Một huyện có hơn 10.000 người hiến giác mạc

Đoàn xe chúng tôi đặt chân đến Ninh Bình khi trời vẫn còn sương mù những ngày miền Bắc mới chớm đông. Không như những buổi lễ trịnh trọng khác, đông đảo “đại biểu” hôm nay là những công nhân, nông dân chân lấm tay bùn. Mỗi người một vẻ nhưng họ đều đến hội trường với chung một nỗi niềm cảm xúc “chung tay vì sự sống mới”.

Mắt con sẽ luôn nhìn theo mẹ

Ngồi lặng lẽ ở hàng ghế giữa hội trường, bà Phan Thị Xuyến (62 tuổi), ngụ xã Văn Hải, Kim Sơn, Ninh Bình nắm chặt hai bàn tay để kìm nén xúc động.

Nhớ về người con trai qua đời cách đây chưa đầy hai tháng, bà nghẹn lại, quệt nước mắt rồi kể lại đầy tự hào về chàng trai 26 tuổi tự nguyện hiến tạng của mình khi biết được thời gian sống của cậu không còn bao lâu.

Từ bỏ giấc mơ đại học để vào miền Nam học lái xe, chạy thuê kiếm tiền nuôi anh trai đang học ĐH Thể dục Thể thao TP.HCM, Phạm Quang Phúc biết được mình mắc bệnh hiểm nghèo cách đây hơn một năm. Sau thời gian dài chữa trị ở TP.HCM, tháng 8-2018, Phúc được đưa về BV Bạch Mai khi đã không còn nhiều hy vọng.

“Khi cháu biết mình sắp chết, cháu nói với tôi rằng con muốn hiến tạng cứu người. Do cơ thể không khỏe mạnh nên cháu chỉ có thể hiến giác mạc cho y học. Nó nói con chết đi, mẹ hiến giác mạc con cho người ta thì con vẫn nhìn thấy mẹ. Tôi nghe thương quá nên đồng ý và liên hệ với Hội Chữ thập đỏ ở huyện để thực hiện nguyện vọng cho cháu” - bà Xuyến kể.

Chị Ngô Thị Thắm (phải) ứa nước mắt nhắc đến người chồng đã hiến giác mạc sau khi qua đời cách đây chưa đầy hai tháng. Ảnh: HP

“Khi người ta biết gia đình tôi hiến giác mạc con trai, họ nói tham gì 4,5 triệu đồng mà để con chết không toàn thây. Gia đình cũng buồn lắm, cũng khóc nhiều lắm, tôi đã bỏ ra gần nửa tỉ đồng chạy chữa cho con thì tham gì mấy triệu đồng như vậy. Hàng xóm vẫn không hiểu được nguyện vọng của con tôi cao đẹp như thế nào” - bà Xuyến nói tiếp.

Cũng trải qua tâm trạng như bà Xuyến, tròn 100 ngày kể từ khi chồng qua đời, ánh mắt chị Ngô Thị Thắm (thị trấn Bình Minh, Kim Sơn, Ninh Bình) vẫn liên tục nhòe đi mỗi khi có ai nhắc đến chồng mình.

Chồng chị Thắm bị phát hiện ung thư dạ dày cách đây một năm, khi bệnh ở giai đoạn cuối khó lòng chữa trị, gia đình đưa anh về nhà. Trước khi mất hai tuần, vợ chồng chị Thắm bàn đến việc hiến tạng cứu người.

“Vợ chồng tôi cũng đắn đo rất nhiều. Nhưng khi tôi hiểu rằng nếu mất đi, mình mang theo đôi mắt cũng không có ý nghĩa gì, chi bằng giúp một người mù mở ra ánh sáng mới, giúp người ta thay đổi cuộc đời sẽ tốt hơn thì tôi chọn cách cho đi” - chị Thắm nói.

Hơn 10.000 người đăng ký hiến giác mạc

Ninh Bình là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong phong trào hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người. Có được thành quả trên là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những người làm trong Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình.

Vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”

Hội xác định công tác vận động hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người là nhiệm vụ rất khó vì trong hệ thống hội trên cả nước chưa có một đơn vị nào làm được. Tuy nhiên, với phương châm vận động “mưa dầm thấm lâu”, sự nhiệt tình, vất vả của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ đã được đền đáp bằng từng bước thấu hiểu của người dân.

ông BÙI TRỌNG KỲ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình

Chia sẻ với PV, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn, Ninh Bình cho biết: “Giai đoạn đầu, việc tuyên truyền, vận động về hiến giác mạc gặp vô vàn khó khăn bởi quan niệm “chết không toàn thây”. Chúng tôi vận động thông qua các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội, dần dần ý nghĩa nhân văn của việc hiến giác mạc được bà con nhìn nhận và hưởng ứng. Chính vì vậy, đến nay đã có hơn 10.000 người đăng ký tình nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời”.

Có mặt trong lễ tôn vinh tại huyện Kim Sơn hôm nay, anh Nguyễn Văn Mạnh ở xóm 5B, xã Cồn Thoi chia sẻ: “Gia đình tôi đã có bốn người hiến giác mạc sau khi qua đời. Chúng tôi tự hào vì điều đó”. Theo chia sẻ của anh Mạnh, không phải ai cũng hiểu và làm được việc đó. Dù trước khi ra đi, bố mẹ anh Mạnh đã quyết định hiến đôi giác mạc với ý niệm cứu được người khác thì cuộc đời mình có ý nghĩa hơn, thế nhưng khi các cụ nằm xuống, nhiều con cháu lại không đồng tình. Chỉ tới khi được giải thích về ý nghĩa nhân văn của việc hiến giác mạc, gia đình anh Mạnh mới đồng thuận.

Cách đây bốn năm, khi cậu con trai vừa tròn 14 tuổi không may bị tai nạn qua đời, anh Mạnh cũng quyết định hiến đôi giác mạc của con. “Để hiểu và thấu cảm được nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tạng này nhờ rất nhiều vào công sức của Hội Chữ thập đỏ, nếu như không nghe các cô, các chú giải thích, tôi nghĩ mình vẫn còn suy nghĩ cổ hủ rất nhiều” - anh Mạnh cho hay.

Tiếp nhận giác mạc hiến gian nan

Vận động để mọi người hiểu và tình nguyện hiến giác mạc đã khó nhưng việc đi tiếp nhận giác mạc hiến cũng gian nan không kém. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương, cho biết: “Bất kể lúc nào, dù mưa nắng hay sớm tối, cứ nhận được thông tin có nguồn giác mạc hiến là anh em ở đây ngay lập tức lên đường. Có hôm vừa trở về sau một chuyến đi lấy giác mạc xuyên đêm, anh em lại tiếp tục hành trình mà không có thời gian nghỉ ngơi. Thế nhưng không phải lúc nào cũng thành công, cũng mang được nguồn hiến về bởi nhiều lý do”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.