Rotavirus: Mối đe dọa tiêu chảy cấp ở trẻ

“Rotavirus có tính lây nhiễm cao và không thể phòng ngừa hữu hiệu bằng các phương pháp vệ sinh thông thường. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo đưa vắcxin ngừa Rotavirus vào tất cả chương trình tiêm chủng quốc gia trên phạm vi toàn cầu để bảo vệ trẻ khỏi tiêu chảy nặng và tử vong do virus này gây ra” - GS Nguyễn Gia Khánh, Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, nhấn mạnh tại hội thảo “Chủng ngừa Rotavirus, tại sao cần thiết?” vừa diễn ra tại TP.HCM do Viện Pasteur TP.HCM và Công ty GlaxoSmithKline (GSK) tổ chức.

95% trẻ dưới 5 tuổi nhiễm Rotavirus

Theo thống kê, có đến 95% trẻ em đều bị nhiễm Rotavirus ít nhất một lần trước 5 tuổi, tỉ lệ này chiếm càng cao ở các nước đang phát triển. Theo GS Nguyễn Gia Khánh, Rotavirus là nguyên nhân chính gây tiêu chảy và mất nước nặng ở nhũ nhi và trẻ nhỏ trên toàn cầu. Đây là loại virus có thể sống lâu trong môi trường nên có khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa của trẻ gây mất nước, tiêu chảy và dễ dẫn đến tử vong. Rotavirus có khả năng sống bền vững trong môi trường, sống trên tay nhiều giờ, trên bề mặt cứng trong nhiều ngày và tồn tại bền vững và lây nhiễm trong phân trong một tuần. Siêu virus này lây truyền chủ yếu qua con đường phân, miệng và tay. Virus được thải ra ngoài theo phân của bệnh nhi và tồn tại rất lâu trên bề mặt các đồ vật xung quanh trẻ như bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, các vật dụng trong nhà. Trẻ nhỏ tuổi khả năng nhiễm bệnh càng cao và mắc bệnh càng nặng vì trẻ nhỏ có xu hướng hay ngậm và đưa tay lên miệng ngậm sau khi sờ các vật dụng trên.

Rotavirus: Mối đe dọa tiêu chảy cấp ở trẻ ảnh 1

Trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm Rotavirus, các bậc phụ huynh cần lưu ý và có kế hoạch chủng ngừa.

Ngoài ra, loại virus này được lây truyền cho trẻ do tiếp xúc thường xuyên và gián tiếp ở nhà chứ không chỉ ở các khu vực bị nhiễm bẩn phân trực tiếp. Rotavirus còn được tìm thấy trong tã̉ bẩn, đồ chơi, vòi nước, khu vực thay tả, khu vực rửa tay và ngay cả khu vực chuẩn bị thức ăn. Trong đó, thay tã̉ có nguy cơ nhiễm khuẩn này cao nhất. Do đó, bất cứ trẻ em nào dưới 5 tuổi đều dễ dàng nhiễm Rotavirus.

Trẻ bị ói, tiêu chảy mạnh khi lây nhiễm

Sau khi bị lây nhiễm khoảng 12 giờ đến bốn ngày sau bệnh bắt đầu xảy ra. Trẻ thường bị ói, sau đó là tiêu chảy và sốt. Việc nôn ói xuất hiện trước tiêu lỏng 6-12 giờ và có thể kéo dài khoảng 2-3 ngày. Trẻ ói rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu tiêu lỏng.

Phân lỏng toàn nước, có lúc có màu xanh, có thể có đàm nhớt nhưng không có máu. Trẻ có thể bị tiêu lỏng hơn 20 lần một ngày. Vì vừa bị nôn và tiêu lỏng nhiều, trẻ bị nhiễm Rotavirus nên rất dễ bị mất nước, nhanh chóng khô kiệt nếu không được chăm sóc thích hợp, cần phải nhập viện để điều trị. Thời gian bệnh thường kéo dài từ 3 đến 9 ngày nhưng tiêu chảy có thể kéo dài đến ba tuần. Virus Rota tấn công mạnh nhất vào các bé trong giai đoạn từ 3 đến 24 tháng tuổi.

Tiêm chủng ngừa bệnh

Hiện nay chưa có trị liệu đặc biệt đối với virus Rota. Những trẻ bị nhiễm và phải nhập viện thường được bù dịch bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch và hạ sốt, kèm chế độ dinh dưỡng thích hợp. Virus Rota rất dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, các biện pháp thông thường như rửa tay đúng cách, cung cấp nước sạch hay cải thiện vệ sinh môi trường không thể phòng ngừa hữu hiệu được bệnh do Rotavirus. Do đó, biện pháp tiêm ngừa bằng vắcxin được WHO khuyến cáo các bậc cha mẹ nên dùng. Do bệnh thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ nên trẻ cần được phòng ngừa bằng vắcxin càng sớm càng tốt. Hiện nay tại các trung tâm y tế và bệnh viện đã có loại vắcxin dạng uống phòng ngừa tiêu chảy do Rotavirus rất hiệu quả. Các bà mẹ có con dưới sáu tháng tuổi nên đưa trẻ đi uống vắcxin để ngăn ngừa trẻ khỏi sự tấn công của virus Rota. Phác đồ chủng ngừa bao gồm hai liều: vắcxin uống, sử dụng cho trẻ từ sáu tuần tuổi đến sáu tháng tuổi, khoảng cách tối thiểu giữa hai liều vắcxin là một tháng.

NHƯ THỦY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm