Omega-3 và sức khỏe tim mạch

Có rất nhiều loại omega-3, trong đó một số loại rất phổ biến như acid alpha linolenic (ALA) - được tìm thấy nhiều ở đậu nành; acid docosahexaenoic (DHA) và acid eicosapentaenoic (EPA) - được tìm thấy nhiều ở cá và dầu cá.

Vào những năm 1980 đã có ba nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng những người tiêu thụ cá mỗi tuần thì tỉ lệ tử vong do bệnh mạch vành (còn gọi là thiếu máu cơ tim) thấp hơn hẳn những người ít ăn cá. Nguyên nhân chính mang lại kết quả khả quan này được cho là do tác động của omega-3, bao gồm các tác dụng: Chống loạn nhịp trực tiếp, giảm triglycerides máu, giảm kết tập tiểu cầu và một phần nào đó là giảm huyết áp. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng chống viêm mạch máu và giãn mạch do tăng tạo nitric oxide - chất có khả năng tác động làm giảm thiểu các mảng bám trên thành động mạch do mỡ và các cholesterol xấu gây ra. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 40 nghiên cứu khảo sát mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cá và vấn đề sức khỏe của tim mạch và một số nghiên cứu cho thấy sự thoái triển của các mảng xơ vữa mạch máu ở nam giới khi dùng omega-3. BS Trần Lê Vũ, chuyên khoa Tim mạch, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ,cho biết: “Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy các tác dụng có lợi - tác dụng bảo vệ của omega-3 đối với hệ tim mạch, như trường hợp nghiên cứu ở các bệnh nhân đã mổ bắt cầu nối chủ - vành cũng cho thấy omega-3 có tác động đến sự thoái triển của các mảng xơ vữa trên các cầu nối này”.

Omega-3 và sức khỏe tim mạch ảnh 1

Omega-3 và sức khỏe tim mạch ảnh 2

Các thực phẩm có chứa nhiều omega-3.

Omega-3 và sức khỏe tim mạch ảnh 3

BS Trần Lê Vũ, chuyên khoa tim mạch, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ, đang tư vấn cho bệnh nhân.

Nghiên cứu GISSIS-Prevention ở Ý được tiến hành trên 5.666 bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim và chia làm hai nhóm: Có và không có uống 1 g omega-3 mỗi ngày. Phân tích dữ liệu cho thấy ở nhóm “Có uống 1 g omega-3 mỗi ngày”, tỉ suất tử vong giảm 20% và nguy cơ đột tử giảm đến 45% so với nhóm “Không có uống 1 g omega-3 mỗi ngày”. Thêm vào đó, nghiên cứu GISSIS-HF cho thấy sử dụng hằng ngày 1 g omega-3 vào điều trị nội khoa tối ưu cũng làm giảm nguy cơ tử vong và tỉ lệ nhập viện ở các bệnh nhân có suy tim tâm thu. Các thử nghiệm khác được triển khai với quy mô lớn hơn như JELIS được tiến hành tại Nhật Bản với sự tham gia của hơn 18.000 bệnh nhân có rối loạn lipid máu. Các bệnh nhân được chia làm hai nhóm: Chỉ uống satin và nhóm uống satin kết hợp với 1,8 g omega-3 mỗi ngày. Satin là một nhóm thuốc dùng để điều trị tăng lipid máu. Sau 4-6 năm theo dõi các biến cố lớn liên quan đến bệnh mạch vành ở nhóm có sử dụng omega-3 giảm đến 19%.

Do các kết quả khách quan nêu trên, hiện nay ở các nước châu Âu, việc dùng omega-3 cho phòng ngừa thứ phát các biến cố tim mạch sau nhồi máu cơ tim đã được tiến hành thường quy. Cục Quản lý Dược Hoa Kỳ (FDA) cũng đã chấp thuận việc dùng omega-3 để điều trị cho các bệnh nhân có mức tăng triglycerides máu. BS Trần Lê Vũ chia sẻ thêm: “Các liều lượng khi dùng Omega-3 ở dạng thuốc đều phải do bác sĩ chỉ định. Do đó, chúng ta không nên đợi đến khi “được” bác sĩ chỉ định mà nên chủ động tăng cường chế độ ăn giàu omega-3 (cả nguồn gốc thực vật lẫn động vật) và kết hợp với việc tập luyện thể thao đều đặn, ít nhất 150 phút mỗi tuần”.

Như vậy, ở một khía cạnh nào đó chúng ta chứng minh được sự liên kết giữa omega-3 và việc giảm thiểu các nguy cơ tai biến tim mạch. Tuy nhiên, việc uống hay không uống omega-3, liều lượng mỗi ngày cũng như theo dõi tác dụng phụ (có thể tăng men gan, tăng LDL - cholesterol) phải được chỉ định bởi bác sĩ. Cách tốt nhất để dung nạp omega-3 là thông qua khẩu phần ăn hằng ngày của mình và duy trì chế độ vận động thể thao đều đặn.

ĐẶNG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm