Mất chân vì 'dám' coi thường đái tháo đường

Ngày 17-7, BS Trần Minh Triết, Phân khoa Nội tiết BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết thời gian gần đây BV thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị biến chứng bàn chân do ĐTĐ.

Trường hợp nhập viện gần đây nhất là bệnh nhân Nguyễn Thị S. 58 tuổi, quê Tiền Giang. Bà S. bị ĐTĐ lâu năm nhưng điều trị không thường xuyên, ngoài ra bà hay có thói quen đi chân đất, giẫm phải gai nhọn gây nên vết thương ở bàn chân. Tuy nhiên, sau khi bị gai đâm, bà S. không đi khám mà tự điều trị bằng cách đắp thuốc vào vết thương cho đến khi vết thương sưng tấy, lan rộng đến cổ chân bà mới nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng rất nặng, nghi nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng. Để cứu mạng bệnh nhân, các bác sĩ đành phải đoạn chi kết hợp điều trị nội khoa tích cực.

Trường hợp tiếp theo là bệnh nhân Trương Thị Đ. 65 tuổi, ngụ TP.HCM. Mặc dù bị ĐTĐ nhiều năm và đã có biến chứng thần kinh ngoại biên do ĐTĐ nhưng khi bàn chân có cảm giác nóng rát, nhói đau như bị châm chích, bà Đ. nghe lời bạn bè đã tự đi cắt lể và ngâm chân nước muối. Hậu quả bà bị nhiễm trùng hai chân lan rộng. May mắn nhờ người nhà phát hiện sớm và đưa vào BV ĐH Y Dược kịp thời nên bà đã được điều trị khỏi mà không phải đoạn chi như bà S.

Cách bác sĩ cảnh báo mọi người không nên quá chủ quan với đái tháo đường.

Theo BS Trần Minh Triết, Phân khoa Nội tiết BV ĐH Y Dược, bên cạnh kiểm soát đường huyết và các biến chứng khác, chăm sóc bàn chân là một trong những việc quan trọng trong điều trị ĐTĐ. Người bệnh cần được thăm khám, đánh giá tầm soát biến chứng bàn chân ĐTĐ định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là người bệnh cần biết cách tự chăm sóc và phát hiện sớm các biến chứng trên bàn chân của mình. Cùng với đó là giữ chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý để giúp kiểm soát đường huyết ổn định.

"Để chăm sóc bàn chân, người bệnh ĐTĐ cần rửa sạch và quan sát bàn chân mình mỗi ngày trước khi đi ngủ, luôn mang giày dép thích hợp, không đi chân đất ngay cả khi đi trong nhà. Trước khi mang giày cần xem có vật nhọn gì trong giày hay không, cắt móng chân nên cắt ngang, không nên cắt khóe, tuyệt đối không ngâm chân trong nước nóng hay nước muối... Phải đến khám ở bác sĩ chuyên khoa ngay khi có bất thường" - BS Triết khuyến cáo.

Nhằm liên tục cung cấp những kiến thức cần thiết cho người bệnh ĐTĐ, phân khoa Nội Tiết khoa Nội tổng hợp BV ĐH Y Dược tổ chức sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ người bệnh ĐTĐ lần thứ 2. Mục tiêu mang lại nhiều kiến thức bổ ích, giúp cho người bệnh hiểu hơn về bệnh ĐTĐ, sống khỏe hơn, lạc quan hơn với chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp ổn định đường huyết và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thời gian: Từ 7 giờ đến 11 giờ sáng Chủ nhật (23-7) tại tầng trệt khu A, BV ĐH Y Dược TP.HCM, 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP.HCM.

Đăng ký tham dự miễn phí vui lòng liên hệ điện thoại: (028) 3952 5449 hoặc (028) 3952 5422.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm