Một bệnh viện ‘chống lệnh’ Sở Y tế

Ngày 27-4-2012, phía bệnh viện yêu cầu chị phải nộp cho bệnh viện bằng tốt nghiệp gốc của Trường ĐH Y Thái Nguyên (bằng bác sĩ đa khoa), thời hạn giữ bằng là ba năm kể từ ngày 27-4-2012.

Đến giữa năm 2013, bệnh viện tiếp tục yêu cầu chị Hường làm thủ tục để làm chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, sau đó bệnh viện cũng giữ luôn chứng chỉ hành nghề của chị Hường.

Cuối tháng 10-2014, con chị Hường không may xảy ra tai biến sau ca mổ nên chị xin bệnh viện nghỉ làm để có thời gian chăm sóc con nhỏ và được phía bệnh viện chấp nhận. Sau đó, dù chị đã nhiều lần liên hệ gọi điện thoại, gặp mặt, đồng thời gửi đơn yêu cầu phía bệnh viện trả lại giấy tờ gốc cho mình nhưng phía bệnh viện không trả. “Tôi rất mong phía bệnh viện trả lại giấy tờ gốc cho tôi để có thể đi làm trở lại” - chị Hường cho biết.

Ông Lê Công Định, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, cho biết sau khi nhận được đơn khiếu nại của chị Lê Thị Hường, ngày 19-11-2015, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi BV Đa khoa Thành An - Thăng Long, yêu cầu phải chấm dứt việc giữ bằng chính tốt nghiệp đại học, chứng chỉ hành nghề của chị Hường. Đồng thời giám đốc bệnh viện và chị Hường phải thực hiện đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội theo đúng quy định. Sau đó, Sở Y tế cũng đã có công văn đôn đốc yêu cầu phía bệnh viện giải quyết khiếu nại cho chị Hường, tuy nhiên phía bệnh viện đến nay vẫn không chấp hành.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Nguyễn Phương Thược, Giám đốc đối ngoại BV Đa khoa Thành An - Thăng Long, cho biết về mặt luật pháp bệnh viện giữ bằng của chị Hường là sai. Tuy nhiên, ông không có thẩm quyết giải quyết vụ việc. 

Sau đó, chúng tôi đã liên lạc với giám đốc bệnh viện nhưng không thể kết nối được.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết việc bệnh viện giữ bằng gốc của chị Hường sau khi chị đã được cho nghỉ việc là không đúng. Bệnh viện không trả lại bằng gốc cho chị Hường là vi phạm pháp luật, chiếm giữ giấy tờ không hợp pháp của người khác. “Ngoài ra, tôi cho rằng vụ việc cũng có lỗi của các cơ quan quản lý về lao động cũng như cơ quan quản lý về y tế của địa phương. Họ đã không quyết liệt đôn đốc và giám sát việc thực hiện trên thực tế. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng nhờn luật của các đối tượng vi phạm và xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm