nặn sữa để bỏ đi vì biết con mình không uống được...

Ở đây, mỗi trẻ mang bệnh tình khác nhau. Có đứa sinh thiếu tháng, yếu ớt, suy dinh dưỡng. Có đứa bị các bệnh ngoại khoa, nhiễm trùng máu, suy hô hấp... Tất cả đều bệnh rất nặng, các bệnh viện tỉnh không điều trị được nên chuyển hết lên đây. Nếu các bé không được cứu chữa kịp thời thì tỉ lệ sống rất thấp, nếu sống được cũng có nguy cơ tàn tật suốt đời. Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết Khu chuyên sâu sơ sinh chỉ có 150 giường nhưng lúc nào cũng nhận hơn 300 bệnh nhi.

Phần lớn trẻ sơ sinh được chuyển về BV Nhi đồng 1 do mắc bệnh liên quan tiêu hóa. Nhiều em không có hậu môn, thủng ruột, xoắn ruột... Nếu em bé bị thủng ruột, phân chạy ra bụng gây nhiễm trùng và chết nếu không mổ kịp. Nguyên nhân là trong quá trình bào thai phát triển, máu không đến được nên một đoạn ruột bị thối đi. Còn nếu hẹp dạ dày, em bé cũng rất khó bú, dẫn tới suy dinh dưỡng và chết. Loại bệnh phổ biến thứ hai là bệnh võng mạc ở trẻ sinh non. Trung bình mỗi ngày chuyên khoa mắt của bệnh viện mổ võng mạc cho 10 ca sơ sinh, nếu không mổ về sau các bé sẽ bị mù.

Tuy nhiên, bác sĩ Hiếu cho rằng khó nhất vẫn là bệnh tim sơ sinh vì mổ tim phải đi đôi với hồi sức sơ sinh chuyên sâu. Bệnh tim bẩm sinh rất phức tạp, bệnh gây bất thường tĩnh mạch phổi và tim, nếu không phát hiện kịp thời thì trẻ sẽ chết sau vài tháng. “Cách đây hai tháng, một bé từ Dăk Lăk chuyển xuống bị nang khí - kén khí ở phổi rất lớn, chiếm hết ngực bên phải. Nó đẩy tim, mạch máu qua bên trái gây chèn ép, làm bệnh nhi bị suy hô hấp rất nặng. Chúng tôi phải lập tức phẫu thuật cấp cứu, cắt bỏ kén khí và em bé đã trở lại cuộc sống bình thường. Cách đây 10 ngày, BV Nhi đồng 1 cũng đã mổ khẩn cấp một ca bệnh tim bẩm sinh phức tạp nhất từ trước đến nay. Bệnh nhi bị tím tái liên tục, tưởng chừng không sống nổi” - bác sĩ Hiếu nói.

Tại BV Nhi đồng 1, tỉ lệ tử vong ở bệnh nhi sơ sinh trước đây trên 12%, chiếm 1/3 số trẻ chết tại bệnh viện. Từ khi có Khu chuyên sâu sơ sinh, tỉ lệ chết giảm một cách ngoạn mục, còn 5%-6% mặc dù số trẻ bệnh nặng chuyển đến tăng rất nhiều. “Tôi cũng như các bác sĩ khác, một em bé sắp chết tới nơi nhưng mình cứu sống được thì niềm vui, niềm hạnh phúc không thể nào diễn tả được bằng lời” - bác sĩ Hiếu tâm sự.

Tháng 4-2006, Khu chuyên sâu sơ sinh BV Nhi đồng 1 chính thức hoạt động với nhiệm vụ chính là lọc bệnh, chăm sóc, điều trị bệnh nhi nặng, triển khai các kỹ thuật chuyên sâu, phẫu thuật sơ sinh, vật lý trị liệu-phục hồi chức năng, tâm lý trị liệu, tầm soát và điều trị bệnh võng mạc ở trẻ non tháng, giảm thính lực... Từ đó đến nay, khu này đã tiếp nhận gần 24.000 lượt bệnh nhi, trong đó gần 5.000 trẻ được nhập viện điều trị, 90% trẻ bệnh nặng lúc nhập viện cân nặng chưa tới 1,5 kg được cứu sống.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Top 5 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon hơn

Top 5 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon hơn

(PLO)- Bạn muốn ngủ ngon hãy uống trà hoa cúc, hạt rau mùi, ăn hạt nhục đậu khấu... bởi chúng là những loại thực phẩm giúp sản xuất melatonin để ngủ ngon hơn.

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đường

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đườngInfographic

(PLO)- Các loại hạt được biết đến là loại thực phẩm có hàm lượng đường huyết thấp, giúp giảm lượng đường trong máu. Chúng cũng có lượng carbohydrate hạn chế và có rất ít ảnh hưởng đến mức đường huyết trong cơ thể chúng ta. 

10 loại thực phẩm tốt cho thận

10 loại thực phẩm tốt cho thận

(PLO)- Được biết đến với tên gọi là 'kẻ sát nhân thầm lặng', bệnh thận có thể rất khó nhận biết, không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu. Dưới đây là 10 loại thực phẩm để bảo vệ thận của bạn.