Hiểm họa bất ngờ từ súng bắn đạn bi

Ngày 6-2, BS Trần Châu Thái, Trưởng đơn vị khám mắt, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho bệnh nhi Y Khương Mơ Lo, ba tuổi, ngụ huyện Krong Puk, Đắk Lắk trong tình trạng rách vùng dưới mắt phải do có dị vật cắm vào hốc mắt.

Suýt mất mạng, mù mắt vì súng bắn bi

Thăm khám ban đầu cho bệnh nhi trên, khi bác sĩ dùng tay đè nhẹ lên mắt thấy có độ căng chứng tỏ nhãn cầu chưa vỡ. Đồng tử mắt không giãn, giác mạc hơi phù nề, không có xuất huyết trong mắt, tiên lượng của bệnh nhân khá. Sau phối hợp nhiều chuyên khoa, cháu bé được phẫu thuật qua đường mổ vào bờ dưới mắt, vén toàn bộ nhãn cầu qua một bên để lấy dị vật. Đó là viên đạn bằng thủy tinh, hình tròn đường kính hơn 15 mm, sản phẩm của cây súng bắn bi tự chế.

Theo đánh giá của BS Nguyễn Thế Huy, Phó khoa Tai Mũi Họng, cháu bé rất may mắn vì viên đạn bi chỉ làm lõm hốc mắt, xung quanh xương không tổn thương và chảy máu nhiều đến mức phải can thiệp ngoại khoa. Bờ dưới mắt và xoang hàm bên phải chỉ tổn thương nhẹ, không ảnh hưởng đến dây thần kinh và thị giác của bé về sau. “Nếu cây súng này đúng như lực bắn của loại súng đi săn có thể giết chết con chồn ở khoảng cách 30 m thì chắc chắn cháu bé đã hỏng mắt và có thể tử vong” - BS Huy nói.

Ngoài trường hợp của cháu Mơ Lo, gần đây cũng đã có nhiều trường hợp nạn nhân nhập viện do súng bắn bi. Trong đó có trường hợp bệnh nhân PTTD (34 tuổi, Tây Ninh) nhập BV Chợ Rẫy vào mùng 2 Tết vì đạn súng bi trẻ em bắn trúng vào phần ngực trái, sát tim. 

“Do thấy các cháu trong xóm mua về chơi nên chồng tôi cũng mua cho con, bình thường tụi nhỏ chỉ bắn gà, bắn vịt ngoài vườn. Trong lúc đang chơi bắn nhau, con trai anh hàng xóm không may bắn liền nhiều phát vào người chồng tôi khiến anh bất tỉnh té ngửa. Theo các bác sĩ, do lực bắn quá gần và bắn liên tục nên chồng tôi bị thương vùng lồng ngực, suýt mất mạng” - vợ anh D. cho biết.

Bé Y Khương Mơ Lo sau phẫu thuật tại BV Nhi đồng 1 do súng bắn đạn bi. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Một khẩu súng bắn đạn bi giống như thật bị cơ quan chức năng thu giữ trên địa bàn TP Hà Nội đầu tháng 1.  Ảnh: TUYẾN PHAN

Tràn lan dưới mác đồ chơi trẻ em

Súng đồ chơi trẻ em hay súng bắn đạn bi, súng cồn tự chế hiện nay vẫn đang được gắn mác trẻ em và được nhiều người sử dụng mà không quan tâm đến độ sát thương, nguy hiểm của nó.

Tại hội làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) diễn ra vào ngày 5-2 vừa qua, hình ảnh người lớn, trẻ em mua bán súng và chơi nghịch trong sân làng rất phổ biến. Theo quan sát, vỏ các khẩu súng làm bằng nhựa, không có bao bì ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Súng đồ chơi có nhiều loại và giá bán dao động 70.000-130.000 đồng/khẩu, tùy vào từng chức năng của mỗi loại.

Tương tự tại TP.HCM, sau khi tìm hiểu trên trang web Hùng Long Shop, địa điểm chuyên cung cấp các loại súng đạn bi cho người lớn và trẻ em, PV báo Pháp Luật TP.HCMđã thử đặt hàng và nghe tư vấn về súng. Theo chủ shop, súng đạn bi là đồ chơi trẻ em, có nhiều loại gồm Airsoft M71, M83, M84... Giá của từng loại từ 110.000 đồng với súng nòng ngắn và cao nhất là loại có chân gác, đạn bi sắt to, được bán với giá 500.000 đồng. Shop này khẳng định đây chỉ là súng đồ chơi, không dùng đi săn bắn và không gây sát thương.

Mua bán có thể bị phạt đến 10 triệu đồng

Được biết ngày 27-12-1993, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 464/BNV ban hành danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm và Bộ Thương mại, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo thực hiện. Theo đó, các loại súng nói trên đều thuộc danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm: a) Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn gồm súng nén hơi, nén lò xo bắn đạn nhựa hoặc đạn các loại; súng bắn phun nước, bắn phát quang hoặc bắn gây nổ. b) Các loại bật lửa có hình dáng quả lựu đạn hoặc hình dáng súng ngắn. c) Các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung, nỏ làm bằng gỗ, tre, nhựa, giấy nén…

Theo điểm d khoản 4 Nghị định số 167/2013: Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng nếu sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.

Điểm a khoản 8 Điều 10 nghị định trên còn quy định hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

BS Trần Châu Thái, Trưởng đơn vị khám mắt, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo: Khi con trẻ hoặc người thân gặp phải những tai nạn như trên, người nhà cần dùng gạc cầm máu đè nhẹ vào vết thương, tránh làm phòi toàn bộ nội nhãn ra bên ngoài, gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ can thiệp. “Biện pháp phòng ngừa tốt nhất hiện tại là các bậc phụ huynh nên thật sự cẩn thận khi cho con cái tiếp xúc với những loại súng đồ chơi kiểu này vì nguy cơ sát thương rất lớn” - BS Thái cho biết.

_____________________________

Theo thống kê chỉ trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, các trường hợp tổn thương do đạn bắn bi, dị vật, số lượng bệnh nhân nhập viện do súng đạn tự chế… đã tăng 143% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm