Giám sát thai phụ 3 tháng đầu tại nơi có dịch Zika

“Theo quy luật nhiễm trùng, không chỉ riêng Zika mà tất cả nhiễm trùng trong ba tháng đầu đều có hậu quả nặng nề với thai nhi. Ở quý II, III của thai kỳ, các cơ quan thai nhi đã hình thành thì cần sự theo dõi khác. Thai phụ cần siêu âm thai hai tuần/lần và không nên quá lo lắng”. PGS-TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, phát biểu như trên tại buổi họp báo công bố tình hình kiểm soát dịch Zika sáng 5-4 tại Hà Nội.

Sẽ hội chẩn từng trường hợp

Theo PGS Cường, việc sàng lọc và chẩn đoán bằng chứng não nhỏ đơn giản nhất là đo kích thước của đầu trong quá trình siêu âm thai, đây là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để chẩn đoán hội chứng đầu nhỏ.

“Hệ thống sàng lọc và chẩn đoán trước sinh hiện nay chúng ta đã triển khai đến tuyến huyện. Máy siêu âm, kỹ thuật đo kích thước của đầu, các nhân viên siêu âm đều có khả năng đo. Khi đo và nghi ngờ, chúng ta so sánh với một chuẩn của chu vi đầu theo tuổi thai, từ đó sẽ phát hiện tốc độ phát triển của chu vi đầu, ở mức độ nào đó phát hiện hội chứng não nhỏ thì sẽ tiến hành hội chẩn” - PGS-TS Cường nói thêm.

Thai phụ nhiễm virus Zika thì tỉ lệ mắc đầu nhỏ có cao không? Đây là bệnh hiếm gặp. Đến nay cũng chỉ mới nghi ngờ sự liên quan giữa hội chứng đầu nhỏ và bà mẹ nhiễm virus Zika. Ngay ở Brazil, tỉ lệ phụ nữ mang thai dương tính với Zika có con mắc hội chứng đầu nhỏ chỉ dưới 10%.

Bộ trưởng Bộ Y tế và cơ quan y tế địa phương kiểm tra tại khu phố 1, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM sáng 5-4. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

“Nhưng virus Zika lại lây qua muỗi, ở nước ta lại là nước có muỗi rất nhiều, việc phòng và phát hiện hội chứng đầu nhỏ ở phụ nữ mắc virus Zika là rất cần thiết” - PGS Cường nhấn mạnh.

Nếu phát hiện sự liên quan giữa virus Zika mà bà mẹ mắc phải và hội chứng đầu nhỏ của thai nhi thì phải xử trí như thế nào? Theo PGS Cường, một số nước không cho đình chỉ thai nghén nhưng ở nước ta thì được, cho nên khi khẳng định thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ do bất kỳ nguyên nhân gì thì khuyến cáo là nên dừng thai nghén. Việc ngừng thai nghén tùy thuộc theo tuổi thai, nếu phát hiện trước 22 tuần thai thì việc quyết định ngừng thai nghén rất dễ nhưng nếu muộn hơn 32 tuần thì khá khó khăn, cần được hội chẩn từng trường hợp một để có kế hoạch.

Khoanh vùng bán kính 200 m

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cách đây vài ngày, Bộ đã nâng mức độ cảnh báo lên cấp độ 2, coi như Việt Nam đã có dịch. “Tới thời điểm hiện nay, chúng tôi đã chính thức yêu cầu tất cả địa phương nâng mức độ cảnh báo và phòng, chống lên mức độ 2. Tức, chúng ta có rất nhiều biện pháp về chỉ đạo, về truyền thông, dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, chuẩn bị cơ sở về trang thiết bị, con người, thuốc men… Bộ Y tế đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn ban hành tất cả hướng dẫn cần thiết về giám sát, điều trị với bà mẹ mang thai. Bộ đã chuẩn bị các cơ sở để xét nghiệm virus Zika. Hiện có bốn đơn vị có khả năng xét nghiệm, về sau này chúng tôi dự kiến nâng lên nhiều labo có thể chẩn đoán Zika nếu dịch lan rộng” - ông Long khẳng định.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp quyết liệt với Khánh Hòa và TP.HCM. Cụ thể là khoanh vùng ổ dịch, dập dịch càng sớm càng tốt để hạn chế tốt nhất mức độ lây lan Zika ở các khu vực đó.

Tất cả khu vực, đặc biệt ở miền Nam và miền Trung đang vào mùa mưa, thời điểm cao điểm sinh sôi phát triển của muỗi vằn. Việc đầu tiên là diệt lăng quăng và bọ gậy. Vứt những vật chứa nước không cần thiết. Thả cá vào lu đựng nước ăn, triển khai các biện pháp khử nước.

“Chúng tôi đã chỉ đạo hai viện Pasteur TP.HCM và TP Nha Trang khoanh vùng ổ dịch trong vòng bán kính 200 m. Vì theo nghiên cứu, bán kính bay của muỗi chỉ nằm trong khoảng này. Đồng thời triển khai biện pháp để khuyến cáo người dân diệt lăng quăng, bọ gậy và tổ chức phun thuốc trên diện rộng ở khu vực đó nhằm kiểm soát tình hình” - Thứ trưởng Long cho biết.

ĐỨC MINH - HÀ PHƯỢNG - TẤN LỘC

Cách ly 2 người nhiễm Zika tại Khánh Hòa và TP.HCM

Sáng 5-4, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo công bố hai trường hợp đầu tiên xác định nhiễm virus Zika tại Việt Nam. Theo Bộ Y tế, kết quả đến ngày 4-4, các viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur đã xét nghiệm hơn 1.200 mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp có biểu hiện tương tự nhiễm virus Zika tại 32 tỉnh, TP trên cả nước, phát hiện hai trường hợp dương tính với virus Zika tại tỉnh Khánh Hòa và TP.HCM. Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân nữ, 64 tuổi, cư trú tại phường Phước Hòa, TP Nha Trang, khởi phát từ ngày 26-3 với các triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân và đau mắt đỏ. Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ, 33 tuổi, cư trú tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM, khởi phát ngày 29-3 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi.

Ngay trong sáng 5-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM PGS-TS Phan Trọng Lân cùng lãnh đạo y tế địa phương đã đi kiểm tra nơi ở và nơi làm việc của trường hợp mắc Zika ở TP.HCM. Được biết người phụ nữ tên L. này đang mang thai tám tuần. Con gái chị L. khoảng hai tuổi, trước đó hai tuần cũng có dấu hiệu sốt, tuy nhiên kết quả xét nghiệm âm tính. Chị này hiện đang công tác tại một tòa nhà ở quận 1. Chồng chị L. đang làm việc tại Malaysia.

Cũng trong chiều 5-4, Bộ Y tế cho biết kết quả điều tra yếu tố dịch tễ ban đầu xác định bệnh nhân tại Nha Trang bị lây truyền Zika là qua đường muỗi đốt. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, yêu cầu y tế địa phương vận động bệnh nhân này cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày để tránh lây lan. Ngành y tế Khánh Hòa phải phối hợp Viện Pasteur TP Nha Trang theo dõi, giám sát chặt tất cả phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu, lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ tại cộng đồng, các phòng khám ngoại trú.

Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác Bộ Y tế đã trực tiếp đến nhà thăm bà CTL - bệnh nhân đầu tiên ở Khánh Hòa bị nhiễm Zika. Bà L. cho biết cách đây ba tuần, bà có tham gia nấu chay để cúng cho một gia đình ở địa phương. Tại đám cúng này có nhiều Việt kiều là con cháu của gia đình đó về nước dự. Trong thời gian điều trị tại BV Nhiệt đới Khánh Hòa, bà L. nằm chung phòng với nhiều bệnh nhân khác. Đến khi xuất viện, bà không được ai thông báo mình bị nhiễm virus Zika.

Việt Nam chỉ mới phát hiện hai ca nhiễm virus Zika và có mức độ lây nhiễm thấp. Do đó vấn đề quan trọng nhất hiện nay là triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp dập dịch, ngăn ngừa tối đa việc lây lan.

TS Masayagalo, Trưởng nhóm phòng, chống bệnh truyền nhiễm
của Tổ chức Y tế Thế giới

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm