Tập yoga coi chừng... nhập viện

Tập yoga coi chừng... nhập viện ảnh 1

Những động tác uốn, vặn trong một lớp tập yoga - Ảnh: Ngân Vi
Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết: “Gần đây, rất nhiều người đi tập yoga, nhất là ở những người làm công việc văn phòng. Do tính chất công việc, những người này thường bị triệu chứng đau vai, mỏi cổ, họ đi tập để thư giãn, vận động cơ thể và mong muốn phòng, chữa bệnh”.

Các chuyên gia cả đông, tây y cũng lưu ý: Hiện nay có một số nơi giới thiệu về môn tập yoga dành cho trẻ em. Tuy nhiên, không nên cho trẻ từ 14, 15 tuổi trở xuống tập yoga, vì sự tĩnh lặng trong tập yoga sẽ làm giảm đi tính hiếu động, nhanh nhạy của trẻ con.

Ở góc độ y học cổ truyền, lương y Vũ Quốc Trung (hội viên Hội Đông y VN) phân tích: “Yoga cũng như khí công dưỡng sinh, việc luyện yoga giúp cho cơ thể bồi đắp chính khí, phục hồi và duy trì cân bằng âm dương trong cơ thể. Kết hợp luyện tập yoga và chế độ ăn uống giúp phòng ngừa bệnh mạch vành, làm tan các cục máu đông, giảm stress. Yoga còn giúp cơ thể thư giãn, chữa một số bệnh thường gặp; những bài tập thở, tập thiền... trong yoga giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai”.

Còn theo lương y Phạm Như Tá, Hội Đông y Q.Bình Thạnh, thì: “Yoga là môn tập mang tính nghệ thuật cổ xưa, có nền tảng khoa học nghiên cứu về thể xác, tâm trí, tinh thần. Việc luyện tập yoga đúng sẽ giúp thư giãn thần kinh, não, giúp cơ thể mềm dẻo, duy trì sự thăng bằng về thể chất, sinh lý và cả cảm xúc... Nhưng các y văn cổ xưa cũng có nói môn tập này không dành cho những người lười biếng, mà người tập cần có sự kiên trì, tập đúng phương pháp thì mới đạt được những công dụng chữa bệnh”.

Bị trượt đốt sống lưng

Chị N.T.T.T (48 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) theo lớp tập yoga ở một trung tâm thuộc hạng cao cấp tại Q.1 gần một năm nay, mới đây chị thấy đau ở cột sống lưng rất nhiều mỗi khi ngồi làm việc, nên đến bác sĩ khám, chụp MRI (chụp cắt lớp có cộng hưởng từ). Kết quả MRI cho thấy, chị T. bị trượt đốt sống lưng. Sau khi được chỉ định điều trị nội và tập vật lý trị liệu với những bài tập nhẹ nhàng, chị T. kể: “Khi tôi mô tả cho bác sĩ về các bài tập, thế tập mà tôi đã tích cực vặn, uốn cột sống ở lớp yoga, thì bác sĩ bảo những động tác đó rất nguy hiểm đối với những trường hợp có sẵn bệnh ở cột sống, nhất là trượt đốt sống, thoát vị đĩa đệm”.

Bác sĩ Trương Công Dũng (khoa Y học thể thao, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM), cho rằng: “Ngộ nhận hay gặp ở người đi tập yoga là nhiều người đã biết mình có bệnh, có triệu chứng đau cột sống, đau khớp không đi khám, kiểm tra trước mà nghĩ là nên tập yoga cho hết bệnh; cũng có nhiều người vì không có triệu chứng, không qua khám, kiểm tra nên không biết mình có bệnh xương khớp tiềm ẩn, cứ vô tư tập. Trong lúc tập lại cố tập những bài quá nặng, quá mức nên dẫn đến bệnh, hay làm bệnh có sẵn nặng thêm, nhất là bệnh ở cột sống lưng”.

Tương tự, bác sĩ Nam Anh, nói: “Sai lầm của nhiều người mới đi tập là cố gắng gập, bẻ chân tay, uốn éo, vặn vẹo cột sống lưng, cột sống cổ cho “bằng chị bằng em”, nên rất dễ xảy ra chấn thương, bởi cơ xương khớp bị căng, giãn đột ngột quá mức. Nguy hiểm cho cột sống cổ là động tác trồng cây chuối”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao Q.5, cũng khuyến cáo: “Yoga cũng như mọi môn tập thể dục khác, người yếu, người khỏe phải có bài tập riêng, nếu cố gắng tập những bài quá nặng, quá sức sẽ ảnh hưởng xấu cho sức khỏe”.

Hàng loạt chấn thương

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh cho biết: “Gần đây, chúng tôi gặp nhiều trường hợp bị chấn thương sau một thời gian tập yoga. Gặp nhiều nhất là đối tượng làm công việc văn phòng, trước đó họ không chơi môn thể thao nào, ít vận động cơ thể, sau những tuần đầu đi tập yoga họ bị đau, bị chấn thương cột sống lưng, cột sống cổ, vai, cổ chân... do tập quá mức”. “Phần lớn lứa tuổi hay bị chấn thương trong tập yoga là trên 40 tuổi, bởi vì ở tuổi này các cơ, dây chằng không còn dẻo dai như lúc còn trẻ. Những tuần đầu mới tập chưa quen...”, bác sĩ Nam Anh nói thêm.

Trường hợp mới nhất mà bác sĩ Nam Anh tiếp nhận là một bệnh nhân nữ, 26 tuổi, nhà ở Phú Mỹ Hưng, Q.7, vào viện do đau cấp tính cột sống lưng, đau không chịu được sau mấy tuần làm động tác ưỡn người, vặn lưng khi tập yoga. Bác sĩ yêu cầu nữ bệnh nhân này phải ngừng ngay những động tác tập quá mức đó.

Trước đó, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân 39 tuổi (nhân viên văn phòng, ở TP.HCM), vào viện với tình trạng bị giãn dây chằng cột sống lưng sau gần hai tuần tập yoga.

Năm ngoái, một trường hợp nam giới lớn tuổi ở Hà Nội đã bị lệch đốt sống cổ do thực hiện động tác “trồng cây chuối” trong lúc tập yoga.

Bác sĩ Trương Công Dũng cũng tiết lộ: “Khoa chúng tôi cũng thường gặp những trường hợp bị chấn thương sau thời gian tập yoga, nhiều nhất là chấn thương cột sống lưng, cột sống cổ, vai”.  

Những khuyến cáo

* “Yoga, hay những môn tập thể thao, dưỡng sinh khác đều có mặt tốt cho sức khỏe, tuy nhiên tùy vào thể tạng, lứa tuổi, bệnh tật mà lựa chọn môn tập, thế tập phù hợp để không gây hại cho sức khỏe. Cụ thể, những người bị thoái hóa cột sống thì không nên tập các tư thế cúi lưng, xoay người, hay với tay quá mức; ở người thoái hóa khớp gối thì hạn chế các tư thế tập như: ngồi xổm, quỳ gối, xếp bằng chéo hai chân... Cần tập từ từ để cơ thể quen dần, trước mỗi buổi tập cần khởi động, làm nóng”, bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM) lưu ý.

* “Với những người đã có bệnh, có triệu chứng đau ở lưng, thoát vị đĩa đệm, cổ, khớp gối, hay người ở tuổi trung niên cần đi khám, kiểm tra trước, để được hướng dẫn cụ thể mức độ tập; với những bài tập nặng, phải thận trọng, tập từ từ; khi tập mà thấy đau thì nên dừng lại. Ở Mỹ, các nhà chuyên môn cũng đưa ra những khuyến cáo trong tập yoga, bởi hằng năm nước này cũng gặp nhiều ca bị chấn thương trong tập yoga”, bác sĩ Trương  Công Dũng cho biết.

* “Việc luyện tập yoga dựa trên 3 yếu tố chính là: luyện thở; thực hành các tư thế (asana); và tập vừa với sức mình, tuyệt đối không tập quá mức. Tập phải có người hướng dẫn đúng, không tùy tiện tập sẽ lợi bất cập hại”, lương y Vũ Quốc Trung khuyên.

Khánh Vy (ghi)

Mỗi thầy dạy một kiểu

Tại TP.HCM gần đây các điểm tập yoga được mở ra khá nhiều, từ bình dân (học phí từ 100 - 120 ngàn đồng/người/tháng) đến cao cấp (học phí được rao lên đến gần 4.000 USD/người/năm, bao gồm tập nhiều loại hình thể dục, trong đó có yoga).

Tuy nhiên, một cán bộ phụ trách thể dục thể thao ở Q.1 (xin không nêu tên), thừa nhận: “Do đây là môn tập mới, nên hiện nay chưa có những quy định chung về chương trình giảng dạy, tập luyện, mỗi thầy dạy một kiểu, chưa có số liệu thống kê cụ thể lượng người tham gia tập...”.

Hầu hết mọi người đến với môn tập này là nhằm để thư giãn, giải stress, làm đẹp và cả để phòng bệnh và chữa bệnh... Thế nhưng, các học viên già, trẻ, có bệnh hay không bệnh đều sử dụng chung bài tập trong một lớp tập. Đáng lưu ý, quá trình đi thực tế chúng tôi hỏi hướng dẫn viên tập yoga ở một điểm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3): “Với những người có bệnh xương khớp thì có tập yoga được không?”, thì được trả lời: “Được, trừ trường hợp mới mổ xong nên chờ một năm sau mới đi tập”. Hỏi một người hướng dẫn tại trung tâm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai rằng đang bị đau lưng có tập được không, người này cũng bảo: “Được, nên học ngay”.

Tương tự, hướng dẫn viên của một trung tâm “giá cao” cũng nói với khách đến tìm hiểu: “Người bị vấn đề về xương khớp càng nên đi tập, trừ trường hợp gãy tay, gãy chân...”.

Thanh Tùng - Kim Ngân - Ngân Vi

Theo Thanh Tùng (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm