Vụ cháu bé 11 tuổi có khả năng gây cháy: Chưa có kết luận gì rõ ràng

 Chiều 15-5, hội đồng khoa học gồm các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, nghiên cứu các phong tục lạ ở khu vực Tây Nguyên, sinh học môi trường, bác sĩ… đã có mặt tại nhà cháu T. để nghiên cứu khả năng gây cháy của cháu (Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin). PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng - thành viên hội đồng khoa học, đã thông tin kết quả nghiên cứu ban đầu với báo chí.

Hiện tượng lạ của Việt Nam và thế giới

Theo ông Hùng, tại Pháp đã từng ghi nhận trường hợp đống khoai tây ẩm ướt bốc cháy do một phụ nữ nhìn và tập trung tư tưởng vào nó. Riêng trường hợp cháu T., mặc dù không tập trung tư tưởng nhưng có thể gây cháy bất kể khi nào. Trước hết là cháy ổ điện, sau cháy các vật dụng bằng nhựa, áo quần, kế đến là cháy bất kể thứ gì. Mặc dù cháu ở xa nhưng vẫn có thể gây cháy. Cháu ở trên lầu thì gây cháy dưới nhà và ngược lại. “Đây là một hiện tượng lạ của Việt Nam và thế giới, không nên coi thường. Chúng ta đang sở hữu một tài sản rất quý!” - ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết: “Cháu T. cảm thấy khó chịu khi đeo vòng đá thạch anh do cơ thể không thích ứng, chứng tỏ cháu hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện bệnh tật. Chúng tôi sử dụng phương pháp khoa học định bệnh lâm sàng, thậm chí xem lá số tử vi để suy đoán bằng tư duy trừu tượng thông qua giờ, ngày cháu sinh và ghi nhận đời sống cháu T. bình thường. Cháu rất thông minh, rất xinh đẹp và thích ngành sinh học mổ xẻ. Đây là một trường hợp rất thú vị mà chúng tôi sẽ nghiên cứu từng bước”.

Vụ cháu bé 11 tuổi có khả năng gây cháy: Chưa có kết luận gì rõ ràng ảnh 1

PSG-TS Nguyễn Mạnh Hùng đang cung cấp thông tin cho báo chí. Ảnh: TRẦN NGỌC

Vụ cháu bé 11 tuổi có khả năng gây cháy: Chưa có kết luận gì rõ ràng ảnh 2

Theo gia đình, chiếc tủ bị cháy là do cháu T. gây ra. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Chúng tôi chụp não đồ cháu T. bằng phương pháp RFI để đo hào quang của cháu. Khi chụp vào đầu cháu T., chúng tôi phát hiện vệt hơi lạ. Sơ bộ cho thấy bán cầu não phải (nơi tư duy trừu tượng) của cháu phát triển giống như những nhà tôn giáo, triết học, họa sĩ…, cho dù cháu không suy nghĩ đến tôn giáo hay bất kỳ nghề nghiệp nào” - ông Hùng cho biết.

Nhà khoa học Anh từ chối nghiên cứu

Theo ông Hùng, hội đồng khoa học có đưa một số kết quả xét nghiệm cho các nhà khoa học người Anh nghiên cứu nhưng bị từ chối vì cháu T. dưới 15 tuổi. “Dù sao các nhà khoa học chúng ta nghiên cứu trước rồi mới gọi mời các nhà khoa học nước ngoài vẫn hay hơn và gia đình đỡ tổn thương” - ông Hùng nói.

Theo đó, hội đồng khoa học sẽ nghiên cứu nhiều vấn đề để loại dần những nghi vấn. Chẳng hạn, gần nhà cháu T. có trạm điện, họ sẽ nghiên cứu xem trạm điện có thể ảnh hưởng một cá nhân nào đó mà không ảnh hưởng đến người khác. Hội đồng cũng sẽ nghiên cứu đất sống ở đây có ảnh hưởng cháu T. hay không. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng đặt câu hỏi, nếu đất sống ở khu vực nhà cháu T. có vấn đề thì sao cháu đi xe buýt cũng cháy, học ở trường cũng cháy. Do vậy, chúng tôi cho rằng môi trường đất sống không ảnh hưởng đến khả năng gây cháy của cháu T.” - ông Hùng nói.

Và cuối cùng, ông Hùng cho biết hiện tại hội đồng khoa học chỉ nghiên cứu hiện tượng gây cháy của cháu T. để cháu có cuộc sống bình thường, được đi học, được vui chơi như bạn bè đồng lứa, chưa nghiên cứu với khả năng gây cháy của mình, cháu T. sẽ giúp ích gì cho xã hội. “Để nghiên cứu vấn đề này, cần có quyết định của hội đồng khoa học và của gia đình cháu T.” - ông Hùng khẳng định.

Phát biểu trên VNExpress.net, ông Nguyễn Phúc Giác Hải, thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, cho rằng nhiều khả năng nguồn nội năng (hay còn gọi là luồng hỏa xà) tồn tại trong cơ thể đã gây ra hiện tượng “phóng hỏa” ở cô bé 11 tuổi này.

Ông Hải cho biết Việt Nam từng phát hiện ba trường hợp tương tự, như một người ở Nam Định có khả năng phát ra năng lượng đốt cháy tóc mình, thậm chí một em bé tại Thanh Hóa còn “đốt cháy” chân của em. Ngoài ra, một trường hợp ở Đồng Nai vẫn đang được theo dõi.

“Đối với những trường hợp trên thì các nhà khoa học ngoại cảm sẽ dùng phương pháp khai thông để giải phóng nguồn năng lượng tích tụ trong cơ thể. Tuy nhiên, trường hợp của cháu T. là đặc biệt bởi hiện tượng phóng hỏa xảy ra ở mọi nơi, mọi thời điểm và đốt cháy mọi thứ” - ông Hải nhìn nhận.

Năm 2004, tại làng An Trung, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên cũng xảy ra hiện tượng tự cháy gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, sau đó cơ quan công an đã xác định thủ phạm gây ra các vụ cháy là một cô bé 12 tuổi đã dùng bật lửa ga tự đốt các vật dụng giá trị thấp như quần áo, bao nylon... Cha mẹ cô bé cũng biết sự việc nhưng vì muốn chuyển chỗ ở nên cố tạo ra nhiều yếu tố huyền bí.

Khó gặp mặt “tài sản quý giá”!

Chiều 15-5, đông đảo PV các báo có mặt tại nhà cháu T. để mong được gặp gỡ và biết mặt cháu. Tuy nhiên, đi học về, cháu chạy nhanh vào nhà và ở suốt bên trong. PV Pháp Luật TP.HCM tìm đến trường cháu học để khai thác một số thông tin liên quan, cũng như muốn gặp trực tiếp cháu T. để hỏi vài vấn đề nhưng bị từ chối thẳng thừng.

TRẦN NGỌC ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm