Sốt xuất huyết “chạy đua” với tay-chân-miệng

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng liên tục từ đầu năm đến nay, tăng gấp đôi so với năm 2010 và chuẩn bị bước vào đỉnh dịch tháng 10, 11, 12 tới. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, khả năng đỉnh dịch năm nay không cao bằng năm ngoái (2.000 ca/tháng) nhưng số ca nặng và tử vong sẽ nhiều hơn.

Đã có năm ca tử vong

Liên tục trong những tuần qua, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện do sốc SXH. Bệnh nhi VTBH (bảy tuổi, Long An) được chuyển viện đến trong tình trạng xuất hiện biến chứng sốc kéo dài, suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa. Sau đó, bệnh nhi DCT (bảy tuổi, Đồng Tháp) cũng được chuyển đến với tình trạng sốc kéo dài, suy hô hấp nặng phải thở máy, rối loạn đông máu… Mới đây, ngày 8-9, bệnh nhi VMQ (ba tuổi, Tân Bình) tử vong tại BV Nhi đồng 2 do SXH gây tổn thương đa cơ quan, suy tủy vì nhập viện trễ.

Hiện mỗi ngày khoa SXH tiếp nhận khoảng 10 bệnh mới, nâng tổng số trẻ nằm điều trị nội trú là 60 em, trong đó có 10 em sốc nặng. Tại BV Nhi đồng 2, có khoảng 50 em điều trị nội trú, số ca sốc chiếm 15%. BV Bệnh nhiệt đới cũng cho biết trung bình mỗi ngày có khoảng 130 ca. Theo các bác sĩ, số ca nhập viện có giảm so với tháng 8 nhưng số ca nặng rất nhiều, chiếm 15%-20%.

Nhóm virus D2 vượt trội

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM Nguyễn Đắc Thọ cho biết SXH do virus Dengua gây nên. Virus Dengua có bốn nhóm sinh học Dengua 1, 2, 3, 4 (gọi tắt là D1, D2, D3, D4). Bốn nhóm virus này có năm xuất hiện một hoặc hai nhóm, có năm xuất hiện đồng loạt cả bốn nhóm.

Theo BS Thọ, nếu mắc D1 và D3, mức độ bệnh sẽ nhẹ hơn D2. Tuy nhiên, nhóm D1 và D3 thường gây ra những trận dịch lớn do số ca mắc nhiều hơn. “Năm nay, tỉ lệ người nhiễm SXH chủ yếu do D1 và D2 nhưng D2 chiếm hơn 50% nên tỉ lệ bệnh nặng có khả năng nhiều hơn năm trước. Cụ thể là đã có năm ca tử vong, trong khi cùng kỳ 2010 chỉ có hai ca” - BS Thọ nhận định.

Sốt xuất huyết “chạy đua” với tay-chân-miệng ảnh 1

BS Lê Thanh Sơn (BV Bệnh nhiệt đới) đang kiểm tra sức khỏe một bệnh nhân mắc SXH ngày 20-9. Ảnh: DUY TÍNH

8.000 là số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay tại TP.HCM, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010 (người lớn chiếm hơn 2.500 ca). Các quận, huyện có số ca SXH nhiều nhất là quận 8, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú...

BS Thọ khuyến cáo trong mùa mưa này, nếu trẻ có sốt kéo dài 2-3 ngày rồi đột ngột bớt, sau đó sốt trở lại nhanh chóng thì nghi ngờ SXH. Cần theo dõi trẻ 2-5 ngày vì khi hết sốt, trẻ có thể mệt, đau bụng nhưng đêm khuya cha mẹ không để ý, đến khi hết đêm, trẻ sẽ lịm đi, khi đó đến bệnh viện thì đã muộn. “Khi trẻ sốt trên hai ngày, kèm quấy khóc, bứt rứt, khó chịu, đau bụng, chảy máu cam, máu răng, ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn... thì nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời” - bác sĩ cho biết.

BS Lê Thanh Sơn, khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới, cho biết thêm ở người lớn, thời gian phát bệnh kéo dài hơn trẻ em, khoảng 7-10 ngày. Ở độ nhẹ, người lớn chỉ cần bù dịch bằng đường uống, khi vào sốc thật sự mới truyền dịch. Ở mức độ biến chứng, người lớn cũng khác trẻ em, khi biến chứng có xuất huyết màng não, viêm não, còn trẻ xuất huyết tiêu hóa, máu cô đặc là chủ yếu.

Đã bắt đầu tiêm thử nghiệm vaccine ngừa SXH

Ngày 20-9, Viện Pasteur TP.HCM đã tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine ngừa SXH trên 20 trẻ tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Trước đó, ngày 16-9, nơi này cũng đã tiêm cho 20 trẻ tại TP Long Xuyên (An Giang). Theo Viện Pasteur TP.HCM, sau hai đợt tiêm này, các bên liên quan sẽ đánh giá lại, nếu không có gì thay đổi, từ ngày 26-9 sẽ tiêm mở rộng cho các đối tượng dự kiến tại hai địa phương trên (khoảng 1.402 trẻ ở Long Xuyên và 934 trẻ ở Mỹ Tho). Để tham gia tiêm vaccine thử nghiệm, chỉ cần hai điều kiện: trẻ 2-14 tuổi khỏe mạnh và cha mẹ đồng ý tự nguyện tham gia.

Trước đó, trả lời báo Tuổi Trẻ, TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết vaccine ngừa SXH có tên gọi ban đầu là Dengue-CYD, do Sanofi Pasteur (đơn vị cung cấp một số vaccine cho Việt Nam) nghiên cứu từ khoảng 20 năm nay. Vaccine này đã được nghiên cứu ở 13 quốc gia như Mỹ, Úc, một số nước có và không có lưu hành dịch SXH. Nghiên cứu thực hiện trên 6.200 người từ 12 tháng tuổi đến 45 tuổi; qua các giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật, thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn một (tính an toàn) và giai đoạn hai (tính sinh miễn dịch và tính an toàn). Kết quả cho thấy vaccine nghiên cứu an toàn trên người. Phản ứng sau tiêm tương tự các vaccine khác đang lưu hành.

Kết quả nghiên cứu về tính an toàn và tính sinh miễn dịch ở các nước chỉ công bố sau khi đã được hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của quốc gia đó xem xét cụ thể.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm