Thử nghiệm vaccine SXH: Không nên quá lo!

Sự kiện 20 trẻ em ở TP Mỹ Tho, Tiền Giang tự nguyện tiêm thử nghiệm vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) vào ngày 20-9 đang gây xôn xao dư luận trong tỉnh. Người dân quan ngại việc thử nghiệm trên trẻ em, trong khi ngành y tế nói: Đảm bảo an toàn.

Tất cả đều tự nguyện

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang, phụ huynh của 20 trẻ em tự nguyện tiêm vaccine thử nghiệm hôm 20-9 đều được ngành y tế, Viện Pasteur TP.HCM tư vấn rất kỹ càng qua nhiều giai đoạn và tất cả đều tự nguyện tham gia. “Sở dĩ Tiền Giang là một trong hai địa phương (cùng với An Giang) được chọn tham gia nghiên cứu thử nghiệm vì tại Tiền Giang, SXH là một bệnh dịch lưu hành triền miên, năm nhiều nhất tới gần 13.000 ca. Từ trước đến nay, phòng chống SXH chỉ tập trung diệt muỗi và lăng quăng nên không hiệu quả. Nếu có được vaccine phòng bệnh SXH thì đây là công cụ hữu hiệu để chống lại bệnh này” - BS Nguyễn Thị Như Mai, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang, nói.

Theo BS Mai, chương trình được thực hiện trong bốn năm, từ tháng 9-2011 đến tháng 5-2016 với tổng số 934 trẻ trên toàn tỉnh. Mỗi trẻ tham gia thử nghiệm được tiêm ba mũi vaccine (sáu tháng tiêm một mũi). Mục đích của thử nghiệm lần này là để xem vaccine đáp ứng đến mức độ nào đối với các tuýp bệnh SXH (hiện đang có bốn tuýp lưu hành - NV), thời gian kháng bệnh của vaccine là bao lâu, từ đó đánh giá hiệu quả của vaccine đối với bệnh SXH. “Nếu thành công, lợi ích lớn nhất đối với cộng đồng là sẽ có được một công cụ hữu hiệu để phòng bệnh SXH, Việt Nam sẽ có được vaccine này sớm hơn so với các nước không thử nghiệm” - BS Mai nói.

Có thể ngưng nếu thấy bất an

Tuy nhiên, nhiều người dân Mỹ Tho băn khoăn liệu việc đưa vaccine thử nghiệm trên người sẽ gây ra những tác hại gì đối với sức khỏe của những trẻ tham gia chương trình.

Thử nghiệm vaccine SXH: Không nên quá lo! ảnh 1

Hằng năm Tiền Giang có hơn 2.000 ca SXH nên được chọn tiêm thử nghiệm vaccine. Trong ảnh: Chăm sóc trẻ mắc SXH tại khoa Nhi BV Đa khoa Tiền Giang. Ảnh: HÙNG ANH

Anh Nguyễn Văn Hùng, người dân xã Mỹ Phong, nói: “Tôi được nghe ngành y tế tuyên truyền việc cho con em tham gia thử nghiệm nhưng tôi không đồng ý vì nếu có biến chứng gì thì con tôi sẽ là người gánh chịu hậu quả đầu tiên”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hoàng ở phường 1, TP Mỹ Tho lo ngại: “Tại sao lại đem vaccine để thử nghiệm, nghiên cứu trên cơ thể con em, học sinh?”.

BS Mai cho biết vaccine này đã được một công ty của Pháp nghiên cứu hơn 20 năm, trước khi đưa vào thử nghiệm trên người đã được thử nghiệm an toàn trên động vật. Việt Nam chỉ thử nghiệm ở giai đoạn 3 của nghiên cứu là giai đoạn đánh giá hiệu quả vaccine. Khi tham gia thử nghiệm vaccine, các trẻ em sẽ có thể gặp các nguy cơ: khó thở, tụt huyết áp, sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ… Nếu xuất hiện các triệu chứng này, ngành y tế sẽ xử lý ngay lập tức bởi sau khi tiêm vaccine, trẻ được lưu giữ tại chỗ 30 phút để theo dõi tác dụng phụ do vaccine gây ra. “Ở đây chúng tôi thực hiện thử nghiệm trên tinh thần tự nguyện. Nếu đã đăng ký nhưng chưa tiêm vaccine mà phụ huynh cảm thấy bất an thì có quyền rút lui. Nếu đã tiêm một mũi, hai mũi mà vẫn không an tâm thì các phụ huynh vẫn có thể rút lui khỏi chương trình, chúng tôi không ép buộc” - BS Mai khẳng định.

Thử càng nhiều, hiệu quả càng cao

Thử thuốc có nhiều giai đoạn. Giai đoạn tiền lâm sàng (trong phòng thí nghiệm) thường thử trên thỏ, chuột, gần nhất là thử trên khỉ hoặc heo. Sau khi qua giai đoạn này mới xin phép thử lâm sàng. Có bốn giai đoạn thử lâm sàng:

Giai đoạn đầu, đối với thuốc thông thường thử trên 50-100 người khỏe, thường là sinh viên, theo dõi 1-2 tuần rồi lấy máu theo dõi phản ứng cấp, tính hấp thu, thải, độc tính. 1-2 tháng sau sẽ chuyển qua giai đoạn 2.

Giai đoạn 2, thử trên số người khỏe mạnh đông hơn, 100-250 người. Sau khi chắc ăn là thử giai đoạn 3, trên bệnh nhân. Tùy theo thuốc, nếu thuốc trị bệnh một cách rõ ràng, có bệnh nhân thì thử ít người từ vài trăm đến vài ngàn người. Nhưng số thử càng lớn thì kết quả càng chính xác. Thí dụ một loại thuốc trị tiêu chảy ở người lớn và trẻ em, người ta thử 13 triệu ca.

Giai đoạn 4, không thử nữa mà ra thị trường, lúc đó sẽ theo dõi phản ứng phụ, độc tính… nếu thuốc có vấn đề sẽ bị rút.

Còn thử vaccine phải thử trên số lượng lớn ở nhiều quốc gia, nhiều trung tâm một lúc và thử trên đối tượng có nguy cơ cao. Để đánh giá phải mất một thời gian dài. Trung bình trong nghiên cứu, ở các hãng lớn công bố, từ lúc thấy hoạt chất có tiềm năng đến lúc ra thị trường là 20 năm nhưng thường bây giờ người ta rút ngắn còn 6-10 năm.

Nếu xảy ra tai biến trong quá trình thử lâm sàng thì sao? Vấn đề này cũng khó nói. Khi thử thì có giấy phép của hội đồng y đức, có sự đồng ý của người thử và có sự tự nguyện cam kết trước, nếu có sự cố thì chịu thôi (tuy nhiên có cam kết bệnh nhân được hưởng những gì khi xảy ra sự cố).

Một giảng viên khoa Sinh hóa Trường ĐH Y Dược TP.HCM

Dự án nuôi muỗi để hạn chế bệnh SXH: Đang chờ Bộ Y tế phê duyệt

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 12-1-2011 có bài viết “Nuôi muỗi để… diệt muỗi” đề cập dự án “Nghiên cứu thả muỗi kháng virus SXH” do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang thực hiện tại đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Hướng nghiên cứu của dự án là cấy vi khuẩn ở ruồi giấm Wolbachia vào muỗi Aedes aegypti (thủ phạm truyền bệnh SXH). Loại vi khuẩn này sẽ làm giảm một nửa tuổi thọ của muỗi, qua đó hạn chế khả năng lây lan bệnh SXH.

BS Lê Trung Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát vector truyền bệnh và kiểm dịch của Viện Pasteur Nha Trang, cho biết: Dự án đang chờ Bộ Y tế phê duyệt nên sau khi kết thúc giai đoạn 1 (cấy thành công vi khuẩn vào muỗi), mọi việc vẫn “án binh bất động” từ đầu năm đến nay.

Ngoài Việt Nam, dự án nuôi muỗi có khuẩn Wolbachia đang được tiến hành ở Úc và một số nước khác. Theo BS Nghĩa, Úc đã thả 300.000 con muỗi ra môi trường nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo kết quả chính thức.

T.NGUYỄN

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đường

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đườngInfographic

(PLO)- Các loại hạt được biết đến là loại thực phẩm có hàm lượng đường huyết thấp, giúp giảm lượng đường trong máu. Chúng cũng có lượng carbohydrate hạn chế và có rất ít ảnh hưởng đến mức đường huyết trong cơ thể chúng ta. 

10 loại thực phẩm tốt cho thận

10 loại thực phẩm tốt cho thận

(PLO)- Được biết đến với tên gọi là 'kẻ sát nhân thầm lặng', bệnh thận có thể rất khó nhận biết, không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu. Dưới đây là 10 loại thực phẩm để bảo vệ thận của bạn.