Trẻ chậm nói, coi chừng bị câm điếc

Chứng câm điếc có thể được phát hiện từ rất sớm, khi mới 2-3 ngày tuổi. Đây là thời điểm trẻ nhạy với phương pháp thử nhất. Em bé sẽ được đặt trong một căn phòng yên tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn. Bác sĩ sẽ đo âm ốc tai lúc bé ngủ. Sau đó, bé được test phản ứng với âm thanh: Thử lần lượt với âm trống và chuông reo lúc bé nằm yên hoặc mới vừa ngủ. Nếu bé có một trong những biểu hiện như giật mình, cựa quậy chân tay, chớp mắt, nhíu mày, xoay người về phía có tiếng động là bé có phản ứng nghe.

Có rất nhiều nguyên nhân làm cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ như: nghe kém, chậm phát triển trí tuệ, bộ máy phát âm hoặc trung khu ngôn ngữ của não bị tổn thương, tâm lý của trẻ… Trong số những nguyên nhân nêu trên, nghe kém thường được cha mẹ của trẻ phát hiện chậm hơn so với các nguyên nhân khác. Với những trẻ nghe kém, cha mẹ thường an tâm vì thấy bé cũng khóc cười như các trẻ khác. Đôi lúc cháu cũng quay đầu về phía nguồn âm, do vậy họ thường cho là trẻ mải chơi hoặc đang còn nhỏ. Chỉ tới khi đã quá tuổi học nói mà không thấy trẻ nói được, các gia đình mới cho con đi khám.

Trẻ chậm nói, coi chừng bị câm điếc ảnh 1

Luyện nói cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM. Ảnh: DUY TÍNH

Với trẻ chậm nói, cần phân biệt hai khả năng về ngôn ngữ. Nếu trẻ vẫn hiểu được lời nói (chỉ đúng khi được hỏi: “Tai đâu, mắt đâu?...” và thực hiện đúng những mệnh lệnh giản đơn như lấy mũ, dép) thì đó chỉ là chậm nói đơn thuần. Nếu được giúp đỡ tốt, những trẻ này có thể phát triển lời nói rất nhanh, kịp tuổi đi học. Ngược lại, những trẻ bị chậm cả diễn đạt lẫn cảm thụ ngôn ngữ thường có căn nguyên nghe kém hoặc chậm khôn, do đó việc giúp đỡ sẽ khó khăn hơn nhiều. Trẻ nhất thiết phải được thầy thuốc chuyên khoa tai khám, đo sức nghe và đo chỉ số IQ.

Tùy theo mức độ và thời gian bị nghe kém mà sự phát triển ngôn ngữ của trẻ bị ảnh hưởng nhiều hay ít. Những trẻ bị điếc nặng từ 80 dB trở lên do những trục trặc trong quá trình mang thai của bà mẹ, hoặc bị điếc do nhiều nguyên nhân từ khi mới sinh tới trước tuổi biết nói đều có nguy cơ không có ngôn ngữ tự phát (không tự nói được). Đối với loại điếc này, không có khả nǎng điều trị bằng phẫu thuật hoặc thuốc uống mà phải đeo máy trợ thính và huấn luyện phục hồi chức năng ngôn ngữ bằng phương pháp giáo dục đặc biệt.

Trung bình trẻ một tuổi có thể sử dụng được khoảng 10 từ ngữ; lên một tuổi rưỡi có khoảng 30-40 từ. Từ một tuổi rưỡi tới hai tuổi, vốn từ của trẻ tăng lên rất nhanh: khoảng 300 từ; từ hai tuổi đến hai tuổi rưỡi: trên 500 từ. Cuối năm thứ ba, vốn từ có thể đạt tới 1.200-1.500 và trẻ có thể trao đổi được bằng lời nói về những sinh hoạt thông thường.

Đó là khả năng của những trẻ được phát triển trong môi trường ngôn ngữ tốt (cha mẹ chăm trò chuyện với trẻ, gia đình đông anh chị em, được gửi nhà trẻ...). Những trẻ ở vùng cao, vùng sâu ít được tiếp xúc thì ngôn ngữ thường kém phát triển hơn. Những trẻ đẻ non, còi xương, suy dinh dưỡng... cũng thường chậm nói.

Trên thực tế có nhiều trường hợp cha mẹ trở thành tác nhân cản trở quá trình điều trị phục hồi của trẻ. Tâm lý chung của các gia đình có con bị điếc là hoài nghi không biết con mình có thực sự bị điếc hay không nên thiếu những phản ứng tích cực kịp thời. Phản ứng ban đầu thường là từ chối đeo máy cho trẻ với hy vọng bé chậm nói không do nghe kém. Điều này sẽ làm chậm, thậm chí làm mất hẳn cơ hội có thể phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Ngoài việc trang bị máy trợ thính thích hợp, cha mẹ phải hướng dẫn trẻ tập nói và cùng chơi với con. Khi đưa đồ vật cho trẻ phải đặt câu hỏi và gợi ý để trẻ quan tâm đến âm thanh mà người mẹ phát ra, đồng thời yêu cầu trẻ phải nhắc lại. Lúc đầu có thể trẻ chưa phát âm đúng nhưng dần dần trẻ sẽ cải thiện. Vấn đề quan trọng nhất là phải làm sao để trẻ chú ý lắng nghe và quan sát người mẹ nói để đáp ứng khi cha mẹ yêu cầu nói. Bên cạnh gia đình, trẻ cũng rất cần một giáo viên có trình độ chuyên môn trực tiếp luyện tập cho trẻ và hướng dẫn gia đình biết cách giúp đỡ con mình.

Sáu tuổi vẫn chưa biết nói

Hai vợ chồng chị L. ở TP.HCM đều là chủ doanh nghiệp ăn nên làm ra. Do công việc bận rộn nên hai vợ chồng phó thác chuyện chăm sóc con cho bà nội và người làm. Ngày H. còn nhỏ, chị thấy con nói ngọng, nói đớt và thường phớt lờ lời nói của cha mẹ. Đến khi H. chuẩn bị vào lớp 1, gia đình thuê hai gia sư thì cả hai cô đều chê cháu kém tập trung. Đến BV Nhi đồng 2, gia đình mới biết bé bị điếc nhẹ do tiếp xúc với nhiều loại tiếng ồn dẫn đến rối loạn thính giác, phải đeo máy nghe.

Trường hợp khác, bé B. nhà tại Đồng Nai đã lên ba tuổi mà vẫn chưa biết nói. Bé chỉ bập bẹ được mấy tiếng như aa, ơơ và tính tình cáu gắt, hay khóc. Sốt ruột quá, cha bé B. đưa em đến khám tại khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2 vì nghi ngờ con mình bị tự kỷ. Sau khi khám tâm lý và được chỉ định đo thính lực, cha bé B. như không tin nổi sự thật khi nhìn thấy dòng chữ trên sổ khám bệnh “câm điếc bẩm sinh” với sức nghe chỉ được 20% nên bé không thể nghe, hiểu và biết nói.

Con của chị V. (Bình Dương) gần bốn tuổi mà vẫn chưa nói được từ đơn. Chị kể gia đình mình có truyền thống chậm nói nên khi thấy bé cái gì cũng hiểu chị nghĩ rằng bé chỉ chậm nói thông thường. Vừa qua bé bị sốt cao phải nhập viện, kết quả bé bị viêm tai giữa và được chẩn đoán là điếc bẩm sinh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có đến 3% tổng số trẻ em bị điếc nhẹ và vừa. Phần lớn trẻ em điếc không được phát hiện trước 2-3 tuổi. Nếu không được phát hiện, trẻ sẽ bị chậm nói hoặc nói ngọng, tính nết không bình thường, ảnh hưởng lớn tới sự hình thành ngôn ngữ và sự phát triển về tư duy của trẻ.

THANH HÀ

. Bé nghe hiểu nhưng không trả lời được có phải là bị bệnh câm điếc?

+ Sai. Đó là hiện tượng điếc lời: Em bé nghe được tiếng nói nhưng không hiểu lời nói, không nhắc lại được, bệnh do tổn thương ở não. Với hiện tượng này, bệnh nhân không thích ứng với đời sống bình thường được.

. Bé trên ba tuổi mà chưa nói được từ nào là bất thường?

+ Đúng. Trẻ ba tuổi đã có thể giao tiếp tốt bằng ngôn ngữ. Ông bà ta có câu “Thỏ thẻ như trẻ lên ba”, nếu quá tuổi này mà trẻ chưa có khả năng trao đổi những điều thông thường nghĩa là đã bị chậm nói.

. Trẻ bị khiếm thính nếu không được phát hiện và can thiệp sớm có thể sẽ bị những hậu quả nặng nề?

+ Đúng. Ba năm đầu đời là khoảng thời gian rất quan trọng đối với hình thành, phát triển ngôn ngữ và các kỹ năng xã hội của trẻ. Vì thế, việc phát hiện, chữa trị sớm sẽ giảm bớt những thiếu hụt do khiếm thính gây ra, giúp trẻ sớm hòa nhập với cộng đồng.

Chuyên viên tâm lý KIỀU THANH HÀ (BV Nhi đồng 2)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm