Sẽ có 15.000 người nghiện được điều trị Methadone

Việt Nam là nước có tỉ lệ lây nhiễm HIV qua tiêm chích cao trên thế giới. Số nghiện nặng khoảng 150.000 người với độ tuổi càng trẻ hóa và tỉ lệ nữ gia tăng. Vì thế, Chính phủ đã triển khai đề án thí điểm điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, với sự giám sát của Bộ Y tế, Bộ Công an. Đề án “Sản xuất và sử dụng thuốc Methadone tại Việt Nam giai đoạn 2010-2015” cũng được triển khai và chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I (2010-2012) tại 13 tỉnh, thành phố, số bệnh nhân điều trị ước tính hơn 15.000 bệnh nhân vào cuối năm 2012. Giai đoạn II (2013-2015), chương trình dự kiến mở rộng tại ít nhất 17 tỉnh, thành phố, ước tính sẽ điều trị cho 80.000 bệnh nhân vào cuối năm 2015.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định người bệnh được điều trị Methadone đa số được cải thiện về sức khỏe, có thái độ tích cực sau khi điều trị, mức độ ổn định sức khỏe và thể chất càng cao. Không có bệnh nhân nào tử vong do quá liều hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Trước khi điều trị, hầu hết bệnh nhân đều dùng ma túy 3-5 lần/ngày nhưng sau 12 tháng điều trị, không còn người nào sử dụng hai lần/ngày. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm HIV của những người này giảm đáng kể vì họ không có hành vi tiêm chích ma túy nữa. Việc điều trị bằng Methadone còn có ý nghĩa kinh tế đối với các gia đình người nghiện vì họ không mất tiền mua ma túy hoặc điều trị bệnh tật do ma túy. Với gần 7.000 bệnh nhân, chương trình đã tiết kiệm được 588 tỉ đồng/năm.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác bảo quản, sử dụng thuốc tại các cơ sở điều trị. Hiện có 12 doanh nghiệp dược trên toàn quốc đăng ký tham gia sản xuất thuốc Methadone. Dự kiến trong năm 2012 sẽ sản xuất thử nghiệm và thực hiện thí điểm điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc trong nước. Như vậy, giá thuốc Methadone sẽ bằng khoảng 50% giá thuốc nhập khẩu hiện nay.

Tuy nhiên, trong ba năm triển khai mô hình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là mô hình điều trị chưa đa dạng; chưa chủ động nguồn thuốc; thiếu chế độ chính sách cho cán bộ tại cơ sở điều trị Methadone; kinh phí để duy trì và mở rộng chương trình Methadone còn bị động, không đảm bảo sự thành công và khả năng duy trì của chương trình…

MINH HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm