Thẻ BHYT có mã vạch tiện đến đâu?

Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM, cho biết bắt đầu từ quý IV-2013, BHXH TP thực hiện in mã vạch trên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo BS Huyền, thẻ BHYT mới vẫn là thẻ có chất liệu giống như thẻ cũ, chỉ in thêm mã vạch ở góc trái dưới của thẻ. Việc sử dụng mã vạch tạo điều kiện cho cơ sở khám, chữa bệnh thuận tiện và đảm bảo không có sai sót trong tiếp nhận, giảm thời gian nhập thông tin của người có thẻ BHYT vào các chứng từ thanh toán với cơ quan BHXH, từ đó giảm thời gian làm thủ tục hành chính của người có thẻ. Trong thời gian này sẽ lưu hành cả thẻ BHYT có và chưa có mã vạch. Các đơn vị y tế sẽ trang bị đầu đọc mã vạch để sử dụng các tiện ích của mã vạch.

Vì sao là quý IV chứ không phải từ đầu năm 2014? “Vì đây là thời điểm thẻ BHYT học sinh, sinh viên có giá trị mới cho năm học. Còn các thẻ đang sử dụng sẽ được in mã vạch khi gia hạn hoặc đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu theo quy định” - BS Huyền giải thích.

Thẻ BHYT có mã vạch tiện đến đâu? ảnh 1

Áp dụng thẻ BHYT có mã vạch liệu có giúp giải quyết thủ tục nhanh hơn? Ảnh: TÙNG SƠN

Nhiều phụ huynh phản ánh con em mình vẫn chưa có thẻ BHYT mới dù đã đóng tiền, nếu lỡ có bệnh thì BHYT có giải quyết? “Thẻ BHYT mới có giá trị từ ngày 1-10, một số trường nói chưa có thẻ BHYT cho học sinh có thể tại trường chưa nộp hồ sơ hoặc nộp trễ. Nếu chẳng may các em bị bệnh thì BHYT vẫn giải quyết quyền lợi tại BHXH TP” - BS Huyền cho biết.

BS Huyền cũng lưu ý, người có thẻ BHYT có mã vạch (nhưng vẫn không có ảnh - NV) vẫn phải sử dụng giấy tờ tùy thân có ảnh để thực hiện khám, chữa bệnh BHYT.

BS Nguyễn Đức Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhân dân Gia Định, cho biết khi triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng mã vạch tại BV sẽ thuận tiện, nhanh chóng vì sau khi quét thẻ, đối chiếu với CMND đúng ảnh, đúng tên là bệnh nhân được đi khám chứ không cần ghi chép.

BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, cũng cho biết BV đã triển khai các máy đọc mã vạch. Theo đó, mỗi bệnh nhân vào BV đều có một mã số của BV. “Để triển khai khám, chữa bệnh BHYT có mã vạch, BV đã trang bị sáu máy đọc mã vạch (7 triệu đồng/cái) đặt ở khoa Khám bệnh, Cấp cứu. Với cách làm mới này, thông tin bệnh nhân nằm trong thẻ, khi chụp thẻ sẽ xuất hiện thông tin và cả hình ảnh trên màn hình. Nhân viên chỉ cần kiểm tra thẻ, hình ảnh, nhiều khi khỏi cần giấy tờ tùy thân. Sau đó bệnh nhân đi thẳng vào phòng khám nhưng vẫn lấy số thứ tự của BV, sổ khám, đó là thủ tục. Việc đọc thẻ giúp nhanh ở khâu thủ tục hành chính tiếp nhận” - BS Quân nói.

“Mỗi BV chỉ cần mua vài đầu đọc mã vạch, đặt tại phòng khám, cấp cứu và khu nội trú, rất tiện lợi. Nếu BV chưa có đầu đọc thẻ thì vẫn làm theo cách cũ, vì thẻ BHYT mới có cả mã vạch và mã thẻ BHYT” - BS Huyền nói.

Được đăng ký khám BHYT ở tuyến trên

Cũng từ quý IV-2013, BHXH TP.HCM cho phép 11 BV công tuyến trên được khám, chữa bệnh ban đầu là BV Nguyễn Tri Phương, An Bình, BV Nhân dân Gia Định, Nguyễn Trãi, An Bình, Nhân dân 115, Cấp cứu Trưng Vương, Đa khoa khu vực Thủ Đức, Đa khoa khu vực Củ Chi, Đa khoa khu vực Hóc Môn và Quân dân miền Đông. Ngoài ra còn có sáu BV tư nhân và ba phòng khám đa khoa khác. Bệnh nhân có nhu cầu liên hệ tại BHXH quận, huyện để làm thủ tục đăng ký hoặc chuyển đổi.

Sở dĩ có sự chuyển đổi ngược này là do Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định việc đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu được thực hiện tại tuyến quận, huyện trở xuống. Từ đây đã gây ra việc quá tải như ở BV quận Bình Thạnh, Gò Vấp… Nhiều bệnh nhân đến BV quận khám từ 4, 5 giờ sáng nhưng đến chiều mới xong. Nhưng BV tuyến trên lại đìu hiu, khám mỗi ngày có 400-500 bệnh nhân, đến 11 giờ trưa là vắng hoe. TP.HCM đã thực hiện việc chuyển đổi thẻ BHYT từ tuyến dưới lên tuyến trên để giảm tải.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm