Thịt, rau chứa đầy hóa chất, kháng sinh

“Trong chín tháng đầu năm 2015, các đơn vị trực thuộc đã tổ chức 55 đoàn thanh tra theo kế hoạch, đột xuất và ban hành gần 1.200 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 22 tỉ đồng. Trong số này có nhiều vi phạm là sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm” - ngày 22-10, đại diện Bộ NN&PTNT thông tin.

Bất an với kháng sinh, thuốc trừ sâu

Gần đây Chi cục Thú y TP.HCM kiểm tra và phát hiện nhiều thịt heo từ các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương… vào TP.HCM có dư lượng chất cấm.

Kết quả xác minh sau đó cho thấy chất cấm trong thịt heo có nguồn gốc từ thức ăn chăn nuôi do các cơ sở kinh doanh nguyên liệu hoặc nuôi heo trộn vào. Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Thanh tra Bộ đã tổ chức các đợt thanh tra đột xuất và phát hiện năm công ty dùng chất cấm sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. 

Cụ thể, Công ty Cổ phần Đại An Tín (Hải Dương), cơ sở sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên (TP.HCM), Công ty TNHH Thuốc thú y-thủy sản Cường Phát (Đồng Nai), Công ty Thương mại và Sản xuất Bắc Âu Mỹ. Cơ quan thanh tra còn phát hiện, tiêu hủy tại chỗ hơn 13 kg hóa chất vàng ô (vat yellow - dùng nhuộm vải) được dùng trong chăn nuôi gà.

Ngoài ra, tỉ lệ mẫu vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn còn cao, chỉ số ATTP chưa có cải thiện so với năm 2014. Cụ thể, 16% mẫu thịt kiểm tra có salmonella (gây ngộ độc thực phẩm), hơn 10% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức cho phép, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng…

Theo ông Tiệp, hiện vẫn chưa ngăn chặn được nạn buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc BVTV trong rau quả, kháng sinh và chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản ở mức cao. Điều này gây bất an cho người tiêu dùng và còn làm uy tín của hàng nông sản, thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 
Một trại heo ở Đồng Nai dùng chất tạo nạc. Ảnh: TIẾN DŨNG

Báo động, nhất là ở các tỉnh phía Nam

Bộ NN&PTNT nhìn nhận thực trạng nêu trên là do chưa giám sát, đánh giá được kịp thời sản phẩm, công đoạn, địa bàn nguy cơ cao để tập trung xử lý dứt điểm. Do vậy, Bộ NN&PTNT sẽ mở đợt cao điểm xử lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc BVTV trong rau quả, tồn dư chất cấm, hóa chất, kháng sinh trong thịt heo, gà... 

Theo đó, từ nay đến hết tết Nguyên đán năm 2016, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ Công an, Y tế, Công Thương mở đợt cao điểm xử lý nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng lưu thông, sử dụng chất cấm salbutamol, vàng ô.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có chiều hướng gia tăng báo động ở nhiều nơi, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Điều này gây nguy hại trực tiếp đến hoạt động sản xuất ngành chăn nuôi trong khi sản phẩm thịt ngoại nhập mỗi lúc một gia tăng. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương chấn chỉnh. Ngoài ra, ông Phát còn yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc tổ chức thanh tra đột xuất các cơ sở chăn nuôi và công bố thông tin với các đơn vị, cá nhân dùng chất cấm trong chăn nuôi…, đồng thời phối hợp với công an xử lý thật nghiêm các vi phạm.

Người chăn nuôi tự “giết” mình

Trước đây người tiêu dùng nghĩ rằng cứ có thịt, cá là được. Nhưng hiện nay người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng thịt phải cao, an toàn. Nếu không đảm bảo chất lượng ATTP thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Ngoài ra, chúng ta còn phải “đấu” với các nước TPP từ miếng thịt, ly sữa.

Vì vậy, ngành chăn nuôi phải định hướng lại, nhất là vấn đề ATTP. Theo đó, hàm lượng kháng sinh trong chăn nuôi phải trong phạm vi cho phép, không có các chất độc hại như salbutamol, chất vàng ô…

Để làm được điều này, trước hết người chăn nuôi không sử dụng chất cấm hoặc sử dụng chỉ được trong phạm vi cho phép. Ngược lại, người chăn nuôi đang… tự sát.

Ông LÊ BÁ LỊCH, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn
chăn nuôi Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm