Trẻ có thể bị mù vì thuốc nhỏ mắt

Khoa Mắt nhi, BV Mắt TP.HCM thường xuyên tiếp nhận những ca viêm nhiễm do sử dụng thuốc nhỏ mắt cho trẻ em. Hậu quả thường ngoài sức tưởng tượng của phụ huynh.

Cứ ngứa là nhỏ thuốc

Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuyên, nguyên Phó Giám đốc BV Mắt TP.HCM, còn nhớ cách đây không lâu có một bệnh nhi 9 tuổi nhập viện với biểu hiện mờ mắt. Theo lời kể của mẹ bé, cách đây hai năm, mắt bé hay bị đỏ, ngứa và bà đã tự mua thuốc nhỏ mắt về tự điều trị cho con (thành phần thuốc có chứa một loại kháng sinh và corticoid). Sau khi nhỏ thì thấy rất hiệu quả, mắt bé không đỏ và hết ngứa. Từ đó trở đi, mẹ bé dùng loại thuốc nhỏ này mỗi khi mắt bé bị đỏ. Tổng cộng chị đã sử dụng khoảng 10 chai thuốc nhỏ mắt nói trên. Dần dần mắt bé mờ đi, chị tiếp tục dùng thuốc trên nhưng không thấy bớt nên dẫn cháu đi khám.

Tại bệnh viện, bác sĩ đã khám và phát hiện cả hai mắt bé đều bị viêm kết mạc dị ứng. Mắt phải đục thủy tinh thể hoàn toàn. Mắt trái đục thủy tinh thể bao sau, thị lực 5/10 kèm theo lõm gai 6/10 khi soi đáy mắt. Khi các bác sĩ đo thị trường cho bé thì thấy bé bị mất thị trường thái dương ngoài.

Theo bác sĩ Võ Thị Hương Lan - khoa Mắt nhi, BV Mắt TP.HCM, trong thuốc nhỏ mắt điều trị đau mắt đỏ có chứa chất kháng viêm corticoid. Đây là chất có tác dụng giảm đỏ mắt rất nhanh nhưng tác dụng phụ của nó sẽ kéo dài rất lâu sau khi ngưng thuốc. Nếu sử dụng những loại thuốc nhỏ mắt có chứa chất corticoid lâu dài có thể gây đục thủy tinh thể, thậm chí mù mắt vĩnh viễn.

Trẻ có thể bị mù vì thuốc nhỏ mắt ảnh 1

Phụ huynh không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt cho trẻ mà phải có sự hướng dẫn của bác sĩ. Khám mắt cho trẻ tại khoa Mắt nhi, BV Mắt TP.HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Mắt trẻ nhạy cảm hơn người lớn  

Đa số phụ huynh mỗi khi thấy mắt con mình bị đỏ là dùng thuốc nhỏ mắt có sẵn trong nhà hoặc mua thuốc để nhỏ. Điều này rất nguy hiểm vì mắt bị đỏ không phải chỉ biểu hiện của bệnh mắt đỏ mà còn nhiều loại bệnh khác nữa. Các bà mẹ không nên tự ý nhỏ thuốc cho bé mà phải đưa đến bác sĩ khám và chỉ định loại thuốc dành cho bé.

Theo bác sĩ Hương Lan, những ca nhập viện do lạm dụng thuốc ở trẻ thường có biểu hiện: mắt bị sưng, phù, chảy nước mắt liên tục, mắt không sợ ánh sáng (ánh sáng chiếu vào mắt nhưng không khép lại), ghèn nhiều… Những trường hợp nặng hơn thì bị mắt thấy mờ mờ, thị lực bị giảm, loét giác mạc, tăng nhãn áp...

“Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt dành cho trẻ em nhưng không phải tất cả loại thuốc đều có thể dùng cho trẻ được. Khi dùng thuốc phải có ý kiến bác sĩ. Trẻ em chưa phát triển hoàn chỉnh về các phản xạ bảo vệ, hệ miễn dịch còn non yếu, chức năng gan thận và khả năng thải độc... chưa hoàn hảo, do đó các loại thuốc đưa vào cơ thể rất dễ gây hại cho bé nếu dùng không đúng” - bác sĩ Hương Lan cảnh báo.

Nhỏ thuốc đúng cách cho bé

Trước tiên, bạn cần lau mắt bằng miếng bông gòn ẩm, sạch cho hết bụi bặm rồi để bé nằm ngửa hoặc gối đầu lên đùi bạn. Đặt cánh tay quanh đầu bé, lòng bàn tay áp vào má, nghiêng đầu bé cho mắt bên đau hơi thấp hơn mắt kia. Dùng ngón tay cái kéo nhẹ mí mắt dưới của bé xuống. Giơ ống nhỏ giọt lên trên khe hở giữa mí mắt dưới và con ngươi, nghiêng sao cho bé không trông thấy nó. Bóp cho đủ số giọt kê trong toa (cẩn thận không để ống nhỏ giọt đụng vào mắt hoặc mí mắt bé). Nhỏ xong bạn nên lau các giọt thuốc thừa chảy ra cạnh gốc sống mũi và hai mi.

. Phải giữ gìn thị lực cho trẻ từ lúc lọt lòng?

+ Đúng. Nhiều người cho rằng cận thị chỉ xảy ra đối với trẻ lớn đã biết chữ và đọc sách không đúng cách. Thật ra trẻ có thể suy giảm thị lực ngay từ lúc mới lọt lòng nếu đôi mắt không được chăm sóc đúng cách. Ngoài giữ vệ sinh để tránh viêm nhiễm, phòng tránh hóa chất hoặc vật nhọn làm tổn thương mắt, phụ huynh nên tránh để ánh sáng mặt trời chiếu vào mắt, tránh để trẻ dưới 2 tuổi xem tivi…

. Uống vitamin A thường xuyên, kéo dài sẽ làm mắt sáng, không gây hại gì?

+ Sai. Vitamin A rất cần thiết nhưng cũng rất nguy hiểm nếu dùng quá nhiều. Khi uống vitamin A phải hỏi ý kiến bác sĩ vì thuốc quá liều có thể gây ngộ độc; nhẹ thì buồn nôn, tiêu chảy, co giật; nặng thì phù thóp, ù tai hoặc tổn thương gan (dùng quá liều kéo dài). Để tránh phải dùng đến thuốc, chúng ta có thể ăn thường xuyên các thực phẩm giàu vitamin A như chuối, đu đủ, trái hồng, cà rốt, gan, trứng…

. Ngủ đầy đủ cũng là cách giữ cho mắt trong và sáng?

+ Đúng. Ngủ là thời gian để cơ thể phục hồi năng lượng và giúp mắt nghỉ ngơi. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nên ngủ 15-20 tiếng/ngày; trẻ 1-4 tuổi cần 12-15 tiếng/ngày; 4-8 tuổi cần 10-12 tiếng/ngày. Trẻ không ngủ đủ sẽ dẫn tới mắt thâm quầng, tạo bọng mắt và ảnh hưởng thị lực.

HUYỀN VI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm